Ảnh: Giao diện chuyên mục Lấy ý kiến dự thảo văn bản QPPL trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT
Theo Chỉ thị, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ngày càng quan trọng trong quản lý nhà nước nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các cán bộ từ quá trình soạn thảo đến thẩm định, rà soát, kiểm tra văn bản...
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cũng như trong quá trình làm việc, gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và chất lượng của văn bản pháp luật. Do đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan đơn vị lưu ý một số nội dung sau:
Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và tham mưu triển khai các quy định pháp luật, các cơ quan, đơn vị chủ trì phải chú trọng việc trao đổi, lắng nghe, tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung mình đang tham mưu. Việc tham khảo này vừa là kênh để các cơ quan, đơn vị cập nhật các nội dung, vừa để rà soát toàn diện, lường hết các mặt mà dự thảo văn bản sẽ tác động tới, đảm bảo nội dung các quy định không chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau. Các ý kiến góp ý phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc và công khai.
Quá trình soạn thảo văn bản, các cơ quan, đơn vị chủ trì phải gửi lại bảng tổng hợp, giải trình các ý kiến cho các cơ quan, tổ chức có ý kiến góp ý qua thư điện tử hoặc công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ theo quy định của Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT ngày 25/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Khi có nội dung còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt là ý kiến khác của các Bộ, ngành, cơ quan tham mưu trình phải có trách nhiệm kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách. Nếu nội dung văn bản có liên quan đến lĩnh vực của các Thứ trưởng khác thì phải xin ý kiến của các Thứ trưởng đó. Trường hợp những việc liên quan đến từ hai Thứ trưởng trở lên nhưng các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau thì trình Bộ trưởng trực tiếp giải quyết.
Các cơ quan, đơn vị phải thực sự cầu thị trong quá trình xây dựng văn bản, phải luôn ý thức rằng ngành giao thông vận tải là một tổng thể thống nhất mà trong đó, các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt không tách rời nhau mà luôn ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau. Đồng thời, các văn bản của ngành giao thông vận tải có tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực và nhiều mặt của đời sống xã hội, không chỉ riêng đối với lĩnh vực giao thông. Do đó, quá trình soạn thảo văn bản phải thực sự cầu thị mới tạo ra một văn bản chất lượng.
Hiện nay, thực hiện theo quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời gian xây dựng và hoàn thiện đối với các văn bản phải lập hồ sơ đề nghị xây dựng thường kéo dài gấp đôi so với thời gian xây dựng các văn bản thông thường. Hồ sơ này cũng phải được Chính phủ biểu quyết thông qua theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Ban hành văn bản QPPL. Vì vậy, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, tham mưu trình hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản phải thực sự chủ động và khẩn trương trong công việc của mình cũng như trong công tác phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan thì mới đảm bảo văn bản của Bộ sớm được triển khai thực hiện.
Phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ khi xử lý các văn bản quy phạm pháp luật. Đề cao trách nhiệm cá nhân, mỗi việc chỉ có một đơn vị hoặc một cá nhân chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Thủ trưởng đơn vị được phân công công việc phải chịu trách nhiệm chính về công việc được phân công và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Bộ trưởng về nội dung công việc được giao.
Các Vụ, Tổng cục, Cục được giao chủ trì soạn thảo và tham mưu trình các văn bản quy phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm về những nội dung trong văn bản được giao. Phải thực sự tham gia vào việc kiểm duyệt các nội dung của văn bản. Tránh trường hợp Vụ tham mưu của Bộ chỉ đóng vai trò là người chuyển tiếp hồ sơ văn bản từ cơ quan soạn thảo lên Lãnh đạo Bộ mà không nghiên cứu, kiểm duyệt sát sao, chặt chẽ vào nội dung văn bản.
Lãnh đạo các Tổng cục, Cục phải nâng cao vai trò của tổ chức pháp chế tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong suốt quá trình xây dựng văn bản của đơn vị để đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật. Không để tồn tại một số dự thảo văn bản trình Bộ vẫn chưa đảm bảo chất lượng về mặt thể thức trình bày, cũng như chứa đựng những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, trái luật.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi các nội dung của thủ tục hành chính đã ban hành chỉ được thực hiện nếu không làm phát sinh thủ tục hành chính mới ngoài phạm vi thủ tục hành chính được luật giao và không làm phức tạp thêm thủ tục hành chính đang áp dụng.
Trong quá trình xây dựng pháp luật, các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ và Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật tại cơ quan, đơn vị của mình theo đúng nội dung của Chỉ thị, đảm bảo chất lượng và đồng bộ./.