TIN TỨC TRONG NGÀNH
Báo động khí thải phương tiện giao thông
Hiện nay, với sự phát triển chóng mặt của các đô thị, các phương tiện tham gia giao thông trên đường cũng ngày càng gia tăng. 

Và trong quá trình hoạt động đó thì các phương tiện giao thông đã thải ra môi trường bên ngoài rất nhiều loại khí độc hại như CO, CO2, NO2… Tùy theo từng loại động cơ và nhiên liệu mà khối lượng các chất thải độc hại chiếm tỷ lệ khác nhau trong khí xả. Những loại khí này gây ô nhiễm môi trường không khí một cách nghiêm trọng đồng thời ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Báo động ô nhiễm từ phương tiện giao thông

Kết quả hình ảnh cho ô nhiễm không khí do khí xả ô tô

Vào giờ cao điểm, tại các ngã tư, nút giao thông lớn, hàng nghìn phương tiện nổ máy khiến cho không khí tại các khu vực này luôn ngột ngạt, bức bối. Khẩu trang giờ trở thành vật bất ly thân giống như mũ bảo hiểm của hầu hết người dân tại các thành phố lớn, vì thiếu khẩu trang thì không chịu nổi hơi xăng, khói bụi, khí phát thải từ nhiều loại phương tiện, nhất là mỗi khi giao thông ùn tắc phải đi sau xe buýt, xe khách, xe tải…

Thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có khoảng 6 triệu phương tiện giao thông. Và với số lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều như vậy, lượng khí thải xả ra môi trường cũng rất lớn. Trên nhiều tuyến phố Tây Sơn, Trường Chinh, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Cầu Giấy, Lê Văn Lương... luôn trong tình trạng khói bụi. Nhất là vào những khung giờ cao điểm, tại các ngã tư, mật độ người tham gia giao thông lớn không những gây ùn tắc giao thông mà khí thải của các phương tiện xả ra khi dừng chờ đèn đỏ gây ngột ngạt, khó chịu cho những người tham gia giao thông.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 70 - 80% ô nhiễm không khí đô thị là do các hoạt động GTVT, công nghiệp, còn lại nguyên nhân sinh hoạt chỉ chiếm 10 - 30%. Tại hai khu vực ô nhiễm nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chỉ số ô nhiễm không khí lúc nào cũng ở mức 152 - 156, còn vào giờ cao điểm phải lên tới gần 200.

Một tính toán khác tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit nitơ (NOx)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và xe máy đang là một trong các tác nhân chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.

Nhiều chuyên gia giao thông cho hay, khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nếu các phương tiện vận hành bình thường, lượng khí phát thải ra môi trường sẽ ổn định theo mức độ cho phép, nhưng khi người điều khiển phương tiện thường xuyên tăng ga hay khởi động lại máy thì lượng khí phát thải ra môi trường sẽ tăng lên. Xe càng cũ, lượng phát thải càng lớn. Đó là lý do tại các nút giao thông, hàm lượng không khí ô nhiễm cao hơn so với các khu vực khác.

Phải có chiến lược kiểm soát chặt khí thải

Từ năm 2013, Bộ GTVT đã xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương. Tuy nhiên, để đề án được đưa vào triển khai thực hiện vẫn đang chờ một lộ trình chính thức. Điều này đồng nghĩa với lượng khí phát thải hàng ngày từ hàng chục triệu xe gắn máy vẫn đang là mối nguy hại đối với môi trường.

Nhiều chuyên gia giao thông khuyến cáo, không chỉ kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy, mà cũng cần siết chặt kiểm soát đối với xe ô tô. Đối với xe ô tô hiện nay việc kiểm soát khí thải đã được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm phương tiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng như các bộ ngành liên quan cũng cần xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải xe ô tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới để về lâu dài không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Bắc Kinh - Trung Quốc. Trước mắt, các thành phố nên tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với các xe ô tô cũ, xe buýt đang tham gia giao thông nhưng vẫn xả khói đen kịt trên đường phố.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng, ngoài kiểm soát khí thải bắt buộc đối với mô tô, xe gắn máy, thì các địa phương cũng phải đẩy nhanh các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, điều tiết giao thông thông thoáng, để không còn cảnh kẹt xe, giảm thời gian xe kẹt cứng trên đường. Song song, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân khi đến các giao lộ chờ đèn đỏ, gặp kẹt xe thì nên tắt máy phương tiện, từ đó vừa tiết kiệm được nhiên liệu vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải của phương tiện giao thông.
BVT (nguồn gtvt)
  • Anh6