TIN TỨC TRONG NGÀNH
Nguy cơ mất an toàn giao thông từ đèn chiếu sáng tự chế

Thời gian qua, xuất hiện nhiều ô tô, xe máy sử dụng đèn tự chế (hay còn gọi là “độ đèn”) với nguồn sáng lớn, lắp không đúng vị trí gây ảnh hưởng đến các phương tiện ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Việc "độ" đèn, sử dụng các loại đèn tự chế luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Muôn kiểu “độ” đèn ô tô, xe máy…

Một hình ảnh khá quen thuộc đó là nhiều phương tiện, nhất là ô tô bật đèn pha không đúng quy định. Trong đó, một số xe còn “độ” cả đèn led, đèn xenon với ánh sáng gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản thiết kế nên các xe chạy ngược chiều rất khó chịu vì bị lóa mắt, rất khó quan sát, mất phương hướng, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông. Ghi nhận tại Quốc lộ 6, đoạn qua xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình), quan sát hơn 1 tiếng, phóng viên đã thấy gần chục phương tiện gồm cả xe tải, xe taxi lắp thêm đèn led phía trước (ngoài hai đèn pha có sẵn). Trong đó, nhiều xe tải còn lắp thêm các thanh đèn led ở đầu xe và dọc hai bên sườn xe. Anh Nguyễn Văn Hùng, lái xe đường dài tuyến Hà Nội - Điện Biên bức xúc: "Cực kỳ nguy hiểm cho tất cả những người trên đường khi gặp những xe độ đèn quá sáng. Nhất là những xe lắp thanh đèn led màu vàng, trắng. Những lúc như vậy, tôi thường giảm hết tốc độ, đi vào phần đường của mình, vì ánh sáng của loại đèn tự chế này cực mạnh, tia sáng luôn chiếu thẳng vào mặt; nếu cố đi sẽ rất khó điều khiển phương tiện”.

Không chỉ xuất hiện trên các tuyến quốc lộ mà tại các khu đông dân cư hay các đô thị lớn, tình trạng các phương tiện sử dụng đèn tự chế với nguồn sáng lớn cũng diễn ra khá phức tạp. Với cường độ sáng gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản thiết kế nên khi gặp các xe sử dụng loại đèn tự chế lưu thông trên đường, người điều khiển các phương tiện chạy ngược chiều thường rất khó chịu vì bị lóa mắt, khó quan sát, thậm chí mất phương hướng, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn. Đặc biệt, đối với phương tiện xe máy, xe đạp rất dễ bị lóa, tự gây tai nạn.

Hiện nay, chủ phương tiện không khó để sở hữu các loại đèn tự chế. Dạo qua khu vực phố Huế (Hà Nội), có thể thấy rất nhiều các loại đèn led, đèn pha để gắn thêm vào ô tô, xe máy. Theo khảo sát của phóng viên, chủng loại các đèn này rất phong phú, đa dạng; giá cả tùy vào chất lượng, độ sáng của sản phẩm. Đèn ôtô có kiểu độ hình vuông, hình tròn, dài, ngắn, có thể chiếu gần, chiếu xa, cho tia sáng trắng, ánh sáng xanh, tia sáng hội tụ…Giá cả các loại đèn cũng khá đa dạng, dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/chiếc; với một số loại đèn chuyên dụng, chất lượng cao thì giá có thể lên tới 3 – 4 triệu đồng/chiếc. Anh Trần Văn Thành, một người bán hàng trên phố Huế cho biết: “Cửa hàng anh loại đèn nào cũng có, tùy theo sở thích và  túi tiền của người mua. Nếu người mua số lượng lớn thì giá càng rẻ”.

