Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Bác chỉ rõ: "Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy". Một trong những vấn đề cốt lõi trong công tác xây dựng và phát triển Đảng đó chính là củng cố và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đoàn kết trong Đảng chính là vấn đề chiến lược, là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Đảng có đoàn kết, thống nhất thì mới đủ sức mạnh để lãnh đạo và tập hợp quần chúng nhân dân hoàn thành mục tiêu cách mạng giữ vững độc lập, thống nhất tổ quốc, phát triển đất nước. Trong Bản di chúc thiêng liêng trước lúc Người qua đời, vấn đề đầu tiên Người đề cập đến cũng là nói về Đảng và về việc giữ gìn, phát triển khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm "đặc biệt", một tài sản vô cùng quý báu Người để lại cho Đảng và cho dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, giá trị thực tiễn sâu sắc, không chỉ trong quá khứ mà cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay. 50 năm là lúc chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn và giá trị to lớn của những lời Người căn dặn trong Di chúc, đặc biệt là đối với vấn đề củng cố và phát suy sự đoàn kết trong Đảng. Cho đến nay thì đây vẫn là một vấn đề thời sự, mang ý nghĩa quyết định đến sự sống còn mà Đảng đặc biệt quan tâm.
Bản Di chúc ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi. Đế quốc Mỹ sau thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", chúng tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, đồng thời leo thang "Chiến tranh phá hoại" miền Bắc lần thứ nhất. Bối cảnh đó đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam - Bắc mà trong đó đoàn kết trong Đảng để đảm bảo vai trò lãnh đạo là yếu tố quyết định. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở và là tâm huyết của Người trước lúc đi xa.
Người viết: "Trước hết nói về Đảng, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta." (1)
Từ "đoàn kết" được Bác nhắc lại 3 lần trong đoạn văn trên. Qua đó, Người đã khẳng định vai trò to lớn của khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Theo Người, đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo đên sức mạnh của Đảng để lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cách mạng. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn đấu tranh và trở thành một truyền thống, một tài sản quý báu của Đảng ta. Đoàn kết trong Đảng được hình thành từ chính truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam thể hiện qua lịch sử hình thành và phát triển dựng nước, giữ nước và được phát triển ngày càng phong phú, khắc hoạ ngày càng đậm nét trong văn hoá, bản sắc dân tộc và là bộ phận hợp thành sức mạnh dân tộc. Trong quá trình tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã sớm tìm ra nguyên nhân thất bại của các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của các vị tiền bối, chính là đã không phá được âm mưu "Chia để trị" mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam và Đông Dương. Bằng âm mưu thâm độc ấy thực dân Pháp muốn phá vỡ truyền thống đoàn kết sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã tìm ra nguồn động lực, sức mạnh giải phóng cho dân tộc ngay trong lòng mọi người dân Việt Nam . Từ truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc đã tạo thành sức mạnh của các phong trào đấu tranh chống ngoại xâm nối tiếp nhau đòi lại nền độc lâp tự do cho Tổ quốc.
Đối với nước ta, thắng lợi trong đấu tranh dành chính quyền, trong đấu tranh dựng nước, giữ nước và những thành quả trong xây dựng CNXH (đặc biệt là những thành tựu của hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước), xét đến cùng đều là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Nói một cách khác, sự đoàn kết thống trong Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam . Đoàn kết trong Đảng còn được coi là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, năm 1961, Bác nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Chính vì vậy, theo Bác, để tiếp tục thành công thì chính trong nội bộ Đảng, từ trên xuống dưới cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống đó "như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
Cha ông ta từng nói "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay"; giữ gìn con mắt được trong sáng là giữ gìn cửa ngõ tâm hồn, giữ gìn con ngươi của mắt cũng chính là giữ gìn cái thiêng liêng, quý giá nhất của mỗi con người. Thông qua hình ảnh ví von ấy, Người muốn nhấn mạnh rằng mỗi cán bộ Đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết vì nó vô cùng thiêng liêng, cao cả. Tuyệt đối không gây mất đoàn kết trong Đảng, vì như vậy là tự mình làm hại đến sức mạnh và truyền thống của Đảng.
Để tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra các yêu cầu và giải pháp nhằm củng cố khối đoàn kết trong Đảng sau khi chiến tranh kết thúc. Trong điều kiện cả nước quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội từ muôn vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh đòi hỏi "Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết". Để làm được điều này, Đảng trước hết phải là một khối đoàn kết thống nhất về tư tưởng và hành động, nhưng muốn đi đến đoàn kết thống nhất, thì: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng".
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: "Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính" (2). Vì vậy, để Đảng tiếp tục làm tròn sứ mệnh tiền phong của mình, nhất định mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của mỗi đảng viên. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Tự phê bình là "nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình", là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Đó là cách mỗi người tự đánh giá để thấy được "cái hay", "cái dở" của mình, vừa tạo điều kiện để những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Còn phê bình là "nêu ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình" là tham gia góp ý kiến, vạch rõ ưu điểm, khuyết điểm và cách thức để sửa chữa khuyết điểm. Từ đó, vừa cổ vũ đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt, vừa nhằm tìm ra biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để cùng nhau ngày càng tiến bộ. Cũng theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa, phát huy được tác dụng khi được thực hiện "thường xuyên" và "nghiêm chỉnh" và trên tất cả thì "phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" vì mục đích thực sự của phê bình là để giúp nhau cùng tiến bộ và từ đó ngày càng đoàn kết, thân ái và vững mạnh. Nếu công tác phê bình hay tự phê không xuất phát từ sự chân thành, yêu thương lẫn nhau thì nó chỉ dừng lại ở hình thức hay tệ hơn đây là một cái cớ để bôi nhọ, hạ bệ nhau, là nguyên nhân làm mất đi sự đoàn kết trong Đảng. V.I.Lênin từng cảnh báo: "Không một kẻ thù nào, cho dù nó nham hiểm và hung hãn nhất, có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản, ngoại trừ chính những người cộng sản tự tiêu diệt chính họ". Thực tiễn đấu tranh đã cho thấy: Mục tiêu đoàn kết chính là cái bất biến của Đảng. Nếu xa rời mục tiêu này thì nội bộ Đảng sẽ bị phân tán, rệu rã. Mục tiêu đoàn kết là điểm tập trung để quy tụ tất cả mọi tổ chức từ Trung ương xuống tới chi bộ quy tụ tất cả đảng viên thường đến những đảng viên giữ trọng trách. Bảo đảm cho Đảng có sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đây cũng là nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, mọi tổ chức đảng, mọi cán bộ đảng viên vì mục đích lý tưởng của Đảng mà phải gạt mọi thành kiến cá nhân để tạo sức mạnh của Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Hồ Chí Minh cho rằng: "Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác" (3).
Di chúc của Bác cũng nhấn mạnh: "Đảng ta là một đảng cầm quyền", là "người lãnh đạo" nhưng đồng thời cũng là "người đầy tớ trung thành của nhân dân". Cũng chính vì trọng trách này mà mỗi đảng viên cần phải có ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân để thực sự "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Có như vậy thì mới giữ gìn được sự tin yêu trong nhân dân dành cho Đảng bởi theo Người: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…." (4). Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là tấm gương đối với nhân dân. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, phải làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, chăm lo tới cuộc sống của người dân, củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Chỉ có như vậy mới có thể lan tỏa uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân, được dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ.
Chỉ một đoạn văn ngắn ngủi trong Di chúc (khoảng hơn 200 từ) nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng và phát triển Đảng qua đó Người khái quát được tất cả những điều tâm huyết nhất dành cho Đảng đúc kết qua thực tiễn lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng: Từ khẳng định truyền thống đoàn kết, nhấn mạnh vai trò của đoàn kết trong Đảng và vạch ra phương hướng để củng cố và phát triển khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Cho đến nay sau 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, những lời dặn dò tâm huyết đó vẫn là kim chỉ nam trong công tác xây dựng và phát triển Đảng từ trung ương đến các cơ sở mà chúng ta vẫn đang áp dụng.
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, trong niềm tiếc thương vô hạn, đồng chí Lê Duẩn thay mặt cho tất cả các đảng viên và cả dân tộc ta tuyên thệ: "Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho đoàn kết toàn dân, đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi" (5). Trước anh linh của Người, lời thề ấy đã khắc vào tâm khảm của mỗi đảng viên như một lẽ sống, một trách nhiệm. Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định đoàn kết trong Đảng hướng tới đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đúc kết một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam là: "Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta" (6).
