Cuối năm 1946, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một văn bản với tiêu đề “Tìm người tài đức”, đăng trên Báo Cứu quốc số 411, ra ngày 20/11/1946.
Người nêu bối cảnh và lý do ra văn bản này một cách ngắn gọn: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người “tự nhận khuyết điểm” rằng, đã “nghe không đến, thấy không khắp”, khiến người tài đức chưa được biết tới: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”.
Đồng thời, Người cũng đề xuất sửa đổi khuyết điểm đó: “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Có thể thấy, Bác Hồ đã sớm quan tâm đến công tác cán bộ, mà cụ thể là cán bộ có “tài đức”. Người không chỉ yêu cầu các cơ quan, địa phương báo cáo thông tin về cán bộ, mà còn quan tâm đến “nguyện vọng” của mỗi người, với thái độ cầu thị để những người “có thể làm được những việc ích nước, lợi dân” sẵn lòng ra giúp Chính phủ. Đây có lẽ là trường hợp đặc biệt hiếm hoi, người đứng đầu Chính phủ một quốc gia đăng lời tìm kiếm người tài đức với tất cả sự cầu thị, trọng thị để mong có được cán bộ tốt phụng sự đất nước.
Đáng chú ý, trước khi ra văn bản “Tìm người tài đức” đăng Báo Cứu quốc, ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng vừa được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra trước đó thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với mong muốn mời thêm “nhiều nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó”.
Với sự cải tổ này, Chính phủ lâm thời đã quy tụ được sức mạnh các tầng lớp, giai cấp khác nhau cùng lo việc nước. Từ sự trọng thị của Bác, nhiều nhà nho, nhân sĩ tài năng, uy tín trong xã hội như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Võ Liêm Sơn..., các vị quan chức cấp cao của triều đình nhà Nguyễn như Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Phan Kế Toại đến các trí thức tài giỏi như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Luật sư Phan Anh, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng…, đều đã “xuất thân” giúp nước như lời Bác Hồ kêu gọi.
Đến “quy trình” lựa chọn cán bộ của Bác Hồ
Không phải một đề án, một văn bản nào cầu kỳ, nhưng “quy trình” chọn lựa, sử dụng, bồi dưỡng cán bộ của Bác Hồ không kém phần chặt chẽ, quan trọng hơn là rất trúng, rất thuyết phục.
Người diễn đạt về tầm quan trọng của công tác cán bộ chỉ trong mấy chữ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Do đó, theo Bác, “phải biết rõ cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng”; “phải khéo dùng cán bộ”; “phải giúp cán bộ cho đúng”; “phải giữ gìn cán bộ” (Sửa đổi lối làm việc, 1947). Sau này, trong Di chúc, Người nhắc nhở: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một công việc rất quan trọng và rất cần thiết” và “Đảng phải luôn nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.
Theo Bác, “khuôn khổ để lựa chọn cán bộ” cần căn cứ vào phẩm chất cách mạng, tính chiến đấu, gần gũi nhân dân, khả năng hoàn thành nhiệm vụ - nhất là nhiệm vụ khó và tính nghiêm minh, tuân thủ kỷ luật của cán bộ. Cụ thể, Đảng cần lựa chọn cán bộ là “... Những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng...; Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn...; Những người luôn giữ đúng kỷ luật…”. (Hồ Chí Minh – Toàn tập).
Về đề bạt cán bộ - một trong những khâu khó khăn khi dùng cán bộ, Bác căn dặn phải là “vì công tác, vì tài năng”. Nếu “vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang” thì nhất định không ai phục, mà lại gây nên mối lôi thôi trong Đảng, là “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.
T rong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Bác tổng kết những cách làm việc để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước kiểu mới gồm một số điểm chính: Chỉ đạo những phương hướng đường lối công tác cho cán bộ, để họ phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo trong những công việc cụ thể; Nâng cao trình độ cho cán bộ bằng cách tạo điều kiện để họ học thêm lý luận và chuyên môn; Thường xuyên kiểm tra rút kinh nghiệm, sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong quá trình công tác; Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục, cải tạo, giúp họ sửa chữa; Giúp đỡ họ bảo đảm những điều kiện sinh hoạt, chăm sóc họ khi đau ốm. Tùy theo điều kiện có thể giúp đỡ họ giải quyết những vấn đề gia đình”…
Mấy điểm cơ bản đó của Bác đã bao hàm rất nhiều ý căn bản, cốt yếu trong công tác cán bộ, từ việc chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cả chuyên môn và lý luận cho cán bộ, đến kiểm tra, sửa chữa khuyết điểm cho cán bộ trong công tác, hay cải tạo, giúp đỡ cán bộ sửa sai…
Và chẩn “bệnh”, trị “bệnh” cho cán bộ
Là người sâu sát, gần gũi với cán bộ, Người hiểu được thực tiễn công tác và sớm lường trước các nguy cơ cán bộ hư hỏng, suy thoái. Người cảnh báo các “bệnh” mà người cán bộ dễ mắc phải khi có quyền lực trong tay và khẳng định quyết tâm đấu tranh chống những căn bệnh, khuyết điểm đó của cán bộ, như làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa…
Tháng 11/1946, trả lời trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” (Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960 ). Theo Người: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân” (Hồ Chí Minh - Toàn tập).
Một mặt, Bác Hồ thẳng thắn chỉ ra những “bệnh”, những khuyết điểm mà cán bộ, đảng viên mắc phải, mặt khác Người khách quan nhìn nhận nguyên nhân của những khuyết điểm đó. Rằng “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa”.
Chính vì thế, nhìn thấy những khuyết điểm, sai lầm, nhưng “không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa”. Người nhận xét thẳng thắn: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
--------------------------------------------------------------------------------
Học tập tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ về công tác cán bộ
Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) vừa khép lại, nhưng những vấn đề nóng hổi về công tác cán bộ, với cái nhìn thẳng thắn, trách nhiệm về thực trạng đáng lo ngại cũng như những nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác cán bộ thời gian tới, vẫn còn để lại nhiều dư âm trong các tầng lớp nhân dân.
Tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri ngay sau Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với xây dựng Đảng, thể chế và cho biết, việc xử lý cán bộ đảng viên sai phạm vừa qua chính là cuộc đấu tranh “lấy lại uy tín cho Đảng”, bởi “bao che cho cán bộ sai phạm mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ sai phạm chỉ làm cho Đảng mạnh thêm”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương. Còn che giấu, bưng bít đi thì mới mất uy tín và càng làm cán bộ hư hỏng.
Đây cũng chính là sự kế thừa, học tập tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ về công tác cán bộ, cho thấy những tư tưởng, lời căn dặn của Bác Hồ về công tác cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thời sự.