TIN TỨC TRONG NGÀNH
Đà Nẵng: Giao thông "đi trước một bước" & thương hiệu thành phố cầu
Đà Nẵng: Giao thông "đi trước một bước" & thương hiệu thành phố cầu (19/10/2020)
  



Mới đây, hình ảnh nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi “nâng lên hạ xuống” cho tàu ra vào tránh lũ bão tạo hấp dẫn với người dân, du khách. Cây cầu 55 tuổi, không chỉ kết nối hai bờ sông Hàn, mà còn mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa và vừa được ngành GTVT Đà Nẵng “biến hóa” để tăng tiện ích, nét độc đáo riêng.

Không phải ngẫu nhiên, nhắc Đà Nẵng, người ta nhớ ngay thương hiệu “thành phố cầu”. Dọc sông Hàn, hàng loạt công trình cầu được Đà Nẵng đầu tư, đưa vào khai thác những năm qua đã tạo dấu ấn riêng từ kỹ thuật đến tính thẩm mỹ cao độ: một cầu quay sông Hàn, cầu Rồng phun nước lửa, cầu treo dây võng Thuận Phước, cầu “cánh buồm” Trần Thị Lý, xa hơn là cầu Tiên Sơn, hay đến những cây cầu trên hệ thống sông đổ về sông Hàn...



Cùng với các công trình cầu, hàng loạt tuyến đường đã và đang được đầu tư, khai thác tạo thành bức tranh giao thông, kết nối liên hoàn, hình thành trục động lực cho lưu thông, phát triển KT-XH Đà Nẵng. Ngay cửa ngõ phía Bắc, công trình mở rộng ống hầm thứ 2 hầm Hải Vân, cao tốc La Sơn - Túy Loan đang hoàn thành, sẵn sàng khớp nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường vành đai phía Nam (Hòa Phước - Hòa Khương)…

Trong nội thị, các công trình giao thông quan trọng đã được đưa vào sử dụng đáng kể: Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, đường Nguyễn Tất Thành nối dài; tuyến đường gom dọc đường sắt từ Ngã ba Huế đến Hòa Cầm; đường Mai Đăng Chơn - giai đoạn 2, cải tạo nâng cấp các nút giao thông trọng điểm (nút giao thông phía Tây sông Hàn; nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương; nút giao phía Tây cầu Tiên Sơn và nút Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành - Trịnh Đình Thảo)…



Nhiều công trình với quy mô lớn, kết cấu phức tạp, ứng dụng nhiều công nghệ, vật liệu mới, hiện đại như: Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, Bãi đỗ xe thông minh tại số 255 Phan Châu Trinh, hầm chui tại các nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn và nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương.

Đặc biệt, cụm nút giao cầu vượt khu vực cầu Trần Thị Lý… góp phần hình thành trục giao thông tiện ích, xóa điểm đen TNGT, ùn tắc giao thông, xây dựng hạ tầng giao thông thông minh…

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, Phó trưởng thường trực Ban ATGT Đà Nẵng cho hay, riêng giai đoạn 2015-2020, Đà Nẵng tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông với tổng số tiền gần 15.000 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương, địa phương, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại, mở rộng không gian đô thị, kết nối hiệu quả với các trục quốc lộ và khu vực lân cận.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.440 tuyến đường với tổng chiều dài gần 1.500km và hơn 14km cầu. So với đầu năm 2015, tăng gần 270km đường.

Theo ông Trung, không dừng kết quả đạt được, ngành GTVT Đà Nẵng tiếp tục “bám” nguồn lực trung ương, và huy động các nguồn lực khác để tiếp tục đầu tư nâng cấp QL14B, QL14G, tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2.





Đạp xe về phía đường Trần Hưng Đạo (Sơn Trà) tập thể dục, ông Nguyễn Văn Hinh (54 tuổi, P.Nại Hiên Đông, Sơn Trà) hướng mắt về đôi bờ sông Hàn đang ngày một khởi sắc, phát triển. Từ khi có hàng loạt cây cầu bắc qua sông, đời sống người dân “quận 3” (cách gọi Sơn Trà) đổi thay rõ rệt.

Không còn cảnh nhà chồ, thay vào đó, dự án quy hoạch đô thị, khu chung cư cao cấp, khách sạn dát vàng, nhà dân cao tầng… nối nhau xây dựng. Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông cho hay, nhiều dự án căn hộ, bất động sản, du lịch được đăng ký triển khai, góp phần phát triển KT-XH địa phương, giảm hộ nghèo.

Ông Đỗ Huy Thành, Phó cục trưởng Cục QLĐB III kiêm Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng tạo dấu ấn với hạ tầng giao thông đồng bộ, khởi sắc, tạo cơ hội phát triển thông thương, KT-XH. Nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt cho Đà Nẵng bứt phá.



Theo các chuyên gia kinh tế, dấu ấn hạ tầng giao thông góp phần tạo thế và lực cho Đà Nẵng hội nhập, thu hút đầu tư.

Những năm qua, hàng loạt “ông lớn” đầu tư quốc tế đã đặt chân đến Đà Nẵng với nhiều dự án, có hàm lượng công nghệ cao như dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ); dự án Nhà máy Niwa Foundry Việt Nam, sản xuất các bộ phận thủy lực (Nhật Bản); Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty TNHH ICT Vina Dentium Đà Nẵng (Hàn Quốc); dự án Nhà máy số ESTEC (Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tử tự động Biển Đông - ESTEC)…

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho hay, cùng các giải pháp thu hút đầu tư, cải cách hành chính, môi trường đầu tư, hạ tầng giao thông góp phần tạo điều kiện quan trọng để công tác thu hút đầu tư của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.



Thống kê, 5 năm qua 2015-2020, Đà Nẵng đã thu hút 52 dự án đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp) với tổng vốn đầu tư 68.418,9 tỷ đồng và 523 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD.

Trong đó, có 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 144,5 triệu USD và 607 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn 212,1 triệu USD.

Đặc biệt 9 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng có 339 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 120.898 tỷ đồng; 869 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,518 tỷ USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 32.169 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 219.914 tỷ đồng.




Theo Xuân Huy - Báo Giao thông (https://www.baogiaothong.vn)
  • Anh6