Tự hào là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc 15 năm cuối cùng của cuộc đời và cũng là nơi Bác viết bản Di chúc thiêng liêng. Trong suốt 50 năm qua kể từ ngày Bác trở về với cõi người hiền, Đảng bộ cơ quan Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, phấn đấu vươn lên giành được những thành tựu quan trọng trong sự gìn giữ, bảo quản và phát huy các di sản vô giá Bác để lại. Trong nhiều năm liền, Đảng bộ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được công nhận là "Đảng bộ trong sạch, vững mạnh", là lá cờ đầu trong mọi phong trào thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như cả nước. Là một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch ở thủ đô Hà Nội, Khu Di tích đã tổ chức công tác đón tiếp hàng triệu lượt khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới thuộc các thành phần xã hội khác nhau, từ các nguyên thủ quốc gia đến khách du lịch thông thường. Nơi đây cũng ghi nhận được nhiều tình cảm trân trọng của đồng bào cả nước và bè bạn khắp năm châu.
Bà Katherine Muller, Trưởng Đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam viết: "Tôi chân thành cảm ơn các bạn vì chuyến thăm quan này bởi nó đã giúp cho tôi nhận định về phong cách sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật xúc động khi được tận mắt nhìn thấy nơi Người đã từng sống,nơi đã tiếp thêm nguồn sức mạnh để Người lãnh đạo đất nước này. Xin chúc mừng những nỗ lực không ngừng của các bạn trong việc gìn giữ di tích quan trọng này cũng như chăm sóc môi trường thiên nhiên xung quanh nơi đây!".
Một đại biểu đến từ thành phố Vũng Tàu cũng xúc động ghi lại: "Từ sâu thẳm lòng mình xin thắp một nén nhang tỏ lòng biết ơn vô hạn đến công lao, sự nghiệp và nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị lãnh tụ trọn đời lo cho dân tộc. Với tất cả lòng kính trọng chúng con nguyện cùng những đồng nghiệp khác nỗ lực học tập, rèn luyện và đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng."
Các công tác bảo quản, tuyên truyền, giáo dục; giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường được chỉ đạo thực hiện chu đáo, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách tham quan trong và ngoài nước. Đặc biệt là trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" theo chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, Khu Di tích thực sự đã trở thành một địa chỉ đỏ, một trường học trực quan, sinh động phục vụ hàng triệu lượt người đã đến tham quan học tập và nghe tuyên truyền về cuộc đời và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có được kết quả như vậy là nhờ sự giám sát, chỉ đạo sát sao từ Đảng bộ đến các chi bộ. Để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn, công tác giữ gìn và phát huy khối thống nhất, đoàn kết trong toàn cơ quan, đặc biệt là chính trong Đảng bộ và các chi bộ luôn được quan tâm như một trong những khâu then chốt. Công tác phê bình và tự phê bình luôn được thực hiện đúng tinh thần "thường xuyên", "nghiêm chỉnh" và "có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" qua các buổi sinh hoạt định kỳ tại các chi bộ. Các biểu hiện suy thoái, lệch lạc về lối sống, tư tưởng chính trị của các đảng viên đều được kịp thời nhắc nhở và cùng giúp nhau sửa chữa, qua đó xây dựng chi bộ, đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường thêm tình đoàn kết gắn bó để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ chuyên môn. Suốt 50 năm qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, với những nỗ lực không ngừng, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã thực sự là một địa danh mang ý nghĩa quan trọng bậc nhất về lịch sử, chính trị, văn hóa và du lịch của Thủ đô Hà Nội cũng như của cả nước, xứng đáng với nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và Nhà nước giao phó: Giữ dìn, bảo quản và phát huy tốt nhất các di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa cuộc đời và sự nghiệp cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đông đảo đồng bào cả nước và bạn bè năm châu./.
(1) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BCHTW Đảng CSVN, H-1989, tr.48
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t5, tr.301
(3) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, Tập 12, tr. 587.
(4) Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.5, tr.301
(5) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BCHTW Đảng, H-1989, tr. 56
(6)http://www.xaydungdang.org.vn/Home/vankientulieu/Van-kien-Dang-Nha-nuoc/2011/3525
BVT (nguồn toquoc.vn)