Chia sẻ về vấn đề sử dụng đèn tự chế trên các phương tiện giao thông, anh Hoàng Văn Phong, chủ một garage chuyên về bảo dưỡng ô tô ở quận Hà Đông (Hà Nội) nhìn nhận: Mỗi chiếc ô tô, xe máy đã được nhà sản xuất tính toán kỹ thuật an toàn về vận hành hệ thống điện. Nếu muốn “độ” đèn buộc phải thay đổi một vài bộ phận, kết cấu bên trong xe, đấu nối thêm đường điện... Khi tự ý thay đổi, nguồn điện trong xe không tương thích rất dễ dẫn đến chạm, chập gây cháy. Khi đó, chính chủ nhân chiếc xe cũng có thể bị nguy hiểm do việc "độ" đèn, sử dụng đèn tự chế.

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan chức năng

Tình trạng chủ phương tiện sử dụng các loại đèn tự chế, “độ” đèn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông. Hành vi này diễn ra khá phổ biến từ xe con tới xe khách, xe tải… Để ngăn chặn tình trạng này, yêu cầu đặt ra là cần có sự phối hợp vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mỗi năm phương tiện chỉ đi đăng kiểm một đến hai lần, vì thế chủ xe “lách” đăng kiểm quá đơn giản và dễ dàng. Nhiều lái xe đã “né luật” bằng cách trước khi đi đăng kiểm tháo đèn “độ” ra, chỉ để lại đèn nguyên bản nhằm “qua mặt” cơ quan đăng kiểm vì khi đó xe không có thay đổi so với thiết kế nguyên bản. Sau khi kiểm định, chủ xe lại lắp các loại đèn tự chế và lưu thông bình thường.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tại các vị trí đăng kiểm hoàn toàn có thề kiểm tra đèn xe có đúng tiêu chuẩn hay không. Nhưng khi đưa xe đi kiểm định, các chủ xe thường tháo hết đèn độ, lắp đèn đúng tiêu chuẩn để kiểm định, sau khi qua kiểm định lại lắp đèn độ vào để chạy ngoài đường. Do đó, cơ quan đăng kiểm không có cơ sở để xử lý.

Anh Nguyễn Thành Luân, lái xe tải ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ: “Việc tháo, lắp các loại đèn tự chế không quá phức tạp. Do vậy, để thỏa mãn thú vui “độ” đèn, anh em lái xe sẵn sàng lách luật mỗi khi đến hạn kiểm định phương tiện. Theo tôi, lực lượng Cảnh sát giao thông phải phát hiện và lập tức xử phạt lái xe vi phạm trên đường, phải phạt thật nặng thì mới đủ sức răn đe chủ xe”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm quy định về sử dụng thiết bị chiếu sáng. 

Hiện nay, pháp luật đã có quy định rất rõ về chế tài xử lý đối với hành vi “độ” đèn, lắp thêm đèn tự chế. Cụ thể, Điểm a, Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định phạt tiền 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe. Ngoài ra, Điều 16 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP còn quy định tịch thu đèn lắp thêm, còi vượt quá quy định. Do vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi phát hiện phương tiện lắp đèn quá sáng, sử dụng các loại đèn tự chế thì lực lượng cảnh sát giao thông cần kiên quyết tạm giữ phương tiện để cho đi đăng kiểm, kiểm tra. Nếu phương tiện bị lắp đèn sai thì ngoài việc xử phạt còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thời gian qua, tình trạng phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe tải, xe khách, xe container tự ý gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn không đúng quy định đã uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện nghiêm, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, vi phạm điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện khi tham gia giao thông, kiên quyết xử lý phương tiện sử dụng và tự ý "độ", gắn thêm đèn chiếu sáng có cường độ lớn sai quy định.

Có thể thấy, việc "độ” đèn, lắp thêm các loại đèn tự chế với nguồn sáng lớn không chỉ gây ảnh hưởng đến các phương tiện ngược chiều, tạo nguy cơ tai nạn giao thông cao mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ đối với chính phương tiện được “độ” đèn. Đây là mối nguy hiểm thường trực đối với người tham gia giao thông, cần phải xử lý nghiêm khắc để hạn chế những trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra do nguyên nhân từ việc lắp các loại đèn tự chế./.

BVT (nguồn dangcongsan.vn)

  • Anh6