Có 17 loại “bệnh” của CBCCVC được nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chỉ ra trước khi triển khai Chỉ thị số 29-CT/TU. Sau 5 năm, nhiều “bệnh” đã thuyên giảm nhưng lại xuất hiện “bệnh” mới. Đó là cán bộ, công chức sợ sai, không dám tham mưu, đề xuất. Căn bệnh này đang là một trong những khó khăn khi thành phố bước vào một giai đoạn phát triển mới.
|
Thực trạng một số cán bộ, công chức có tâm lý e ngại, không dám tham mưu, đề xuất được nêu ra tại Chương trình HĐND với cử tri lần thứ 5. |
Ngại tham mưu, đề xuất
Hội nghị Thành ủy lần thứ 17 (ngày 3-7-2019) đã chỉ ra một trong những mặt hạn chế là một số vụ việc sau thanh tra, kiểm tra, điều tra, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành chung của thành phố. Trong đó, tư tưởng, tinh thần, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có phần e dè. Đây là điều cần sớm khắc phục để thành phố bắt tay thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong những giai đoạn tới.
Tại Chương trình “HĐND thành phố với cử tri” lần thứ 5 (tổ chức tháng 5-2019), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng đề cập đến tình trạng một số cán bộ, công chức sở, ngành đang có tâm lý e ngại, làm gì cũng sợ sai, không dám tham mưu, đề xuất, nhất là liên quan đến các dự án có yếu tố “lịch sử để lại”. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết có tình trạng doanh nghiệp kêu ca quy trình thủ tục kéo dài để làm dự án, thành phố cũng đang tồn đọng nhiều hồ sơ xin đầu tư.
“Hiện nay, có tâm lý rất e ngại, rất sợ. Làm gì cũng sợ sai. Đó là quyền cá nhân của các anh, nhưng trong một hệ thống chính trị, thì tư tưởng quá lo sợ, quá bảo đảm cho mình có sự an toàn để rồi không tham mưu đề xuất cái gì hết là điều không khuyến khích, không được đánh giá cao”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Hoàng cho biết, sau những vụ việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, một số cán bộ của thành phố bị xử lý cũng gây tâm lý e ngại đến cán bộ, công chức của đơn vị.
Ông Hoàng giải thích: “Hiện nay, anh em được giao tham mưu cho lãnh đạo thành phố những công việc thuộc lĩnh vực quản lý của sở đều có tâm lý làm gì cũng phải chắc, phải đúng quy định pháp luật. Không thể qua loa mà để ra hậu quả sau này”.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng, sau những vụ việc xử lý cán bộ do những sai phạm trong tham mưu cho lãnh đạo thành phố trước đây, trong cán bộ, công chức không còn khái niệm tham mưu “vượt rào” nữa. Việc gì cũng phải đúng quy định pháp luật. Mặt khác, áp lực công việc hiện nay rất lớn, do đó việc thận trọng, chậm trễ trong tham mưu với lãnh đạo là có.
Cần đánh giá khách quan
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho hay, trước hết phải khẳng định đội ngũ công chức của thành phố hiện nay với hơn 1.800 người được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển thành phố. Công việc càng ngày phát sinh nhiều nhưng đội ngũ công chức của thành phố rất nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Đơn cử trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố đã giải quyết 4.146.000 hồ sơ hành chính, trong đó chỉ có 573 hồ sơ trễ hẹn (0,00013%). Đây là tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn thấp nhất nước. “Nếu lấy một bộ phận cán bộ, công chức cá biệt, cầu toàn chưa tích cực làm việc ra để đánh giá là chưa thỏa đáng”, ông Đồng nói.
Tuy nhiên, ông Võ Ngọc Đồng thừa nhận một bộ phận cán bộ lãnh đạo là người đứng đầu, công chức sợ, e ngại, cầu toàn sau những vụ việc thanh tra, kiểm tra, điều tra là có thật nhưng cần xem xét thấu đáo, khách quan.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước còn chồng chéo về quy định. Có những việc theo quy định tại văn bản này cho phép nhưng theo văn bản khác lại không được. Khi anh em tham mưu cho thành phố gửi văn bản xin ý kiến của các cơ quan bộ, ngành Trung ương kết quả trả lời cũng không dứt dạt cho nên việc tham mưu cho lãnh đạo thành phố tổ chức thực hiện công việc gặp khó khăn. Biểu hiện qua việc thực hiện kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra vừa rồi, tiêu biểu là việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Hiện nay, thành phố còn vướng nhiều việc như đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác để phát điện tại bãi rác Khánh Sơn, xây dựng bãi đỗ ô-tô công cộng, nâng cấp và mở rộng Bệnh viện Phụ sản-Nhi… gặp khó do bất cập trong các quy định pháp luật.
Những khó khăn này đã được Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn đã nêu lên tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV vừa qua. “Nếu quy định pháp luật rõ ràng mà CBCCVC họ không làm thì họ có lỗi đối với sự phát triển của thành phố. Còn việc cán bộ có biểu hiện sợ sệt ở đây là do quy định pháp luật chưa rõ ràng.
Áp dụng văn bản này thì đúng nhưng đối với văn bản khác lại sai luật. Mà sai luật anh em sẽ bị kỷ luật, cao nhất là bị xử lý hình sự. Do đó đánh giá hiệu quả công tác tham mưu của anh em cần phải xem xét thấu đáo, khách quan, công bằng”, ông Đồng nói và cho rằng khi xem xét xử lý những cán bộ, công chức tham mưu có liên quan đến các vụ việc đã và đang được thanh tra, kiểm tra, điều tra vừa bảo đảm sự công bằng đối với công chức tham mưu vì sự phát triển của thành phố. Trong đó, cần phân biệt với người tham mưu để trục lợi, tham nhũng, mang lại lợi ích cá nhân.
Theo PGS.TS Hồ Tấn Sáng (Học viện Chính trị khu vực 3), để hạn chế việc sợ sai mà không mạnh dạn tham mưu, thành phố cần có cơ chế tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương trong việc nắm chắc các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực công tác; đồng thời tìm tòi, suy nghĩ, tham mưu hiến kế những giải pháp mang tính đột phá sát với thực tiễn của thành phố nhưng bảo đảm đúng quy định của cấp trên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Quan điểm ấy vẫn nóng tính thời sự đối với công tác cán bộ hiện nay cũng như nhu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những thách thức đang đặt ra đối với thành phố. Như vậy điều cốt lõi để có được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm cao, bản lĩnh, tâm huyết, không sợ sai đều bắt đầu từ công tác cán bộ.
Trong khi đó, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, thành phố cần mạnh dạn điều động, luân chuyển những cán bộ năng lực yếu, không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ có dấu hiệu bằng lòng với hiện tại, không còn khí thế, tâm huyết cống hiến để thay thế bằng những cán bộ trẻ, giàu nhiệt huyết, trình độ chuyên sâu để đóng góp trí tuệ và tâm sức xây dựng thành phố. Cần bắt đầu từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Cán bộ nhiệt huyết, không sợ sai phải được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác, qua những việc tham mưu cho lãnh đạo thành phố giải quyết thành công những vấn đề khó khăn tưởng chừng đã “hết cách”, “bó tay” nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Làm được như vậy thành phố mới có được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, tâm huyết, bản lĩnh đáp ứng được yêu cầu phát triển thành phố trong thời gian đến theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong thời gian đến.
|
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN