Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới, nhiều đơn vị, địa phương của thành phố đã vận dụng cách làm mới, nêu cao nền hành chính công vụ của Đà Nẵng.
Cho đến nay, tinh thần “5 xây”, “3 chống” của Chỉ thị số 29-CT/TU rất thiết thực và có giá trị, tiếp tục là ngọn lửa thôi thúc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố trong giai đoạn phát triển mới của Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bài 1: Siết chặt kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ
Tiếp nối thành quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết trước đây của Thành ủy về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, thành phố tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo trong thực hiện các tiêu chí “5 xây”, “3 chống” của chỉ thị này.
|
Giao dịch hành chính tại bộ phận một cửa điện tử Trung tâm Hành chính thành phố. |
Câu chuyện thẻ vàng, thẻ xanh, thẻ hồng
Cán bộ, công chức, hoặc tập thể đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chủ tịch UBND quận khen thưởng nóng bằng một văn bản thông báo in trên nền giấy màu hồng (còn gọi là thẻ hồng). Tập thể, cá nhân có sai sót nhỏ, vi phạm lần đầu trong thi hành công vụ sẽ bị nhắc nhở bằng thẻ xanh, trường hợp vi phạm nặng hơn sẽ bị phê bình, nhận thẻ vàng.
Nội dung thưởng, phạt này được UBND quận Thanh Khê quy định bằng Quyết định số 5294/QĐ-UBND ngày 20-9-2017 về ban hành quy chế áp dụng thẻ thưởng, phạt trong thực thi công vụ của CBCCVC, người lao động. Theo quy chế 2 lần bị phạt thẻ xanh (nhắc nhở) bằng 1 thẻ vàng (phê bình) và khi được thẻ hồng (khen thưởng) có giá trị xóa thẻ xanh, vàng đã nhận trước đó. Các thẻ hồng, xanh, vàng là căn cứ để xét danh hiệu thi đua, nâng lương trước hạn, cử đi đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thẻ có hiệu lực 3 năm kể từ khi ban hành.
Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, qua hoạt động kiểm tra, giám sát, ông có thể “rút” thẻ trực tiếp hoặc “rút” thẻ gián tiếp thông qua hoạt động của Tổ kiểm tra công vụ của quận. Ông Tĩnh cho hay, việc đánh giá các tập thể, cá nhân được thực hiện thường xuyên hằng tuần. Phạt hay thưởng đều phải có sự thẩm định, xác minh và tham mưu của Phòng Nội vụ.
Đối với trường hợp tập thể, cá nhân được thưởng thẻ hồng sẽ được tuyên dương ngay trong buổi chào cờ thứ hai hằng tuần. Phòng chuyên môn nào được khen thưởng dẫn đầu thành phố về lĩnh vực của mình, ngoài được biểu dương trước cờ, UBND quận sẽ thưởng thêm 5 triệu đồng.
Theo ông Đặng Hữu Yên, Trưởng phòng Nội vụ quận Thanh Khê, trong năm 2017, Chủ tịch UBND quận đã “rút” 20 thẻ xanh và vàng đối với CBCCVC với lỗi chủ yếu: “không tham gia hướng dẫn tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”, “chưa nghiêm túc trong công việc”, “thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm soát, rà soát thủ tục hành chính, để xảy ra hồ sơ trễ hẹn, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ hành chính công”, “không chấp hành nghiêm túc chế độ hội họp, vắng mặt không có lý do” hay “buông lỏng, thiếu giám sát để xảy ra xây dựng không phép”…
Trong năm này có 4 đơn vị được khen thưởng thẻ hồng. Năm 2018, quận không có thẻ thưởng, phạt nào và 7 tháng đầu năm 2019, có 2 thẻ xanh, 3 thẻ vàng. Ông Yên cho hay, khi mới áp dụng quy chế “rút” thẻ cũng có ý kiến bất đồng vì cho rằng quá khắt khe. “Không làm nghiêm không được và kết quả là có tác dụng rất tích cực. CBCCVC không dám bê trễ công việc”, ông Yên nói.
“Người dân mời dự đám cưới, đám giỗ vào buổi trưa là mình phải khéo léo từ chối và giải thích rằng huyện có quy định CBCCVC khi làm việc, tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính không được có mùi rượu, bia. Hoặc dự nhưng không sử dụng rượu, bia. Phải nói thật thuyết phục chứ không bà con trách mình không đi là không gần dân”, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát nói về quy định CBCCVC huyện Hòa Vang không được uống rượu, bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc.
Trên thực tế đã có trường hợp cán bộ, công chức uống rượu, bia ở những đám giỗ, tiệc cưới vào buổi trưa, ngay sau đó về làm việc buổi chiều đã để lại ấn tượng không tốt đối với người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Do vậy, từ năm 2017 Huyện ủy Hòa Vang có Kế hoạch số 38-KH/HU về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó có quy định CBCCVC không được uống rượu, bia trong giờ nghỉ trưa.
Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang Trà Đình Thứ cho biết, việc thực hiện Kế hoạch số 38-KH/HU là một trong những giải pháp cụ thể hóa Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; đã chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong làm việc của CBCCVC toàn huyện, đặc biệt là chấm dứt tình trạng cán bộ, công chức ngồi la cà ăn uống trong giờ hành chính, cũng như uống rượu, bia vào giờ nghỉ trưa.
“Nghe anh em cơ sở phản ánh, lúc đầu người dân cũng trách móc sao mời cán bộ dự đám cưới, đám giỗ vào buổi trưa đều bị từ chối nhưng sau khi nghe tuyên truyền quy định của huyện, người dân rất đồng tình”, ông Thứ nói. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, huyện Hòa Vang tổ chức Tổ kiểm tra công vụ thường xuyên kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ của CBCCVC của huyện. Qua kiểm tra, giám sát đã nhắc nhở, phê bình 130 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý kỷ luật 39 trường hợp.
Lắng nghe người dân góp ý
Cụ thể hóa Chỉ thị số 29-CT/TU, Sở Thông tin-Truyền thông (TT&TT) đã có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tạo kênh tương tác để người dân góp ý xây dựng chính quyền trong 5 năm qua. Mở đầu là việc tổ chức Tổng đài dịch vụ công 1022 thay thế cho hơn 200 số điện thoại đường dây nóng của các sở, ban, ngành và quận, huyện mà khó có người dân, tổ chức nào có thể nhớ hết để gọi khi cần phản ánh.
Đến tháng 12-2015, Sở TT&TT đưa vào hoạt động ứng dụng Cổng góp ý Đà Nẵng kết hợp với Tổng đài 1022 rồi tiếp tục có thêm phiên bản cho ứng dụng di động và đưa lên kho ứng dụng toàn cầu của Google Play và App Store.
Gần đây Tổng đài 1022 tiếp tục ra mắt fanpage facebook “Gop Y Da Nang”. Qua 8 tháng hoạt động đến nay, trang facebook “Gop Y Da Nang” luôn trong tình trạng “nóng” bởi liên tục nhận được phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, thủ tục hành chính, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức… Người dân, tổ chức có thể góp ý, phản ánh qua điện thoại, qua email, qua tài khoản facebook, tài khoản gmail và nhận được thông tin phản hồi về xử lý ý kiến phản ánh.
|
Giao dịch hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Khê. |
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 341/QĐ-UBND (ngày 16-1-2017) về quy chế phối hợp trong tiếp nhận và xử lý ý kiến của tổ chức, công dân qua Tổng đài 1022 và Cổng góp ý Đà Nẵng.
Theo đó, các cơ quan có liên quan phải xác minh, xử lý ý kiến và phản hồi kết quả trong thời hạn 7 ngày. Trường hợp phức tạp không xử lý kịp, cơ quan có trách nhiệm cũng phản hồi kế hoạch, phương án xử lý mình.
Đây là yêu cầu bắt buộc cần thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề người dân, doanh nghiệp cần. Bên cạnh đó, thông qua công tác điểm báo hằng ngày, Sở TT&TT đã chọn hơn 1.000 vấn đề bức xúc của người dân do báo chí phản ánh để đề nghị cơ quan chức năng trả lời. Qua đó đã có hơn 800 vấn đề được xử lý, phản hồi kết quả.
5 năm qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU như: Cuộc vận động “3 hơn” trong cải cách hành chính (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn) của Sở Nội vụ và Thành Đoàn; mô hình giải quyết thủ tục hành chính áp dụng toàn thành phố: “3 trong 1” (cán bộ phường, xã tặng hoa chúc mừng, trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh), “2 trong 1” (cán bộ phường, xã đến chia buồn và trao giấy khai tử và sổ hộ khẩu (đã cắt khẩu) cho người dân có người thân qua đời)…
Các mô hình này góp phần nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ cho đội ngũ CBCCVC toàn thành phố. Trong lĩnh vực cải cách hành chính, thành phố đạt tỷ lệ trên 99% hồ sơ giải quyết đúng hẹn và sớm hẹn. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, tác động tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố, cải thiện đáng kể chất lượng phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Qua 3 năm triển khai (2016-2018), Cổng góp ý Đà Nẵng đã tiếp nhận, xử lý gần 11.000 ý kiến góp ý, phản ánh của người dân. Các ý kiến tập trung vào lĩnh vực môi trường (13%), hạ tầng đô thị (11,2%), an toàn giao thông (6,7%), an ninh trật tự (6,9%), lĩnh vực công vụ, công chức (2,9%). Các ý kiến được các cơ quan chức năng xử lý, trả lời cho công dân kịp thời và đúng hạn quy định chiếm 82,4%. |
PNP theo Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN