Những trung tâm ở tỉnh xa có thể còn phải tháo thiết bị mang về Hà Nội vì nhiều Sở KHCN chưa đủ năng lực kiểm định tại chỗ và điều này buộc nhiều đơn vị phải đề xuất tăng phí đăng kiểm để bù lỗ.
Ngã ngửa vì bị phạt do không thực hiện quy định… chưa thể triển khai
Cuối năm 2016, Trung tâm Đăng kiểm 15-01V ở Hải Phòng bất ngờ bị thanh tra Sở KHCN tỉnh Hải Phòng kiểm tra rồi cưỡng chế phạt 10 triệu đồng vì “không có chứng chỉ kiểm định theo quy định trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2”. Chưa bị phạt nhưng Trung tâm Đăng kiểm tại Hải Dương, Bắc Kạn, Quảng Ngãi cũng bị thanh tra Sở KHCN tỉnh này “nhắc nhở” với lỗi tương tự.
Bị nhắc nhở, các Trung tâm này vội vàng tìm hiểu và được biết theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN một số phương tiện đo trong hệ thống thiết bị đăng kiểm phải được kiểm định bởi các Chi cục Đo lường hoặc các tổ chức kiểm định do Tổng Cục Đo lường chất lượng chỉ định.
Tuy nhiên, khi đề nghị các Sở KHCN cung cấp địa chỉ tổ chức/đơn vị kiểm tra, câu trả lời đều hướng về Viện đo lường Việt Nam và bảng giá các dịch vụ kiểm định này đến ngày 1.6.2017 mới được Viện này cung cấp cho các trung tâm Đăng kiểm.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Phan Đức Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V tại Hải Phòng cho biết ông rất bức xúc khi bị cưỡng chế phạt 10 triệu bởi Bộ KHCN ra thông tư 23/2013/TT-BKHCN từ năm 2013 mà Sở KHCN không hề có thông báo hay hướng dẫn DN để rồi đột ngột “đè ra phạt”.
Không chỉ vậy, thông tư trên đang “chơi khó” DN vì tại địa phương không có đơn vị đủ khả năng kiểm định khiến DN phải tháo thiết bị mang lên Hà Nội kiểm định. Bên cạnh đó, việc kiểm định của Tổng cục Đo lường “chồng chéo” lên việc kiểm định của Cục Đăng kiểm mà không có gì khác biệt.
Mức giá do Viện Đo lường đưa ra ngày 1.6.2017 bị đánh giá là quá cao, gấp cả chục lần mức giá kiểm định do Cục Đăng kiểm đang tiến hành theo quy định của Bộ Tài chính.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Thái Bình cho rằng hàng năm theo luật Giao thông đường bộ, Cục Đăng kiểm đã tiến hành kiểm tra thiết bị nên việc kiểm định thiết bị mang tính riêng lẻ của Tổng cục Đo lường Việt Nam là chồng chéo, không cần thiết gây lãng phí và phiền hà cho DN.
Bên cạnh đó, việc tháo lắp và vận chuyển thiết bị khỏi hệ thống để đi kiểm định tại Hà Nội sẽ khiến các DN phải dừng hoạt động và sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn xe đến hạn đăng kiểm.
“Việc tháo lắp và vận chuyển thiết bị đi kiểm định tại Hà Nội sẽ làm phát sinh chi phí quá lớn và dễ gây hư hỏng các thiết bị và nếu hư hỏng, ai sẽ chịu trách nhiệm?” ông Ngọc đặt câu hỏi.
Sửa thông tư, thêm thủ tục, DN đòi tăng phí đăng kiểm
Chưa hết bối rối với một số thiết bị phải kiểm định 2 lần bởi 2 bộ khác nhau, các trung tâm Đăng kiểm lại thêm bối rối khi Bộ KHCN xây dự thảo sửa đổi thông tư 23/2013/TT-BKHCN trong đó bổ sung thêm một số thiết bị khác vào nhóm 2 để phải kiểm định hàng năm.
Ông Dương Văn Chú, Giám đốc trung tâm đăng kiểm phương tiện GTVT Bắc Kạn cho biết hàng năm các thiết bị đều được Cục Đăng kiểm VN kiểm chuẩn/hiệu chỉnh, đánh giá và cấp chứng nhận với chi phí vừa phải, nhưng mới đây có người của đơn vị đo lường đề nghị đưa đi kiểm định một loạt thiết bị với giá trên trời mà lại phải đưa thiết bị đi kiểm định, nên không thể thực hiện được, vì như vậy phải đóng cửa trung tâm.
Tương tự, ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc trung tâm đăng kiểm 29 - 03V cho biết, đơn vị cũng nhận được báo giá của Viện Đo lường VN, với mức giá cao gấp khoảng 15- 20 lần so với hiện nay đơn vị đang phải trả mà chưa rõ thiết bị nào thuộc loại phải đo lường theo quy định của Bộ KHCN. Ông này cũng lo ngại các thiết bị nếu tháo xong đi đo về lắp lại thêm chi phí hiệu chuẩn cả dây chuyền đăng kiểm.
