Từ năm 2019, bên cạnh các tàu chở khách cao tốc, sẽ có thêm các phương tiện thủy chở xăng dầu, hàng hóa nguy hiểm thuộc diện hết niên hạn sử dụng không được phép tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện đang thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện để ngăn chặn tình trạng phương tiện “chạy chui”...
Hết “đát” vẫn chưa giải bản
Cách đây hơn một năm, 2 tàu chở khách cao tốc của một đơn vị kinh doanh vận tải thủy hoạt động tuyến Hải Phòng - Cát Bà hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định 111 của Chính phủ (quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 5/1/2015).
Căn cứ quy định trên, đơn vị đăng kiểm ngừng kiểm định và thu hồi giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. Điều này đồng nghĩa với việc phương tiện không được phép chở khách tham gia giao thông. Tuy vậy, từ đó đến nay, 2 phương tiện của công ty nói trên không giải bản mà hàng ngày vẫn neo đậu trên sông với hy vọng được tiếp tục chở khách.
Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, hầu hết các phương tiện thủy chở hàng đều sử dụng động cơ nhập khẩu cũ hoặc động cơ kém chất lượng, gây nguy cơ cao ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp trang bị động cơ mới chất lượng cao cho tàu, nâng chất lượng phương tiện vận tải thủy.
|
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sau khi phương tiện bị thu hồi giấy chứng nhận kiểm định, chủ doanh nghiệp đã gửi đơn đến cơ quan đăng kiểm, thậm chí Bộ GTVT, Chính phủ đề nghị được gia hạn thời gian sử dụng.
Không chỉ 2 trường hợp trên, tàu khách cao tốc của một công ty du lịch đảo Cát Bà cũng mới hết niên hạn sử dụng và đến cuối năm nay sẽ có 2 tàu khác hết niên hạn. Hiện, chiếc tàu đã hết niên hạn không còn neo đậu tại cảng, bến thủy của đơn vị này nhưng cũng không rõ đã được đưa đi đâu, đã giải bản hay tiếp tục hoạt động chui.
Ông Trần Sỹ Lượng, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 10 cho biết, sau khi tàu hết niên hạn sử dụng, đơn vị đã thu hồi giấy chứng nhận kiểm định phương tiện, còn không có thông tin về việc phương tiện sau đó đã giải bản hay chưa. “Có phương tiện sau khi hết niên hạn được chuyển đi nơi khác, cũng không rõ được xử lý thế nào. Bởi, thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuộc cơ quan quản lý đăng ký”, ông Lượng nói.
PV Báo Giao thông liên lạc với lãnh đạo 2 doanh nghiệp trên nhưng không nhận được phản hồi về việc xử lý đối với các tàu đã hết niên hạn.
Theo các đơn vị đăng kiểm, tại TP.HCM cũng đã có một số tàu chở khách cao tốc bị dừng hoạt động do hết niên hạn. Còn tại Đà Nẵng, năm 2019 sẽ có những tàu du lịch vỏ gỗ đầu tiên thuộc diện “hết đát”. Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, đến nay, toàn quốc có 12 tàu khách cao tốc hết niên hạn sử dụng. Sau khi tàu hết niên hạn, một số chủ tàu vẫn giữ lại phương tiện, không làm thủ tục giải bản và gửi đơn đến các bộ, ngành đề nghị được gia hạn hoạt động nhưng không được chấp thuận.
Cần chế tài kiểm soát
Theo Nghị định 111 của Chính phủ, các loại phương tiện thủy được áp dụng niên hạn sử dụng gồm: Tàu chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở xô khí hóa lỏng; tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi; tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí; tàu cao tốc chở khách.
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN cho biết, ngoài các tàu khách cao tốc đã hết niên hạn sử dụng, từ năm 2019 sẽ có hàng trăm tàu chở dầu, hàng hóa nguy hiểm hết niên hạn sử dụng. “Việc quy định niên hạn sử dụng phương tiện nhằm tăng cường đảm bảo ATGT ĐTNĐ, ngăn ngừa các vụ tai nạn, cháy nổ do phương tiện cũ nát như những năm trước. Nghị định có các điều kiện chuyển tiếp, cho phép các tàu khách cao tốc đã hết niên hạn sử dụng được gia hạn hai năm, để các chủ tàu chuẩn bị chuyển đổi, thay thế phương tiện”, ông Học nói và cho biết, Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm nghị định trên.
Vấn đề đặt ra hiện nay là quản lý thế nào để không xảy ra hiện tượng phương tiện thủy đã “hết đát” nhưng vẫn được mua bán hoạt động chui. Trưởng phòng Tàu sông Đỗ Trung Học cho biết, bất cập là chưa có quy định về khai báo phương tiện thủy như đối với hàng hải.
“Trách nhiệm quản lý tài sản, giải bản, tháo dỡ phương tiện thủy đã hết niên hạn thuộc về chủ phương tiện. Thế nhưng, đường thủy không có quy định về thu phí phương tiện, khai báo phương tiện như đối với hàng hải nên thiếu cơ chế kiểm soát việc giải bản, tháo dỡ phương tiện”, ông Học nói và cho rằng, lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm, thẩm quyền đối với phương tiện đã hết niên hạn nhưng vẫn hoạt động.
Thông tin từ Cục ĐTNĐ Việt Nam, theo quy định hiện có 5 trường hợp xóa số đăng ký phương tiện thủy nhưng không đề cập trường hợp phương tiện đã hết niên hạn sử dụng. Do đó, nếu chủ phương tiện không tự giác đề nghị xóa đăng ký, phương tiện hết niên hạn vẫn tồn tại trên hệ thống quản lý.
BVT (nguồn baogiaothong.vn)