Hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Trong đó, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới. Đã đến lúc cần phải ban hành quy định, chế tài quản lý đối với các loại hình phương tiện này.
Tăng cường công tác kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy nhằm giảm thiểu
ô nhiễm môi trường không khí
Theo nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID thực hiện, trong 03 tháng đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số nhiễm môi trường không khí AQI trung bình của Thành phố là 123 (ở mức kém), nồng độ bụi mịn PM2,5 gấp 2 lần tiêu chuẩn quốc gia làm hạn chế chất lượng cuộc sống, giảm khả năng thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Trong đó, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chiếm 70-90%; chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt.
Trong các loại hình phương tiện giao thông đô thị thì xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của đa số người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố và tiếp tục tăng nhanh. Xe mô tô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm không chỉ đơn thuần do tập trung một số lượng lớn phương tiện cùng tham giao giao thông mà quan trọng mỗi xe cũng là những nguồn phát thải gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải. Theo tính toán thì xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính điêzen) nhưng lại thải ra cỡ 94% HC; 87% CO; 57% NOx và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và điêzen.
Xe mô tô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đến 31/12/2016 cho thấy, trên toàn quốc có 49.079.865 xe mô tô, xe gắn máy được đăng ký mà đại đa số là mô tô 2 bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước. Riêng tại Hà Nội hiện có 5.255.245 xe máy (có khoảng 4.000 xe máy có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên), 10.686 xe máy điện, 30 xe mô tô 3 bánh được cấp đăng ký và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký). Trong đó, có gần 1/2 số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông. Kết quả nghiên cứu năm 2016 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời của phương tiện. Đối với xe máy mới từ 1-5 năm, có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng trên 10 năm.
Trước tình hình ô nhiễm môi trường, nguy cơ tai nạn giao thông do xe máy cũ gây ra có thể thấy, việc triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn Thành phố trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết và cần phải sớm quy định lộ trình thực hiện. Nếu làm được điều này sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân đô thị, tăng cường thu hút đầu tư thương mại và du lịch.
Theo đó, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ, đề xuất sau năm 2020 sẽ thu phí môi trường đối với xe máy. Cơ chế xử lý và lộ trình triển khai gồm 2 bước. Một là tiến hành kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội. Không phân biệt xe có biển số đăng ký tham gia giao thông trên địa bàn để bảo đảm công bằng. Việc kiểm soát được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải ở các mức độ: Thu phí môi trường thông qua dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ đối với phương tiện xe môtô, xe gắn máy; thu hồi, kiên quyết loại bỏ xe môtô, xe gắn máy không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đối với phương tiện có mức phát thải môi trường vượt quá mức cho phép không có các biện pháp khắc phục.
Triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn Thành phốnhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Hai là đề xuất không quy định niên hạn sử dụng đối với xe môtô, xe gắn máy nhằm phù hợp với kinh nghiệm thế giới và phù hợp với các giải pháp của đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” do TP. Hà Nội đang xây dựng (phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030, thu phí phương tiện ra vào khu vực trung tâm thành phố).
Thành phố cũng đưa ra lộ trình triển khai bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2017 đến 30/6/2018, sẽ hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy định kỹ thuật đối với xe môtô, xe gắn máy.
Giai đoạn 2 từ 1/7/2018 đến 31/12/2019, sẽ tiến hành thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe môtô loại có dung tích xylanh từ 175cm3 trở lên tham gia giao thông tại thành phố Hà Nội; xây dựng bộ máy quản lý kiểm tra khí thải xe môtô tại cơ quan Trung ương; thu hồi, loại bỏ đối với những phương tiện cũ nát, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải.
Giai đoạn 3 là sau năm 2020, sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện căn cứ vào điều kiện thực tế nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai giai đoạn tiếp theo đối với xe môtô, loại có dung tích xylanh động cơ dưới 175cm3 và xe gắn máy tham gia giao thông; phát triển hệ thống, mạng lưới các cơ sở kiểm tra khí thải theo phương án đề xuất; thu hồi loại bỏ đối với những phương tiện cũ nát, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải.
BVT (nguồn Moitruong.net.vn)