Phương tiện lưu thông trên cầu Hưng Hà bắc qua sông Hồng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, những ngày vừa qua dư luận xã hội rất quan tâm tới đề xuất của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bỏ 6 quỹ; trong đó có Quỹ Bảo trì đường bộ. Thông tin trên khiến nhiều người lầm tưởng việc bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ đồng nghĩa với việc sẽ không phải nộp phí sử dụng đường bộ đối với ô tô. Bởi thực tế, việc bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ không làm thay đổi quy định của pháp luật hiện hành về nộp phí sử dụng đường bộ.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Luật Phí và lệ phí 95/2015/QH13 quy định, kể từ 1/1/2017, toàn bộ số phí sử dụng đường bộ sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước, không nộp về tài khoản của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương như giai đoạn năm 2013-2016. Sau đó, kinh phí sử dụng cho công tác bảo trì, duy tu hệ thống giao thông đường bộ được ngân sách Nhà nước phát trở lại cho Quỹ Bảo trì đường bộ.
Do Quỹ Bảo trì đường bộ hiện không có nguồn thu nào khác ngoài nguồn nhận cấp phát từ ngân sách Nhà nước nên Quỹ Bảo trì đường bộ chủ yếu thực hiện chức năng trung gian, tiếp nhận và cấp phát cho các đối tượng sử dụng kinh phí. Vì vậy, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ, còn các nội dung chi cho công tác bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp phát hàng năm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
“Phí sử dụng đường bộ là khoản thu của ngân sách Nhà nước đã được quy định tại Luật Phí và lệ phí, là khoản thu cần thiết để tạo nguồn duy tu, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ quốc gia. Hiện, Nhà nước chưa có chủ trương và cũng chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu việc dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe đến kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước. Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ phương tiện biết và nghiêm túc chấp hành các quy định về nộp phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện xe cơ giới”, nội dung văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, đại diện nhiều địa phương thông tin, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ là một tổ chức trung gian trong thu chi ngân sách và hoạt động của nó không chỉ phức tạp mà mang nặng tính “xin - cho”. Ngay từ năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận ra điều này và có đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và văn phòng quỹ.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ giải thích từ năm 2017, thực hiện Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước, nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước, nhu cầu chi cho quỹ đều do ngân sách cấp.
Theo cơ chế vận hành phí, lệ phí và ngân sách theo các luật mới, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy vai trò của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương có hạn chế, không còn bảo đảm hiệu quả nên Bộ Giao thông Vận tải đề nghị giải thể.
Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Việt Nam, khẳng định phí sử dụng đường bộ được quy định trong Luật Phí và lệ phí năm 2015. Theo đó, tất cả người sử dụng đường bộ đều phải nộp phí bảo trì đường bộ cho Nhà nước, không nộp vào tài khoản của quỹ như giai đoạn 2013-2016.
Như vậy, quỹ chỉ là một tổ chức trung gian đứng ra sử dụng nguồn vốn, nên việc bỏ quỹ bảo trì đường bộ không đồng nghĩa với dừng thu phí bảo trì đường bộ. Tất cả mọi người dân, phương tiện vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ bình thường.
“Hiện phí bảo trì đường bộ được nộp qua các trung tâm đăng kiểm. Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tổng hợp nộp trực tiếp vào ngân sách. Nhà nước sẽ cấp nguồn từ ngân sách cho Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện bảo trì đường bộ. Thực chất đề xuất bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ có mục đích để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, điều chỉnh lại công tác triển khai nguồn vốn cho phù hợp với quy định pháp luật”, ông Minh nhấn mạnh.
Về hoạt động thu phí, ông Minh cho biết, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý phí bảo trì đường bộ và phí BOT, tuy nhiên không có chuyện phí chồng phí. Cụ thể, hiện cả nước có khoảng 24.000 km đường quốc lộ, tỉnh lộ. Theo đó, 20.000 km đường quốc lộ không thu phí BOT mà thu phí bảo trì đường bộ, còn 2.000 km thu phí BOT thì bàn giao cho nhà đầu tư. Như vậy, việc trùng ở đây chỉ về mặt nhiệm vụ, tức là cùng một việc mà hai cơ quan làm chứ không trùng trong thu phí.
“Việc hình thành quỹ do trước đây ngân sách Nhà nước hạn hẹp không đáp ứng nhu cầu bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, việc sử dụng quỹ linh hoạt hơn sử dụng ngân sách, nên nhiều công trình được bảo trì, sửa chữa kịp thời. Vì vậy, từ khi quỹ ra đời số vụ tai nạn giao thông, số người chết… đều giảm. Nên mỗi cái đều có mặt ưu điểm, hạn chế của nó. Do đó, đoàn giám sát Quốc hội muốn chặt chẽ, đúng quy định pháp luật hơn”, ông Minh nhấn mạnh.
Về việc chi Quỹ Bảo trì đường bộ, theo ông Minh, hàng năm Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập kế hoạch bảo trì đường bộ trên cả nước trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ. Sau đó, trình Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ có sự tham gia của đại diện các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Vận tải ô tô thông qua kế hoạch chi tiền cho kế hoạch bảo trì đường bộ.
Để bỏ hoạt động của quỹ, ông Lê Hoàng Minh cho biết phải chờ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, giao lại cho Chính phủ đánh giá chi tiết một số quỹ đang hoạt động hiện nay xem quỹ nào hoạt động không hiệu quả, không phù hợp với luật, quỹ nào không cần thiết. Sau đó, Quốc hội sẽ đưa ra quyết định.
Trước đó, Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất về việc bỏ 6 quỹ; trong đó, có Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. Lý do Đoàn giám sát đề nghị bỏ một số quỹ là vì hoạt động không có hiệu quả, hoặc chưa đi vào hoạt động và chưa triển khai nhiều nội dung công việc; chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính hoặc có hoạt động thu chi trùng với hoạt động thu chi của ngân sách.
Năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương được thành lập theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
LMS theo Nguồn: Quang Toàn (TTXVN)