5 XÂY 3 CHỐNG
Đột phá từ "5 xây", "3 chống"... (Bài 1: Chỉ thị 29-từ văn bản đến hành động)
Trọng dân, gần dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin - các tiêu chí, chuẩn mực đặt ra đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được triển khai từ việc thực hiện Chỉ thị số 29 ngày 6-11-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tạo thêm một kênh đánh giá, giám sát về tinh thần, thái độ, phương thức, lề lối làm việc của CBCCVC trên địa bàn thành phố. Qua gần 4 năm thực hiện, Chỉ thị 29 của Thành ủy Đà Nẵng đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng; tác động lớn đến đời sống dân sinh, việc làm, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC thành phố.

Tháng 6-2016, lúc còn là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, ông Nguyễn Thiện Nhân
(hiện là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) đã đến tham quan, tìm hiểu
mô hình cải cách thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng.

Lời hứa của một cán bộ phường...

9 giờ sáng tại UBND P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu. Câu chuyện giữa chúng tôi với Chánh Văn phòng UBND phường Nguyễn Thị Diễm Châu vừa kết thúc thì cũng là lúc... cúp điện. Một số tài liệu, báo cáo có liên quan lưu trong máy tính chưa kịp in ra để cung cấp cho chúng tôi, chị bảo, "hoặc phải chờ đến khi có điện trở lại, còn không văn phòng sẽ gửi qua e-mail, chậm nhất là đầu giờ sáng hôm sau". Kèm với lời hứa là câu "xin lỗi" và giải thích, rằng "do đang chuẩn bị tài liệu, báo cáo cho buổi họp của phường vào chiều cùng ngày nên không có thời gian". Còn  chúng tôi, mặc dù đã có lời hứa của vị cán bộ văn phòng UBND phường, nhưng trong thâm tâm thực sự vẫn có sự nghi hoặc, biết đâu nhiều việc quá nên họ... quên. Và giải pháp tốt nhất là một mặt gửi địa chỉ e-mail, mặt khác xin luôn số điện thoại người gửi để có gì còn "nhắc nhở"...

Đầu giờ chiều cùng ngày, theo thói quen, tôi mở e-mail kiểm tra xem có thông báo gì mới. Hộp thư đến hiện lên địa chỉ người gửi kèm nội dung thông tin, tài liệu như đã trao đổi trước đó với Chánh văn phòng UBND P. Hòa Minh lúc sáng. Thời gian gửi lúc 12 giờ 25 phút. Nghiệm lại mới thấy, lúc mình đang...nghỉ trưa thì vị cán bộ văn phòng này vẫn tranh thủ làm việc, cụ thể hơn là thực hiện "lời hứa" của mình! Thực sự qua việc này, niềm tin của chúng tôi về "lời hứa", nói rộng hơn là trách nhiệm công vụ của CBCCVC ở cơ sở được củng cố thêm, dù vẫn biết việc làm là rất nhỏ và chưa thể bao quát hết... Trở lại với Chỉ thị 29 của Thành ủy Đà Nẵng về "5 xây" (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và "3 chống" (quan liêu, tiêu cực, bệnh thành tích). Cái cách mà "5 xây", "3 chống" đi vào cuộc sống, nói đúng hơn là tác động trực tiếp đến đội ngũ CBCCVC tại Đà Nẵng cũng khá độc đáo, thú vị.

Mô hình "một cửa" ở Q. Liên Chiểu.

Nhớ chuyện "lì xì" đầu năm

Thường thì với các nghị quyết, chỉ thị, chỉ mới nghe tên thôi đã thấy xơ cứng, khô khan, khó tiếp nhận được trong ngày một ngày hai. Thế nhưng, với "5 xây", "3 chống", không dám khẳng định nhưng có thể thấy nó nhanh chóng được đội ngũ CBCCVC đón nhận và ngày càng phát huy hiệu quả. Còn nhớ, tại cuộc gặp mặt đầu xuân 2014, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ, ông Trần Thọ đã có cách "lì xì" năm mới rất độc đáo. Số là, theo thông lệ hàng năm, cứ đến dịp đầu xuân, lãnh đạo TP Đà Nẵng lại tổ chức gặp mặt đại diện các cơ quan đảng, đoàn thể; các sở ban ngành; bí thư và chủ tịch các quận, huyện để chúc mừng năm mới; đồng thời đây cũng là dịp để kiểm điểm tình hình kinh tế, xã hội, ANTT, TTATGT...trong dịp Tết và phát động những định hướng lớn cho năm tiếp theo.

