BẢNG TIN THÔNG BÁO
Kiến nghị tăng mức phạt với vi phạm giao thông

Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép tối đa là 24 tháng, chưa đủ sức răn đe, đặc biệt đối với các trường hợp gây tai nạn do tài xế sử dụng ma tuý, rượu bia...

​​

 

Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ -CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

Sáng 10/4, tại Hà Nội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức sơ kết 2 năm triển khai Nghị định số 46/2016/NĐ -CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 46). 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ khi Nghị định 46 có hiệu lực đến nay, tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông trên toàn quốc có nhiều chuyển biến tích cực. 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chưa cao, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; đi sai phần đường, làn đường; chuyển hướng đột ngột không báo tín hiệu trước... 

Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là giảm số người chết do tai nạn giao thông vẫn thấp, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Nghị định 46, các cơ quan chức năng còn khó khăn trong việc mô tả hành vi vi phạm, hoặc một số mô tả hành vi vi phạm không còn phù hợp, một số quy định mới chưa có chế tài xử lý. 

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong thời gian tới trên cơ sở đánh giá tổng kết quá trình thực hiện và ý kiến của các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiến nghị sửa đổi bổ sung Nghị định 46 cho phù hợp với thực tiễn. 

Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị định 46, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, trong 2 năm qua, lực lượng Thanh tra giao thông đã tổ chức 15.250 cuộc thanh tra; 198.540 cuộc kiểm tra. Qua đó phát hiện 246.144 vụ vi phạm, xử phạt số tiền hơn 513,6 tỷ đồng, tạm giữ 1.420 ô tô. 

Lực lượng công an đã xử lý trong lĩnh vực đường bộ hơn 7,87 triệu trường hợp bị lập biên bản vi phạm, phạt tiền hơn 4.618 tỷ đồng; tước hơn 589.738 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 939.116 phương tiện. Trong lĩnh vực đường sắt, lực lượng công an đã xử phạt hơn 2.928 trường hợp, phát tiền hơn 1,6 tỷ đồng. 

“Tuy nhiên, vi phạm trên cao tốc gia tăng, đặc biệt tình trang lùi xe, đỗ xe, đón trả khách trên đường cao tốc… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và đã có vụ việc bị khởi tố. Tình trạng sử dụng rượu bia, ma tuý khi điều khiển phương tiện tăng cao thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra”, bà Hoàng Hồng Hạnh cho hay 

Cũng theo bà Hoàng Hồng Hạnh, về thực thi công vụ, tuy đã nâng cao, nhưng vẫn còn một số cán bộ thực thi công vụ hạn chế về nghiệp vụ, chưa nắm vững các quy định có liên quan, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong quá trình giải quyết, xử lý vi phạm; vẫn còn sai sót, tiêu cực. 

Về những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 46, bà Hoàng Hồng Hạnh cho biết, hiện mức phạt tối đa với đường bộ chỉ 40 triệu đồng với cá nhân, còn thấp hơn mức phạt trong lĩnh vực đường sắt, đường thuỷ, trong khi mức độ nguy hiểm không kém hơn. Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép từ 4 tháng đến 24 tháng là chưa đủ sức răn đe, đặc biệt đối với các trường hợp gây tai nạn do tài xế sử dụng ma tuý, rượu bia, lùi xe trên cao tốc… mức phạt trên được đánh giá là còn thấp. 

Bên cạnh đó, thủ tục giải quyết phương tiện bị tạm giữ trong trường hợp chủ phương tiện không tới nhận còn rườm rà, phức tạp, dẫn tới số lượng phương tiện bị tồn đọng lớn, gây lãng phí, áp lực cho cơ quan tạm giữ. Cùng với đó, một số hành vi chưa có quy định cụ thể để xử phạt, như vi phạm về khí thải, còi, đèn, 

Hiện chưa có cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, chưa có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm, nên rất khó xác định trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để tăng nặng. 

Do đó, bà Hoàng Hồng Hạnh cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề nghị sửa Nghị định 46 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ cho Đội trưởng đội nghiệp vụ thuộc thanh tra Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan quản lý đường bộ khu vực, các đơn vị thuộc cục đường sắt. Tăng mức phạt tối đa với người vi phạm trong lĩnh vực đường bộ lên tối đa 80 triệu đồng (tăng gấp đôi mức hiện hành). 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (thay vì 24 tháng như hiện nay), có thể tước quyền sử dụng giấy phép lái xe vĩnh viễn với một số vi phạm hành trình trong đường bộ có mức độ, thính chất đặc biệt nguy hiểm. 

“Nghiên cứu quy định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính để đảm bảo tính khả thi và ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Tăng mức xử phạt với một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc, vi phạm nồng độ cồn, ma tuý…”, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra thông tin. 

 

Mức phạt trong Nghị định 46 theo đánh giá còn nhẹ, đặc biệt đối với các trường hợp gây tai nạn do tài xế sử dụng ma tuý, rượu bia, lùi xe trên cao tốc… 

Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Trần Hữu Minh cho biết, trong 2 năm triển khai Nghị định 46, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm, dịp lễ, Tết. 

Ông Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, từ khi Nghị định này có hiệu lực đã tác động rất lớn tới xã hội, tới mỗi người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. 

Tuy nhiên ông Lê Xuân Đức cho rằng trong quá trình hoàn thiện Nghị định 46 đã bộc lộ một số nội dung chưa hợp lý, khó triển khai thực hiện, ví dụ như muốn xử phạt một người vi phạm trật tự an toàn giao thông cần phải có 2 người làm chứng, tuy nhiên trên thực tế vào buổi tối rất khó để tìm người làm chứng. Hay như hành vi vượt đèn vàng xảy ra nhanh, nếu muốn xử lý rất khó tìm người làm chứng để xử lý hành vi này. 

Ngoài ra, ông Lê Xuân Đức còn chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 46 như một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chồng chéo, nhiều văn bản quy định khác nhau./.

BVT theo Nguồn TTX.

CITA: Tổ chức Hội nghị Đại hội đồng lần thứ 19 và Hội thảo quốc tế (09/4/2019)
Đề xuất tăng phí sử dụng với xe cũ để giảm ô nhiễm môi trường (02/4/2019)
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân, viên chức lao động bảo đảm trật tự ATGT (21/3/2019)
Đề xuất bổ sung xe ô tô thân thiện môi trường được ưu đãi thuế (18/3/2019)
Hội nghị lần thứ 19 Nhóm Quản lý kỹ thuật Hiệp hội các tổ chức Đăng kiểm châu Á (13/3/2019)
Cuối 2019, dự án BOT không có trạm thu phí tự động sẽ bị dừng thu phí (11/3/2019)
Các hãng ô tô Đức sẽ rót 68 tỷ USD phát triển xe điện và xe tự lái (05/3/2019)
12345678910...
  • Anh6