Ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Theo công bố năm 2016 của WHO, hơn 80% dân số thành thị trên thế giới đang hít thở bầu không khí kém trong lành và điều này đang làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh ở người dân. Chất lượng không khí đô thị suy giảm làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, mắc các bệnh về tim mạch, ung thư phổi, các bệnh hô hấp cấp tính và mãn tính. Ước tính khoảng 2/3 trường hợp tử vong và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước đang phát triển ở châu Á. Thống kê cũng cho thấy, hằng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu trẻ em bị tử vong do nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, trong đó khoảng 60% trường hợp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tại Việt Nam, ô nhiễm bụi tại các đô thị tiếp tục duy trì ở mức cao cũng đã gây ra những tác động xấu tới sức khỏe người dân. Theo số liệu thống kê, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh... Số người bị các bệnh đường hô hấp chiếm từ 3-4% tổng dân số. Trong đó, tỷ lệ số người bị các bệnh hô hấp ở các đô thị phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng… thường cao hơn khá nhiều so với các đô thị ít phát triển. Ô nhiễm môi trường không khí gây ra những thiệt hại về sức khỏe và kéo theo đó là những thiệt hại về kinh tế do phải chi trả các chi phí khám chữa bệnh, chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của cả người bệnh và người chăm sóc. Theo báo cáo hiện trạng moi trường quốc gia năm 2016, ước tính tỷ lệ thiệt hại là khoảng 20% thu nhập.
Tại các đô thị phát triển, khí thải từ xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Phát thải của xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chất lượng nhiên liệu, chất lượng phương tiện, kỹ thuật lái xe, chất lượng đường xá, ùn tắc giao thông ... Xe ô tô, xe máy ở nước ta gồm nhiều chủng loại, nhiều phương tiện đã sử dụng nhiều năm, không được bảo dưỡng thường xuyên nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải tăng cao. Theo các báo cáo đánh giá chất lượng không khí, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chỉ số NOx, CO (là các hợp chất có trong khí thải của xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) trong không khí đã có thời điểm vượt mức cho phép từ 1,2 - 1,5 lần, điều này đang gây tác động rất xấu đến sức khỏe người dân.
Nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí, ngay từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới đường bộ; theo đó:
- Ô tô tham gia giao thông mang biển kiểm soát của các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 1 kể từ ngày 01/7/2006; ô tô mang biển kiểm soát của các tỉnh, thành phố còn lại áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 1 kể từ ngày 01/7/2008.
- Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu lắp động cơ cháy do nén áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 2; ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 3 từ ngày 01/7/2006.
Mức tiêu chuẩn khí thải (gọi tắt là các Mức 1, Mức 2, Mức 3, Mức 4) là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của xe ô tô quy định tại TCVN 6438:2018 “Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải” như Bảng 1.
Ngay từ những năm đầu triển khai Quyết định 249/2005/QĐ-TTg, việc kiểm soát khí thải xe ô tô tham gia giao thông đã có chuyển biến tích cực. Phát thải chất gây ô nhiễm được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ phương tiện không đạt khi kiểm tra khí thải đang giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2018, số lượng xe ô tô tham gia giao thông đã tăng 3,22 lần so với năm 2008 (3.050.794 xe so với 946.601 xe) và tiếp tục gia tăng với tốc độ khoảng 15%/năm, cho nên nếu xét tổng lượng phát thải từ xe ô tô thì mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí đô thị đã gia tăng đáng kể.
Mặt khác, qua so sánhvới các nước trong khu vực và trên thế giới, mức tiêu chuẩn khí thải hiện tại áp dụng đối với xe ô tô tham gia giao thông tại nước ta là thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới và cần thiết phải nâng cao để giảm phát thải gây ô nhiễm, đảm bảo đáp ứng công tác bảo vệ môi trường không khí, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Tình hình kiểm soát khí thải đối với xe ô tô lắp động cơ cháy do nén (động cơ diesel) tại một số quốc gia
Tình hình kiểm soát khí thải đối với xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ xăng) tại một số quốc gia
Nhằm tăng cường kiểm soátphát thải chất gây ô nhiễm trong khí thải xe ô tô tham gia giao thông vàxe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, giảm mức độ ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời tăng cường ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc kiểm tra, bảo dưỡng xe ô tô nhằm giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm phát thải chất gây ô nhiễm, ngày 28/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Theo đó, các mức tiêu chuẩn khí thải áp dụng cho xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu được nâng lên so với mức cũ quy định tại Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg và áp dụng với lộ trình như sau:
Xe ô tô tham gia giao thông:
- Ô tô sản xuất trước năm 1999 tiếp tục áp dụng Mức 1 (Mức cũ đang áp dụng);
- Ô tô sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2021 (Nâng từ Mức 1 lên Mức 2);
- Ô tô sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2020 (Nâng từ Mức 1 lên Mức 2).
Xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu:
Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu áp dụng Mức 4 kể từ ngày 15/5/2019 (Nâng từ Mức 2 lên Mức 4). Trường hợp ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu có thời điểm mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo Luật hải quan hoặc đã về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày Quyết định có hiệu lực thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy định giới hạn các chất gây ô nhiễm trong khí thải như Bảng 1.
Bảng 1. Giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm trong khí thải
Thành phần gây ô nhiễm trong khí thải
|
Phương tiện lắp động cơ cháy cưỡng bức
|
Phương tiện lắp động cơ cháy do nén
|
Ô tô
|
Mô tô, xe máy
|
Mức 1
|
Mức 2
|
Mức 3
|
Mức 4
|
Mức 1
|
Mức 2
|
Mức 1
|
Mức 2
|
Mức 3
|
Mức 4
|
CO (% thể tích)
|
4,5
|
3,5
|
3,0
|
0,5
0,3(3)
|
4,5
|
-
|
-
|
-
|
|
HC (ppm thể tích)
- Động cơ 4 kỳ
- Động cơ 2 kỳ
- Động cơ đặc biệt (1)
|
1200
7800
3300
|
800
7800
3300
|
600
7800
3300
|
300
200(3)
7800
3300
|
1500
10000
|
1200
7800
|
|
|
|
|
Lamđa (λ)
|
|
|
|
0,97-1,03(3)
|
|
|
|
|
|
|
Độ khói (%HSU) (2)
|
|
|
|
|
|
|
72
|
60
|
50
|
45
|
1) Là các loại động cơ như động cơ Wankel và một số loại động cơ khác có kết cấu đặc biệt khác với kết cấu của các loại động cơ có pít tông, vòng găng thông dụng hiện nay.
2) Giới hạn độ khói cũng có thể được xác định theo các giá trị của hệ số hấp thụ ánh sáng (m-1) tương đương với các giá trị độ khói nêu ở trên.
3) Áp dụng quy trình đo không tải có tăng tốc theo TCVN 6204:2008 (ISO 3929:2003).
|
Việc áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, đặc biệt là xe ô tô tham gia giao thông theo nhóm năm sản xuất của phương tiện đã được Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, rà soát thực trạng tại nước ta, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn sẽ được áp dụng đối với trên 94% số lượng xe ô tô tham gia giao thông. Chỉ khoảng 6% số lượng phương tiện sản xuất trước năm 1999 (phương tiện trên 20 tuổi) được phép áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải hiện tại (Mức 1), tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo do áp dụng quy định về niên hạn sử dụng xe ô tô tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ./.
BVT (nguồn mt.gov.vn)