Nhiều quốc gia đã áp dụng ETC
Hiện tại, hệ thống này đã được Chính phủ chấp thuận cho triển khai trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh – đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên. Theo Bộ GTVT, việc áp dụng hệ thống thu phí không dừng tự động và kiểm soát trọng tải xe là một bước tiến lớn trong sự phát triển của ngành GTVT. Đây sẽ còn là một bước tiến xa hơn nữa nếu như hệ thống này được áp dụng ở tất cả các tuyến đường cao tốc trên toàn quốc. Hiện nay, trên thế giới chỉ duy nhất Đài Loan đã làm được điều đó.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, hệ thống ETC không còn mới. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng ETC cho các trạm thu phí. Hệ thống này đã chứng minh được tính ưu việt của nó. Ngoài Đài Loan vốn đã nổi tiếng với thành công trong việc áp dụng hệ thống thu phí tự động công nghệ RFID, một số quốc gia được nêu dưới đây cũng được xem là những ví dụ đáng lưu ý.
Chẳng hạn như tại Ấn Độ, ước tính của Bộ Đường cao tốc Ấn Độ đưa ra đầu năm cho thấy, hệ thống ETC mà nước này đã và đang tiến hành lắp đặt trên các tuyến đường cao tốc sẽ giúp tiết kiệm 880 tỷ rupi mỗi năm. Trong đó, 600 tỷ rupi là tiền tiết kiệm các chi phí tại các điểm thu phí thủ công và 280 tỷ rupi là giá trị thời gian tiết kiệm được nhờ vào hệ thống ETC.
Còn tại Malaysia, quốc gia này đang đặt mục tiêu lắp đặt 200 trạm thu phí ETC trên khắp cả nước vào năm 2020. Đến lúc đó, số trạm ETC sẽ giúp Malaysia tiết kiệm được một khoảng chi phí tương đương 1% GDP của nước này.
Lợi ích lớn cho Việt Nam
Với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu xây dựng một hệ thống giao thông thông minh tại nhiều quốc gia, không ai nghi ngờ về lợi ích to lớn mà ETC mang lại cho cả cơ quan nhà nước và người dân. Vậy nếu như hệ thống ETC được lắp đặt tại toàn bộ các điểm thu phí giao thông ở Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích như thế nào? Dưới đây là những con số căn bản cho thấy những lợi ích đáng kể.
Đối với chủ phương tiện vân tải, lợi ích là: tiết kiệm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa có thể quy đổi thành tiền tương đương khoảng 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu sử dụng cho mỗi lần dừng đỗ và tăng tốc trở lại ở mỗi trạm khoảng 233 tỷ đồng/năm
Đối với chủ đầu tư BOT, lợi ích là quản lý chính xác nguồn thu, tránh thất thoát và gian lận trong quá trình thu phí; tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng trạm thu phí bình quân khoảng 20 tỷ đồng/trạm, 100 trạm tương đương 2.000 tỷ đồng; tiết kiệm được chi phí vận hành bộ máy tại các trạm thu phí khoảng 120 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc áp dụng hệ thống thu phí tự động sẽ giúp từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông bao gồm: đăng ký, đăng kiểm, lưu lượng xe; kiểm soát tải trọng xe lưu thông và có các phương thức xử lý thích hợp, tránh tình trạng xe vượt quá tải trọng gây mất an toàn giao thông; quản lý được xe đăng ký chính chủ, xe bị mất cắp…
Ngoài ra, hệ thống này còn mang lại những lợi ích chung đối với toàn xã hội như: góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí, nhất là lúc cao điểm; giảm thiểu môi nhiễm môi trường; tăng tuổi thọ động cơ; giảm thiểu (có thể tới 20%) số vụ tai nạn giao thông; giảm thiểu thanh toán tiền mặt…
LVL(Theo baogiaothong.vn)