Nhiều DN lo ngại việc áp dụng rồi sửa đổi thông tư 23/2013/TT-BKHCN sẽ làm đội chi phí hàng năm lên hàng trăm triệu đồng chưa kể việc cùng một thông tư nhưng các Sở KHCN không thống nhất về việc có bao nhiêu thiết bị của dây chuyền kiểm định xe cơ giới thuộc diện phải kiểm định. Một số Sở cho rằng chỉ 2 thiết bị, có Sở xác định 3, 4, 5, 6 và 7 thiết bị.
Theo tính toán của một số Trung tâm đăng kiểm, nếu thông tư 23 được sửa đổi, mỗi dây chuyền kiểm định sẽ đội chi phí hàng năm lên ngót nghét 100 triệu đồng và càng nhiều dây chuyền chi phí càng khủng.
Trung tâm 7402D ở Quảng Trị ước tính, năm 2016 với 2 dây chuyền trung tâm này kiểm định được 2087 xe, nếu áp quy định mới, chi phí đội lên gần 200 triệu và chi phí đánh vào từng đầu xe đăng kiểm cũng sẽ đội lên gần 100.000 đồng.
Tương tự, ở trung tâm 4801S thuộc tỉnh Đăk Nông, chi phí buộc phải tăng lên cho mỗi đầu xe để DN không lỗ là hơn 110.000 đồng. Các trung tâm càng ít khách, nhiều dây chuyền thì mức lỗ càng cao.
Lo ngại phá sản, một số trung tâm đăng kiểm như Thái Bình, Nam Định đã có công văn đề xuất lên Bộ GTVT, Bộ Tài chính để xin tăng phí đăng kiểm với mức từ 10-15%. Hiện nay phí đăng kiểm đang được áp theo quy định của Bộ Tài chính với mức từ 100.000 đồng cho xe ba bánh đến 560.000 đồng cho xe tải trên 20 tấn.
Theo báo giá của Viện Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng), chi phí kiểm định 10 loại thiết bị thuộc dây chuyền đăng kiểm ôtô (kiểm tra phanh, đo độ trượt ngang, phân tích khí xả...) lên tới 55.125.000 đồng, nhưng chưa bao gồm “chi phí vận chuyển chuẩn đo lường và cán bộ”. Trong khi đó, mức giá kiểm chuẩn các thiết bị của dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới do Cục Đăng kiểm thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính là 450.000 đồng/thiết bị, tương đương với 4,5 triệu đồng cho 10 loại thiết bị nói trên.
Bị kêu Tổng cục đo lường nói gì?
Trả lời báo Lao Động, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định đã kiểm tra các hồ sơ công văn liên quan của Viện Đo lường Việt Nam, không có văn bản nào của Viện đề nghị Trung tâm đăng kiểm phải tháo rời thiết bị mang lên Viện để kiểm định và viện này sẵn sàng kiểm định tại chỗ.
Tổng cục cũng cho rằng không có sự chồng chéo trong quy định về kiểm định các phương tiện đo nêu trên vì Luật Giao thông Đường bộ không quy định về kiểm định các phương tiện đo và các trung tâm đăng kiểm chỉ phải thực hiện việc kiểm định bắt buộc đối với các phương tiện đo theo quy định của Luật Đo lường.
Tổng cục cũng nhận định đa số các phương tiện đo nhóm 2 hiện nay được gắn trong hệ thống, dây chuyền và đều được kiểm định theo đúng quy định của pháp luật về đo lường. Dây chuyền tại các Trung tâm đăng kiểm là đơn giản hơn so với dây chuyền sản xuất của cơ sở sản xuất lớn đã chấp hành tốt quy định về kiểm định (như lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn…).
Tổng cục cho biết thêm từ trước năm 2013, có nhiều tổ chức đã được Tổng cục chỉ định kiểm định các phương tiện đo nêu trên (80 tổ chức được chỉ định kiểm định thiết bị cân tải trọng xe, dụng cụ kiểm tra áp suất hơi lốp; 05 tổ chức được chỉ định kiểm định thước cuộn; 02 tổ chức được chỉ định kiểm định thiết bị đo độ ồn.
Viện Đo lường Việt Nam chỉ là một trong 80 đơn vị được chỉ định) và mức giá Viện Đo lường đưa ra là căn cứ để 2 bên bàn bạc, thỏa thuận ký kết hợp đổng thực hiện kiểm định và kiểm định phương tiện đo là dịch vụ kỹ thuật được xã hội hóa và thực hiện bởi các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kiểm định nước ngoài thông qua hợp đồng kinh tế, không phải là thủ tục hành chính.
BVT (nguồn laodong.vn)