Và đó là cuộc gặp mặt đầu Xuân Giáp Ngọ 2014. Trước khi gặp mặt chính thức, ông Trần Thọ và lãnh đạo thành phố "lì xì" cho mỗi đại biểu một phong bao, trong mỗi phong bao chứa một tờ tiền mệnh giá 100 ngàn đồng. Hoàn thành thủ tục đầu năm, và khi các đại biểu đã an tọa, Bí thư Trần Thọ liền nói: "Ai nhận được tờ tiền lì xì có tổng số điểm cộng lại 5 và 3 thì mang lên. 3 điểm để một bên, 5 điểm để một bên!". Dứt lời, cả hội trường xôn xao bàn tán. Nhiều người đoán ông Trần Thọ "lì xì" theo chương trình "5 không" (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của) và "3 có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) mà TP Đà Nẵng đang triển khai. Những người có tờ tiền 3 điểm hăng hái đem lên nhất vì tin là sẽ "3 có", trong khi những người có tờ tiền 5 điểm cứ thấp thỏm, sợ đem lên mà bị thu lại theo kiểu "5 không" thì mất đi cái lộc đầu xuân của lãnh đạo...

Sau khi kiểm tra các tờ tiền được đem lên, ông Trần Thọ bất ngờ tuyên bố "những người có 5 điểm được lì xì thêm 50.000 đồng và về chỗ. Còn những người có tờ tiền 3 điểm phải đứng lại"! Thêm một lần nữa hội trường lại xôn xao, bàn tán. Đến lúc này ông Trần Thọ mới tuyên bố: "Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa có Chỉ thị 29 về "5 xây" (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và "3 chống" (quan liêu, tiêu cực, bệnh thành tích). Nên anh nào có "5 xây" thì được giữ tiền lì xì lại và thưởng thêm, còn những anh "3 chống" thì... đổi tiền cũ lấy tiền mới. Chúc chúng ta thực hiện tốt Chỉ thị 29!". Cả hội trường rào lên tiếng vỗ tay và những lời cười nói vui vẻ trước cách lì xì mới, bất ngờ và hết sức thâm thúy, thú vị này.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên, càng không phải vì tình thế buộc phải có một Chỉ thị mới để ban hành nhằm "làm đẹp" báo cáo mà Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ cho ban hành Chỉ thị 29 về "5 xây", "3 chống". Thực tế ngay trong nhận định tình hình, Chỉ thị cũng đã nêu rõ: Những năm qua, thành phố đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu nhân dân trong đội ngũ CBCCVC thành phố. Nhờ đó, hệ thống chính trị nói chung và chính quyền các cấp nói riêng tiếp tục được củng cố ngày càng vững mạnh; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước có nhiều chuyển biến; đội ngũ CBCCVC các cấp không ngừng trưởng thành, ý thức tu dưỡng đạo đức, lối sống, tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ nhân dân được nâng lên, đóng góp đáng kể vào thành tựu xây dựng và phát triển thành phố.

"Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhìn chung nền công vụ thành phố chưa thực sự chuyển biến tốt theo hướng phục vụ nhân dân; kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn chưa nghiêm; tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân cũng như hiệu quả và chất lượng công việc ở một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận CBCCVC chưa đáp ứng được yêu cầu. Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ CBCCVC tuy có tiến bộ hơn trước nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao. Một bộ phận CBCCVC thiếu ý thức tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, không sát công việc, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với nhân dân và các tổ chức khi thi hành công vụ. Tình hình đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển đi lên của thành phố", Chỉ thị nêu bối cảnh.

Như vậy có thể thấy, nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng, chỉnh đốn và củng cố đội ngũ CBCCVC phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố là động lực để Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị 29. Các nội dung phấn đấu được cụ thể hóa thành "5 xây" và "3 chống" như một ý tưởng độc đáo nữa của Đà Nẵng. Nếu như trước đây thành phố thường được nhắc đến với các chương trình "5 không" và "3 có" thì hiện có thêm "5 xây" và "3 chống". Sự trùng hợp về các con số này, chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà có thể là chủ ý của Ban Thường vụ Thành ủy, để giúp cho các nội dung Chỉ thị vốn thường bị coi là khô khan, lý thuyết trở nên dễ hiểu, dễ nhớ hơn, đồng thời tạo sự liền mạch giữa các chương trình lớn của thành phố trong nhiều năm qua...

BVT (nguồn  cand.com.vn)

  • Anh6