TIN TỨC TRONG NGÀNH
'Xe giường nằm đi miền núi nguy cơ lật cao'

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho rằng xe giường nằm 2 tầng khá dài và cao nên đi vào địa hình đường cua, dốc, hẹp sẽ có nguy cơ tai nạn cao.

- Trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ cấm xe giường nằm lưu thông địa hình đồi núi quanh co. Dưới góc độ đăng kiểm, ông đánh giá thế nào về nguy cơ xảy ra tai nạn với xe giường nằm?

ong-Tri.jpg

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN.  Ảnh: Đ.Loan.

- Xe khách giường nằm hai tầng thường là những xe có kích thước lớn, chiều cao trọng tâm khi chở đủ khách lớn hơn so với xe khách thông thường, vào đường cua, dốc hẹp thì có nguy cơ bị lật cao hơn xe nhỏ. Thống kê cho thấy khoảng 30% số vụ tai nạn xe giường nằm xảy ra trên các đoạn đường đèo núi. Kỹ năng của người lái xe trên các tuyến đường này rất quan trọng, thường phải đi tốc độ thấp thì mới đảm bảo an toàn. Đa số tai nạn là do lái xe không tuân thủ biển báo, buồn ngủ vào ban đêm.

Để giảm nguy cơ tai nạn, theo tôi cần phải khoanh vùng hoạt động của xe khách giường nằm, như xe có thể đi từ Hà Nội lên Lào Cai, hay từ Hà Nội lên Tuyên Quang, hành khách sau đó phải chuyển xe nhỏ đi lên vùng núi cao.

- 70% tai nạn xe giường nằm xảy ra ở quốc lộ 1A, vậy việc cấm loại xe này ở đường miền núi có thực sự là giải pháp hữu hiệu giảm tai nạn?

- Đây chỉ là một trong nhiều giải pháp siết chặt quản lý xe giường nằm để giảm tai nạn. Ngoài hạn chế địa hình hoạt động có nguy cơ cao, chúng tôi còn nhiều giải pháp về quản lý phương tiện, con người, hạ tầng. Ví như thống kê có nhiều vụ tai nạn xe giường nằm xảy ra vào ban đêm nên Bộ Giao thông đã có quy định lái xe làm việc tối đa 4 giờ là phải đổi tài xế.

- Cấm xe giường nằm chạy ở vùng núi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp, việc này được xem xét như thế nào?

- Thống kê của Cục Đăng kiểm, cả nước có khoảng 4.500 xe giường nằm, trong đó có khoảng 1.000 xe mang biển số các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Tôi ước tính có khoảng 3.000 xe loại này đang chạy đến các tỉnh vùng cao.

Tất nhiên nếu hạn chế khu vực thì một số doanh nghiệp và người dân sẽ gặp khó khăn, nên tôi nghĩ Bộ Giao thông cần có lộ trình yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện. 

- Cục Đăng kiểm sẽ kiểm soát tiêu chuẩn xe giường nằm như thế nào? 

- Chúng tôi sẽ siết chặt hơn về kỹ thuật phương tiện, điều kiện an toàn, thiết kế và nghiệm thu xe giường nằm, như quy định có thêm búa phá cửa, tăng cửa thoát hiểm. Số giường trên xe từ 50 có thể giảm còn 25-30 giường và không bố trí tầng trên để hạ thấp trọng tâm xe khi lưu thông, có ghế vừa ngồi vừa nằm thay vì chỉ có giường nằm; hoặc phải kiểm tra kỹ thuật xe sau một hành trình... Tất nhiên, giá vé xe giường nằm có thể tăng cao hơn hiện nay song sẽ đảm bảo an toàn hơn. 

Ngoài ra cần xử lý nghiêm việc chở hàng trên xe khách, bởi có nhiều xe giường nằm chở đến 10 tấn hàng trong hầm gây mất an toàn.

giuongnam-4430-1409826231.jpg

Xe giường nằm Sao Việt bị lao xuống vực trên quốc lộ 4 D khiến 12 tử vong hôm 1/9. Ảnh: Hà My.

- Ông có khuyến cáo gì với nhà xe và lái xe trên các chặng đường đèo núi?

- Tôi cho rằng, bên cạnh chất lượng phương tiện, người tài xế có kỹ năng và kỹ thuật lái xe trên đường là rất quan trọng.

Việt Nam có nhiều đường xấu, đèo dốc hiểm trở, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ trên đường, lái xe cần chú ý giữ tốc độ thấp, trong giới hạn cho phép trên đường dốc, đường nghiêng ngang và đường vòng. Đa số tai nạn giao thông đường bộ xảy ra là do chạy quá tốc độ cho phép; việc chạy quá tốc độ khiến dễ xảy ra sự cố và tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Khi điều khiển xe, người lái không nên tăng giảm ga, đánh lái đột ngột, điều đó dễ gây nên thay đổi tải trọng đặt lên các cầu xe và dễ dẫn tới trượt ngang, trượt dọc bánh xe đặc biệt là khi chạy trên đường có độ bám thấp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam:

Việc cấm xe giường nằm hoạt động ở miền núi là là một ý tưởng cần nghiên cứu để siết chặt quản lý vận tải hành khách nói chung và xe giường nằm nói riêng. Phương tiện an toàn trên đường núi hay không phải để các nhà khoa học trả lời với cơ quan quản lý và người dân. Nhà nước đã cho doanh nghiệp đầu tư xe chạy nhiều năm thì sẽ gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp.

Tôi tin là lãnh đạo Bộ Giao thông rất thận trọng khi đưa ra quyết định này và sẽ thảo luận đầy đủ. Tai nạn do con người gây ra là chính chứ không phải phương tiện, do vậy cần phải có nhiều biện pháp chấn chỉnh để không xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng. Khi đã đưa ra quyết định thì phải có đánh giá tác động ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân như thế nào.

LVL : theo (vnexpress.net)

  • Anh6