TIN TỨC TRONG NGÀNH
Hàng loạt chính sách mới cho ngành ôtô Việt Nam

Năm nay, có hàng loạt những chính sách mới về ngành công nghiệp ô tô được ban hành. Dưới đây, Diễn Đàn Doanh Nghiệp xin giới thiệu một số chính sách của ngành ô tô có hiệu lực từ năm 2018.

Nghị định “siết” nhập khẩu ô tô

Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng vừa ban hành và có quy định doanh nghiệp muốn nhập ôtô về nước phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Tổ chức nước ngoài cấp. Hầu hết các doanh nghiệp liên doanh cho rằng nước ngoài không cấp loại giấy này cho xe nhập khẩu, chỉ cấp cho xe nội địa, vì vậy hãng sẽ không thể nhập xe.

2802.1.jpg

Những tranh cãi "nảy lửa" xung quanh Nghị định 116 vẫn chưa đến hồi kết thúc.

Trước tình thế đó, Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã 4 lần gửi kiến nghị lên Thủ tướng để có những điều chỉnh giúp các hãng dễ dàng nhập khẩu ôtô nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có gì thay đổi. Theo VAMA nhiều hãng như Toyota, Honda, Ford cho biết xe chỉ có thể bán đến Tết âm, sau đó chưa biết có xe hay không.

Tuy nhiên, có ý kiến hoàn toàn ngược lại với đại diện VAMA, ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng bản thân các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải thực hiện quy định về giấy chứng nhận kiểu loại từ năm 2016.

“Khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu điều kiện về xe lắp ráp trong nước chúng tôi đã có giấy chứng nhận kiểu loại. Chúng tôi đã làm Thông tư 31/2011/TT-BGTVT và có chứng nhận của KIA Hàn QUốc, Peugeot Pháp... Mới đây, tháng 8 chúng tôi nhận được thư ngỏ cho BMW, từ tháng 11 đến nay chúng tôi đã có chứng nhận kiểu loại của hãng xe này cho đơn vị phân phối là chúng tôi”, ông Dương chia sẻ đồng thời khẳng định “Việc thực hiện này không có khó khăn gì. Theo tôi hiểu, ở Châu Âu có quy định này, quy định của các hãng nói trên từ 100-200 trang. Giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, chứng thực các tính năng của cơ quan chính quyền không phải bằng phương pháp quảng cáo marketing của các thương hiệu”.

Có cùng quan điểm, ông Lê Ngọc Đức- Tổng Giám đốc CTCP Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, cho rằng, ở Việt Nam chiếc xe không chỉ là phơng tiện mà còn là tài sản, đặc biệt trong điều kiện hạ tầng của Việt Nam thì chất lượng là yêu cầu trên hết. Do đó, giấy chứng nhận là yêu cầu bắt buộc.

Trước kiến nghị từ các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe trong và ngoài nước cùng đại diện Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định: “Những vấn đề doanh nghiệp đưa ra rất rõ nghĩa và chúng tôi nhận thấy cần xem xét thấu đáo. Tại sao lại đưa ra những quy định về gương, lốp, hoá đơn thương mại? Làm sao để tạo sự bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh?”

Tăng thuế nhập khẩu ôtô cũ

Theo nghị định 125/2017 của Chính phủ ban hành ngày 16/11/2017, mức thuế tuyệt đối áp dụng cho xe có dung tích động cơ không quá một lít và thuế hỗn hợp cho xe trên một lít.

26.1.jpg

Theo nghị định 125/2017 của Chính phủ ban hành ngày 16/11/2017, mức thuế tuyệt đối áp dụng cho xe có dung tích động cơ không quá một lít và thuế hỗn hợp cho xe trên một lít.

Ở cách tính cũ, xe được chia thành 4 loại theo dung tích động cơ với các mức thuế khác nhau. Trong cách tính mới, xe chỉ chia làm hai loại là động cơ từ một lít trở xuống và trên một lít. Xe từ một lít trở xuống thì chịu thuế tuyệt đối 10.000 USD, trong khi xe trên một lít áp dụng luôn mức thuế tổng hợp.

