Công nhân ngành GTVT là bộ phận lao động công nghiệp được hình thành sớm nhất, đông đảo và đều khắp ở nước ta. Họ có nguồn gốc từ những người nông dân, lúc đầu phải đi làm phu mộ, dựng cầu, đắp đường... cho thực dân Pháp.
|
Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội 19/8/1945 |
Sau khi các tuyến đường được hoàn thành, phần lớn họ trở thành công nhân, nhân viên kỹ thuật... tham gia điều hành, khai thác hệ thống các phương tiện vận tải, phục vụ bộ máy thuộc địa cho thực dân.
Ngay từ khi mới ra đời, công nhân ngành GTVT đã tham gia tích cực vào những hoạt động đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Sau năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh của công nhân ngành GTVT đã bước sang một thời kỳ mới với hàng loạt các cuộc đấu tranh đòi giảm sưu thuế, phản đối đánh đập, đòi tăng lương và ngày làm 8 giờ...
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Nhân thời cơ này, Đảng cộng sản Đông Dương ra lời kêu gọi: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, kêu gọi nhân dân toàn quốc khởi nghĩa cướp chính quyền. Công nhân GTVT đã tham gia tích cực những hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa. Tại Hà Nội, công nhân các nhà máy sửa chữa ô tô A-vi-a, xe lửa Gia Lâm... tổ chức việc rèn đao, kiếm, vũ khí cho cách mạng.
Tại Đà Nẵng, các công sở, xí nghiệp, trong đó có cảng Đà Nẵng đều thành lập Ủy ban khởi nghĩa, đội tự vệ công nhân cảng được tuyển chọn từ những công nhân ưu tú, khỏe mạnh, ngày đêm bí mật luyện tập, sắm sửa vũ khí chờ thời cơ hành động...
Ngày 19/8/1945 là ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, cùng với giai cấp công nhân và những người cực khổ, cần lao, công nhân ngành GTVT đã đứng lên và tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, đập tan bộ máy thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước độc lập dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
BVT (theo báo GTVT)