Dịch bệnh càng bùng phát, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn thì công đoàn càng phải đổi mới, chăm lo cho người lao động.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Nga Việt, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam cho biết, dịch bệnh càng bùng phát, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn thì càng phải đổi mới, chăm lo cho người lao động.
An toàn lao động, thu nhập tốt là mục tiêu hàng đầu
Với chủ đề hoạt động năm 2020 của Công đoàn GTVT VN là “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”, hoạt động Tháng Công nhân năm nay có gì nổi bật, thưa ông?
Tháng Công nhân năm 2020 diễn ra vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 134 năm ngày Quốc tế Lao động; 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) lần thứ X, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Yêu cầu đặt ra là việc tổ chức Tháng Công nhân năm 2020 cần thiết thực, hiệu quả, chủ yếu ở các doanh nghiệp (DN), phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, DN và gắn với các hoạt động hưởng ứng Tháng An toàn vệ sinh lao động. Các cấp công đoàn cần chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền, đề xuất người sử dụng lao động và huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức Tháng Công nhân cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở, hiệu quả thiết thực và phù hợp.
“Công đoàn GTVT Việt Nam xác định, luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đều vì mục tiêu trọng tâm và cũng là chức năng, nhiệm vụ chính yếu của tổ chức công đoàn, đó là: Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Càng khó khăn, càng phải quan tâm hơn đến người lao động với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Để thực hiện mục tiêu này, Công đoàn GTVT Việt Nam tiếp tục đôn đốc các cấp công đoàn trực thuộc chủ động phối hợp với cơ quan quản lý đồng cấp triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh SXKD, quan tâm chăm lo thiết thực đời sống CNVC-LĐ; tham gia giải quyết kịp thời các chế độ chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, các tranh chấp lao động tập thể. Ông Đỗ Nga Việt”
Các đơn vị cần vận động CBCNVC-LĐ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt khuyến khích khả năng sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao. Phải xác định đây là một trong những hoạt động quan trọng của năm, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở - chủ đề hoạt động của tổ chức công đoàn năm 2020.
Từ đầu tháng 3, Công đoàn GTVT Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân năm 2020 với chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”. Cùng đó, ban hành văn bản về tăng cường công tác ATVSLĐ, ATGT và các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Để các hoạt động Tháng Công nhân năm 2020 đạt được hiệu quả thiết thực, theo ông công đoàn cần triển khai các hoạt động gì?
Mọi hoạt động của công đoàn đều hướng tới người lao động. Do đó, ngay từ đầu năm, Công đoàn GTVT Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình chăm lo cho người lao động.
Riêng Tháng Công nhân năm nay, Công đoàn GTVT VN đã chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở vận động công nhân lao động tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; Khuyến khích khả năng sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; Thực hành tiết kiệm, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao. Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo ATVSLĐ; Tích cực giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, góp phần ngăn ngừa tai nạn lao động.
Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần đề xuất với cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn của đoàn viên, người lao động; Tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc triển khai thực hiện và rà soát bổ sung Thỏa ước lao động tập thể để người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” như: Tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo điều kiện làm việc, cải thiện bữa ăn ca...; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật cho đoàn viên, người lao động.
Tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động như: Thăm hỏi, tặng quà, tặng nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Chăm lo người lao động bằng hành động thiết thực
Tháng Công nhân năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm người lao động. Vì vậy, theo ông, các hoạt động công đoàn cần tập trung những nhiệm vụ chủ yếu nào?
Tháng Công nhân năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Nhằm đảm bảo phòng, chống dịch, Chính phủ đã thực thi quyết liệt các biện pháp, trong đó có hạn chế đến mức tối đa tập trung đông người, hạn chế dịch chuyển, đặc biệt là thực hiện nghiêm cách ly xã hội. Bám sát các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn GTVT VN chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của chính quyền, cơ quan y tế và các quy định của ngành, của đơn vị, trước tiên vì sự an toàn của bản thân, gia đình, hơn nữa vì sự an toàn của cộng đồng.
Cùng đó, các cấp công đoàn cần phối hợp tích cực cùng chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người lao động như: Vệ sinh, phun thuốc khử trùng trụ sở, trang cấp các vật dụng cần thiết như khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn…
Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cũng ảnh hưởng đến SXKD của các đơn vị, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động, đặc biệt là người lao động các DN vận tải, dịch vụ, du lịch. Sự ảnh hưởng này không chỉ trong lúc xảy ra dịch mà chắc chắn sẽ kéo dài sau dịch.
Do đó, càng khó khăn, hoạt động chăm lo người lao động càng phải bằng hành động thiết thực, cụ thể. Công đoàn GTVT VN đã ra văn bản chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với cơ quan chuyên môn tìm giải pháp trong công tác, sản xuất, kinh doanh, sắp xếp, bố trí lao động; Xây dựng phương án tài chính cụ thể, chăm lo việc làm, bảo đảm đời sống thu nhập cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, phải theo dõi, nắm bắt, hỗ trợ kịp thời đến người lao động có hoàn cảnh khó khăn; Trường hợp đặc biệt khó khăn, đề nghị về Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT để được hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phát hiện biểu dương, khen thưởng những tấm gương là tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, có các mô hình hay, cách làm tốt, mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất Công đoàn ngành, Tổng Liên đoàn Lao động VN, Chính phủ khen thưởng, không đợi đến khi hết dịch mới thực hiện khen thưởng.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: T. Thúy