THỦ TỤC ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN THUỶ NỘI ĐỊA
I. Nhiệm vụ cơ quan đăng kiểm cấp Sở: (Trích khoản 4 phụ lục IX thông tư 48/2015/TT-BGTVT ngày 22 tháng 09 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải).

Thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật & bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa cho các phương tiện hoạt động trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm và vịnh do địa phương trực tiếp quản lý có một trong các đăc trưng sau:
a. Các phương tiện có sức chở người dưới 50 người;
b. Các phương tiện có trọng tải toàn phần dưới 200 tấn;
c. Các phương tiện có động cơ có tổng công suất máy chính dưới 135 sức ngựa;
d. Các phương tiện chuyên dùng như: ụ nổi, tàu công trình và các tàu có công dụng đặc biệt có chiều dài thiết kế nhỏ hơn 10 mét.

II. Các loại hình kiểm tra:

- Kiểm tra lần đầu: Kiểm tra phương tiện khi đóng mới, phương tiện nhập khẩu, phương tiện đăng ký hành chính lần đầu;
- Kiểm tra chu kỳ: Kiểm tra định kỳ; kiểm tra hàng năm; kiểm tra trên đà; kiểm tra trung gian;
- Kiểm tra bất thường theo quy định tại hệ thống quy phạm, các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định 
1. Kiểm tra lần đầu: 

Kiểm tra lần đầu được tiến hành sau khi đóng xong hoặc lần đầu đưa tàu đến đăng kiểm kiểm tra (tàu đang khai thác) nhằm thống kê, kiểm tra sự phù hợp của các bộ phận của tàu so với Quy phạm hoặc mẫu định hình đã được công nhận; xác định khả năng khai thác thực tế của tàu.

Thành phần, số lượng hồ sơ: 
 - Giấy đề nghị kiểm tra phương tiện thủy nội địa (theo mẫu)
 - Bản gốc bộ hồ sơ thiết kế đã được thẩm định

2. Kiểm tra chu kỳ:
2.1.  Kiểm tra định kỳ: Kiểm tra định kỳ được thực hiện để duyệt lại cấp đã trao cho tàu. Thời hạn giữa hai lần kiểm tra định kỳ là 5 năm.

Thành phần, số lượng hồ sơ: 
- Giấy đề nghị kiểm tra phương tiện thủy nội địa (theo mẫu)
- Bản gốc giấy chứng nhận ATKT & BVMT phương tiện thủy nội địa đã được cấp;
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa;
- Bản gốc hồ sơ thiết kế hoán cải đã được thẩm định (nếu phương tiện có hoán cải);

2.2. Kiểm tra trên đà: Kiểm tra trên đà để đánh giá trạng thái kỹ thuật các phần chìm dưới nước để duy trì cấp đã trao cho tàu. Thời hạn giữa 02 lần kiểm tra trên đà không quá 36 tháng. Khi thời hạn kiểm tra trên đà trùng với thời hạn kiểm tra hàng năm thì phải tiến hành kiểm tra trên đà;

Thành phần, số lượng hồ sơ: 
- Giấy đề nghị kiểm tra phương tiện thủy nội địa (theo mẫu)
- Bản gốc giấy chứng nhận ATKT & BVMT phương tiện thủy nội địa;
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa;
- Bản gốc hồ sơ thiết kế hoán cải đã được thẩm định (nếu phương tiện có hoán cải);

2.3. Kiểm tra hàng năm: Kiểm tra hàng năm nhằm xác nhận các điều kiện duy trì sự hoạt động trong khai thác của tàu. 

Thành phần, số lượng hồ sơ: 
- Giấy đề nghị kiểm tra phương tiện thủy nội địa (theo mẫu)
- Bản gốc Giấy chứng nhận ATKT & BVMT phương tiện thủy nội địa;
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa;
- Bản gốc hồ sơ thiết kế hoán cải đã được thẩm định (nếu phương tiện có hoán cải);

3. Kiểm tra bất thường: Kiểm tra bất thường được tiến hành trong các trường hợp sau:

- Tàu bị tai nạn;
- Khôi phục lại sự hoạt động của tàu;
- Sau khi sửa chữa do tai nạn, thay thế, trang bị lại, đổi chủ, chuyển vùng;
- Khi tàu muốn đi ra ngoài vùng hoạt động quy định;
- Theo yêu cầu của các cơ quan liên quan;

Thành phần, số lượng hồ sơ: 
- Giấy đề nghị kiểm tra phương tiện thủy nội địa (theo mẫu)
- Bản gốc giấy chứng nhận ATKT & BVMT phương tiện thủy nội địa;
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa;
- Bản gốc hồ sơ thiết kế hoán cải đã được thẩm định (nếu phương tiện có hoán cải);
- Văn bản yêu cầu của cơ quan liên quan (nếu có)

III. Quy trình tiếp nhận kiểm tra và giao trả kết quả:

- Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến đơn vị đăng kiểm. 
- Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp trực tiếp) hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đã đầy đủ thì hẹn thời gian, địa điểm kiểm tra.
- Đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm tra. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc đối với việc kiểm tra phương tiện cách trụ sở làm việc dưới 70 km và 02 (hai) ngày làm việc đối với việc kiểm tra phương tiện cách trụ sở làm việc từ 70 km trở lên hoặc kiểm tra phương tiện ở vùng biển, đảo, kể từ khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường.

Nếu kết quả kiểm tra phương tiện thỏa mãn các quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật thì đơn vị đăng kiểm in và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.
 
Nếu kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
- Tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm tra phương tiện nộp phí, lệ phí theo quy định và có thể nhận kết quả trực tiếp tại đơn vị đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác.



IV. Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành áp dụng cho phương tiện thủy nội địa:

- Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa sữa đổi lần 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cở nhỏ - QCVN 25:2010/BGTVT.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa - QCVN 17:2011/BGTVT sữa đổi lần 2: 2016.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ gỗ - QCVN 84:2013/BGTVT

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh - QCVN 56:2013/BGTVT

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc - QCVN 54:2013/BGTVT,

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ xi măng lưới thép - QCVN 51:2012/BGTVT.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo và kiểm tra thiết bị cứu sinh dùng cho phương tiện thủy nội địa - QCVN 85:2015/BGTVT.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng ụ nổi - QCVN 55:2013/BGTVT.

- Quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện quy định tại Chương V Luật Giao thông đường thủy nội địa.

V. Phí và lệ phí kiểm tra:

1. Phí kiểm định: Theo Thông tư 237/2016 /TT-BTC, ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính; (Tuỳ thuộc kích thước, công suất máy, công dụng, năm sử dụng phương tiện ...)

2. Lệ phí cấp giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thu theo thông tư 199/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Bộ tài chính.
Bùi Văn Tấn
  • Anh6