Thông thường các lái xe chỉ tiến hành cân bằng động cho lốp khi thay lốp mới hoặc tiến hành kiểm tra tổng thể khi xe có hiện tượng bất thường khi di chuyển. Tuy nhiên, nếu các góc đặt bánh xe trên bị sai hoặc không đúng tiêu chuẩn đều có thể dẫn tới những mối nguy hại cho người lái, tốn kém nhiều chi phí trong việc thay lốp; nặng là gặp những nguy cơ về tai nạn khi lưu thông trên đường...
Góc đặt bánh xe là gì?
Mỗi chiếc xe ô tô đều được thiết kế sao cho bánh xe tạo với thân xe và mặt đường những góc nhất định. Những góc tiếp xúc này giúp xe có khả năng bám đường, cũng như đảm bảo độ an toàn khi di chuyển. Và, trong đó, có 3 loại góc quan trọng nhất cần chú ý là: Độ chụm, Camber và Caster.
- Độ chụm bánh xe (Toe): Độ chụm bánh xe chính là hiệu số khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía sau với khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía trước trên cùng một trục xe.
Độ chụm được tính bằng inch, mm, độ và phút. Độ chụm dương (toe-in) khi khoảng cách giữa hai má lốp ở phía trước ngắn hơn so với khoảng cách hai má lốp đo tại vị trí sau. Độ chụm âm (toe-out) khi khoảng cách giữa hai má lốp đo tại phía trước lớn hơn so với phía sau. Độ chụm bằng không khi hai bánh song song với nhau.
- Góc Camber: Là góc nghiêng được tạo bởi mặt phẳng bánh xe và trục thẳng đứng. Theo lý thuyết, bánh xe phải được đặt thẳng đứng để bề mặt lốp luôn tiếp xúc với mặt đường.
Thực tế khi hệ thống treo làm việc, đặc biệt khi xe đi vào đoạn đường cua, lực ly tâm làm thân xe bị nghiêng, khiến cho bánh xe không còn theo phương thẳng đứng nữa. Bởi vậy bánh xe cần phải điều chỉnh nghiêng đi một chút so với mặt thẳng đứng
- Góc Caster: Là một góc khác giữa trục quay của hệ thống treo và phương thẳng đứng. Góc Caster được đặt cho các bánh xe dẫn hướng để ổn định trạng thái chuyển động thẳng của xe và trả lái sau khi chuyển hướng.
Tại sao phải cân chỉnh góc bánh xe?
Trong quá trình vận hành, do độ mòn của các chi tiết cơ khí mà bánh xe sẽ chệch khỏi góc đặt tiêu chuẩn ban đầu. Bởi vậy, chủ phương tiện cần căn chỉnh góc đặt bánh xe thường xuyên.
Theo các chuyên gia, chủ phương tiện nên căn chỉnh mỗi 10.000 km hoặc 6 tháng một lần... Nếu không căn chỉnh góc đặt bánh xe sẽ gây ra hậu quả:
- Làm vẹo vô lăng: Ví dụ xe có độ chụm bên trái là 0 độ, độ chụm bên phải là 0 độ 50'- khi xe chuyển động thông qua cơ cấu thước lái xe sẽ tự động chia lại độ chụm bên trái là 25' và độ chụm bên phải 25' nhưng lúc này vô lăng bị lệch đi một góc.
- Gây mất cảm giác lái, gây hiện tượng láng, trượt ngang, chòng chành: Điều này gây nguy hiểm cho người điều khiển, thậm chí có thể gây tai nạn khôn lường. Nếu góc Caster của các bánh xe dẫn hướng không chuẩn sẽ gây mất trạng thái chuyển động thẳng và khó trả lái sau khi chuyển hướng.
- Gây mòn lốp: Độ chụm quá dương sẽ ăn mòn má ngoài lốp, độ chụm quá âm sẽ làm ăn mòn lốp má trong.
- Các chi tiết bị uốn cong nhanh chóng: Nếu góc Camber của bánh xe phía sau vượt quá giới hạn cho phép có thể khiến cho các chi tiết bị uốn cong. Bởi vậy, khi xe được căn chỉnh góc đặt bánh xe sẽ loại bỏ được các nguy cơ trên, đồng thời giúp tiết kiệm nhiên liệu, gia tăng độ bền lốp, đảm bảo được tính an toàn cũng như sự ổn định của chiếc xe.
Những dấu hiệu phải kiểm tra góc đặt bánh xe
Trên thực tế sử dụng, sau khi xe chạy được một thời gian dài, do mòn cơ học tự nhiên của các cơ cấu hệ thống lái (rô tuyn, giảm xóc, càng A,…) sẽ dẫn đến các góc định vị của bánh xe bị sai lệch so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Lúc này, các bánh xe sẽ không chuyển động theo cùng một hướng, lốp dần bị mòn không đều vì bị kéo lê trong khi quay, vô lăng bị vẹo khi xe chạy thẳng.
Khi xe vào cua, đường xóc, hai bánh sẽ bị dúi thêm về cùng một hướng dẫn đến hiện tượng cướp tay lái. Khi cộng thêm yếu tố đường xấu cũng sẽ khiến quá trình mài mòn lốp xe diễn ra nhanh hơn, không đều nhau, bánh xe có hình côn.
BVT (nguồn baomoi.com)