TIN TỨC TRONG NGÀNH
Phải giảm cho được số vụ, số người thương vong vì tai nạn giao thông
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, các ngành, các cấp phải thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5-10%.

Ảnh: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc 
sơ kết công tác 6 tháng của Ủy ban ATGT quốc gia.

Chiều 4/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng của Ủy ban.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT trong 6 tháng đầu năm 2017.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đặc biệt biểu dương Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 16 địa phương có số người tử vong vì tai nạn giao thông trên 20% là: Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Tây Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Hải Dương, Kon Tum, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La (các tỉnh Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên giảm trên 40% số người chết do tai nạn giao thông).

Phó Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đáng chú ý là để xảy ra 23 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 81 người chết, bị thương 110 người.

Vẫn còn 22 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 10 tỉnh tăng trên 15% là: Hà Nam, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Hải Phòng, Yên Bái, An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu, trong đó, có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 30% là An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu.

Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian, đặc biệt là những ngày thời tiết xấu; ùn tắc giao thông cục bộ do TNGT, phương tiện hư hỏng, công trình xây dựng chiếm lòng đường vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp phải thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5-10%; giảm số vụ ùn tắc giao thông trên các trục giao thông trọng điểm và tại Hà Nội, TPHCM. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT.

Về các giải pháp, nhiệm vụ mang tính chiến lược trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho cả năm 2017 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu và triển khai theo Kế hoạch số 08 của Ủy ban ATGT quốc gia triển khai Năm ATGT 2017, cũng như nội dung Kết luận số 166 ngày 29/3/2017 của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I/2017 của Ủy ban ATGT quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải quyết tâm, quyết liệt triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đề án thuộc Chương trình công tác năm 2017, đặc biệt là nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, trong đó chú trọng quy định quản lý loại hình kinh doanh vận tải qua ứng dụng Uber, Grab, quản lý xe kinh doanh hợp đồng... Có báo cáo chi tiết đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ và phương án khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai.

Nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn về quản lý chất lượng lái xe kinh doanh vận tải và quy định thời gian thử thách đối với người mới có giấy phép lái xe. Trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm trên luồng hàng hải và đường thuỷ nội địa.

Bộ GTVT chủ trì tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 994 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện và chỉ đạo địa phương xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống đường bộ; bổ sung gờ giảm tốc, cảnh báo nguy hiểm tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt; rà soát, điều chỉnh biển báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn mới, báo cáo tình hình thực hiện trong quý III/2017.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch chuyên đề về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng đối với ô tô chở hàng hóa trên đường bộ trong giai đoạn 2017-2020. Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường bộ; cung cấp dữ liệu cho cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông vận tải để xử lý vi phạm. Tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu xử phạt trật tự, ATGT với công tác quản lý cấp giấy phép lái xe; chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả khám sức khoẻ lái xe kinh doanh vận tải năm 2017.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 29 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị trong quý III/2017.
Bộ Công an tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch phục vụ các hoạt động của Năm APEC 2017. Tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT.

Phối hợp với Bộ GTVT xây dựng kế hoạch chuyên đề trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng đối với ô tô chở hàng hóa trên đường bộ trong giai đoạn 2017-2020. Khẩn trương đề xuất Chính phủ cho xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về công tác thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu TNGT. Phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu các giải pháp theo dõi, quản lý giấy phép lái xe bị tạm giữ, tước quyền sử dụng và giải quyết những bất cập, sơ hở trong công tác cấp, quản lý giấy phép lái xe.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu kiến nghị tòa án thành lập tòa án chuyên xét xử về các vụ việc có liên quan đến ATGT như tòa vi cảnh để có phán quyết buộc người dân phải chấp hành.
Đối với Hà Nội, TPHCM và các đô thị trực thuộc Trung ương: Cần tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; tổ chức quản lý hiệu quả phần vỉa hè, lòng đường sử dụng để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán....

Ảnh: Cảnh sát và thanh tra giao thông kiểm tra tình trạng xe quá khổ, quá tải

Khởi tố 2.000 vụ án và hơn 1.800 bị cáo là lái xe

Báo cáo sơ kết của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 9.593 vụ TNGT, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. So với 6 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cụ thể, số vụ TNGT giảm 636 vụ (giảm 6,22%), số người chết giảm 229 người (giảm 5,25%), số người bị thương giảm 1.004 người (giảm 11,32%). Có 38 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT giảm, nhưng lại có 22 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016.

Về ùn tắc giao thông, từ cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại Hà Nội và TPHCM. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 33 vụ ùn tắc kéo dài (tăng 8 vụ so với năm 2016).

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn chỉ rõ: Ý thức chấp hành pháp luật, hiệu lệnh của lực lượng chức năng của một số lái xe còn kém. Trong 6 tháng, có hơn 2.000 vụ án bị khởi tố, 1.841 bị cáo là lái xe - là một con số đáng báo động hiện nay.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: Việc kiểm soát tải trọng xe trong thời gian gần đây có chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải vẫn còn tập trung ở một số địa bàn: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Đồng Nai...

Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Một số địa phương chưa cắm biển báo cảnh giới giữa đường bộ và đường ngang như Lào Cai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh cho biết, mặc dù Hiệp hội liên tục phát động và duy trì phong trào “7 không” trong vận tải, có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vận tải quá tải lại tái phát từ cuối năm 2016 đến nay. Ông Thanh kiến nghị cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra tải trọng xe tại các cảng, mỏ vật liệu xây dựng, hiện đại hoá các trạm cân, áp dụng phạt nguội các xe vi phạm, quy định bắt buộc các đơn vị vận tải có bộ phận quản lý ATGT…
BVT (nguồn Chinhphu.vn)
  • Anh6