Ở phân khúc xe dưới một lít, chủ yếu các mẫu xe đô thị cỡ nhỏ, giá ôtô cũ nhập lướt tăng hơn gấp đôi so với hiện tại. Với các xe lắp động cơ lớn hơn, mức thuế nhập khẩu có thể độn thêm hàng chục đến hàng trăm nghìn USD, tùy thuộc vào dung tích động cơ và giá trị của xe.

Thuế nhập khẩu linh kiện về 0%

Theo Nghị định 125/2017, các hãng lắp ráp xe trong nước sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện là 0% nếu đạt được sản lượng quy định, áp dụng cho xe con dưới 9 chỗ. Nghị định này áp dụng cho khoảng 30 bộ linh kiện chính, mã hải quan từ 98.49.11 đến 98.49.40.

Trong giai đoạn một, tức nửa đầu 2018, các hãng sản xuất xe con (dưới 9 chỗ, động cơ 2.5 trở xuống) muốn được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% phải đảm bảo hai điều kiện sản lượng chung từ 8.000 xe trở lên và một mẫu xe cam kết phải từ 3.000 xe trở lên.

Thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%

Theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA), những xe có tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Từ 2018, Việt Nam nhập ôtô từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia... với thuế 0%, giảm sâu với mức thuế ở 2017 là 30%.

Xe hơi muốn được giảm giá như vậy, phải đáp ứng đủ hai tiêu chí, sản xuất bởi một nước ASEAN và tỷ lệ nội địa hóa nội khối là 40%. Xe nhập từ ASEAN nhưng tỷ lệ nội địa thấp hơn 40% hoặc xe nhập từ một nước ngoài ASEAN như Hàn Quốc, Nhật, châu Âu... cũng không được hưởng mức ưu đãi này.

Xe dưới chuẩn khí thải Euro 4 không được đăng kiểm

Theo Công văn 436/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô, môtô lắp ráp và nhập khẩu mới, từ ngày 1/1/2018, cơ quan chức năng sẽ không làm thủ tục đăng kiểm cho xe không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Ôtô đã được Bộ Giao thông vận tải chứng nhận thoả mãn quy định về khí thải mới được thực hiện các thủ tục có liên quan. Trước đó, các doanh nghiệp phải có kế hoạch nhập khẩu, sản xuất ôtô, bảo đảm việc hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017. Sau thời điểm này, nếu không hoàn thành phải tái xuất hoặc xuất khẩu.

Người ngồi ghế sau ôtô không thắt dây an toàn bị phạt tiền

Nghị định 46/2016/NĐ - CP về Quy định xử phạt vi phạm giao thông quy định "phạt tiền từ 100.000-200.000 đối với người ngồi trên xe ôtô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy".

Không thắt dây an toàn khi ngồi hàng ghế sau cũng bị phạt

Điểm mới của nghị định này so với Nghị định 171/2013 trước đó là mọi vị trí đều phải thắt dây an toàn, trong khi quy định cũ chỉ bắt buộc điều này với tài xế và khách ngồi ghế trước. Quy định mới được đánh giá là chặt chẽ và cần thiết hơn so với trước đây, giúp hình thành thói quen thắt dây an toàn, ý thức vốn còn thiếu ở Việt Nam.

1903.2.jpg

Ôtô phải dán nhãn năng lượng

Ôtô nhỏ phải dán nhãn năng lượng

Từ ngày 1/1/2018, ôtô từ trên 7 chỗ đến 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới; xe nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.

Thông tư này không bắt buộc áp dụng với các trường hợp sau: xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự; xe nhập khẩu đơn chiếc và không vì mục đích kinh doanh xe; xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng; xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG).

Ôtô hết niên hạn bị thu hồi

Theo Quyết định 16/2015 của Thủ tướng về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, các loại ôtô, xe máy hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi vào tháng 1/2018. Theo đó, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp đã bán ra thị trường Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Các nhà sản xuất có thể liên kết để cùng thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Người tiêu dùng được lựa chọn các hình thức như tự chuyển hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến điểm thu hồi và được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất. 

BVT (nguồn http://enternews.vn/)

  • Anh6