Trong tháng 7/2018, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP
ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh vận tải bằng ô tô
Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, sau khi rà soát nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã thống nhất quan điểm: những nội dung đã quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ không đưa vào nội dung của dự thảo Nghị định thay thế; Những nội dung mang tính chất tổ chức, quản lý hoạt động sẽ quy định tại Chương II: Quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Loại bỏ những điều kiện không còn phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, quá trình soạn thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức các hội nghị đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định; nhiều cuộc họp lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014.
“Trên cơ sở các nội dung dự thảo Nghị định, Bộ GTVT đã trình Chính phủ và tiếp thu, bổ sung theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ trình nội dung Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 gồm 7 chương, 39 điều (tăng 1 chương và 3 điều so với Nghị định cũ)” - ông Trần Bảo Ngọc cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ - Thành viên Ban Soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung cho rằng, việc xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lịch vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Thứ trưởng cho biết, cơ sở quan trọng số một để sửa đổi bổ sung Nghị định 86 là Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các luật khác chi phối Nghị định.
Thứ trưởng cũng đánh giá đây là giai đoạn quá độ, có nhiều thách thức trong quản lý nhà nước cũng như tạo môi trường kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ. Yêu cầu tất yếu là phải ứng dụng công nghệ mới phù hợp với thực tiễn phát triển, việc tăng cường công tác quản lý không chỉ là trách nhiệm của Bộ GTVT mà còn là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của các bộ, ngành, các hiệp hội, cơ quan truyền thông… đã phát biểu đóng góp ý kiến để Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sửa đổi, bổ sung Nghị định tiếp thu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sửa đổi, bổ sung Nghị định tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định, để trong tháng 7/2018, Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo, nhằm sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ GTVT sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thời gian dự kiến trong nhiệm kỳ này, nên đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để có những ý kiến đóng góp, góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để phù hợp với sự phát triển cũng như thực tế đang diễn ra.
Bộ trưởng yêu cầu việc tiếp thu, sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 phải được rà soát kỹ lưỡng, phù hợp với quy định, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết, tránh hình thức, nhưng vẫn đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải.
"Tất cả những điều chỉnh trong Nghị định mới phải phù hợp với quy định pháp luật, không làm trái luật. Sửa đổi lần này phải giảm bớt các thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, bỏ những nội dung không cần thiết, nội dung nào bổ sung vào phải phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác kiểm tra giám sát" - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng khuyến khích phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tuy nhiên việc sử dụng phần mềm chi phối công tác vận tải nên phải nghiên cứu kỹ, quy trách nhiệm cụ thể của bên cung cấp dịch vụ, trách nhiệm liên quan đến người sử dụng dịch vụ, có lợi ích xã hội và phải đúng quy định của pháp luật Việt Nam.