Sáng 27/12/2014, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2014 để các nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc khai mạc Hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng các đồng chí Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia; đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực GTVT, lĩnh vực y tế, các chuyên gia về ATGT đường bộ từ các tổ chức phi chính phủ... đã đến tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan ở Trung ương và địa phương, trong những năm gần đây, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, TNGT liên tiếp giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng tình hình TNGT hiện nay vẫn đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ, trăn trờ. Trong năm 2014, dù TNGT đã giảm cả 3 tiêu chỉ nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe công ten nơ. TNGT trên địa bàn nông thôn vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện chưa đạt kết quả như mong muốn. Năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông, hiệu quả của công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế...
“Đây là những thách thức đặt ra cho công tác bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Trong bối cảnh nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, phương tiện cơ giới ngày càng gia tăng, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, trong thời gian tới, chúng ta cần phải có thêm nhiều nỗ lực, cố gắng hơn nữa để tiếp tục kiềm chế TNGT”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị tại Hội nghị các nhà khoa học, các chuyên gia tăng cường hợp tác, trao đổi với Ủy ban ATGT quốc gia trên tinh thần độc lập, khách quan để cung cấp những phản biện mang tính xây dựng, đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời mong muốn Hội nghị này sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học quốc tế, mang những kinh nghiệm, bài học thành công của các nước đến với Việt Nam; chia sẻ với bạn bè quốc tế về những kết quả bảo đảm ATGT của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan chủ động trao đổi, làm việc và trân trọng lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, dù có thể có những ý kiến khác biệt với quan điểm của nhà quản lý. Từ đó, chọn lọc những quan điểm, giải pháp hợp lý, những tri thức mới nhất để đưa vào chương trình hoạt động, xây dựng chính sách về bảo đảm trật tự an ATGT.
“Chính phủ luôn ủng hộ, tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu những dự án, đề tài có giá trị thực tiễn để giải được những “bài toán” về quản lý ATGT đang đặt ra hiện nay, góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giao thông; các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với các nhà quản lý, các nhà khoa học để chọn lọc và chuyển tải những thông tin cần thiết về ATGT đến cộng đồng” - Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay, TNGT đang là vấn đề bức xúc của xã hội mang tính toàn cầu, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm khoảng 1,3 triệu người chết, 50 triệu người bị thương vì TNGT đường bộ, gây thiệt hại ước tính khoảng 3% GDP của toàn thế giới.
Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT liên tục được kéo giảm trong 3 năm gần đây, năm 2012 và 2013 là hai năm liên tiếp số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 10.000 người, đặc biệt năm 2014 số người chết vì TNGT đã giảm xuống dưới 9.000 người, so với năm 2011, sau ba năm chúng ta đã kéo giảm được số người chết vì TNGT xuống con số 2.399 người/năm, đây là những con số hết sức có ý nghĩa.
Tuy nhiên, đứng trước những vấn đề thực tiễn về trật tự ATGT tại nước ta hiện nay, chúng ta vẫn phải suy nghĩ, phải trăn trở và tiếp tục phải cố gắng nhiều hơn… Trong năm 2015 và những năm tiếp theo để hoàn thành nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 87 của Quốc hội khóa XIII về bảo đảm trật tự ATGT năm 2015 là giảm TNGT từ 5 đến 10% trên cả ba tiêu chí và ở tất cả các địa phương. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà đặc biệt cần có sự vào cuộc quyết liệt và hiệu quả của các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc nghiên cứu và ứng dụng những giải pháp khoa học, những thành tựu công nghệ mới trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm; đề xuất những ý tưởng mới về lĩnh vực đảm bảo ATGT nói chung và lĩnh vực GTVT nói riêng; đồng thời cũng là cơ hội để phát triển các mối quan hệ, hợp tác trong nghiên cứu vì sự phát triển chung của ngành GTVT. Các kết quả nghiên cứu sẽ được Ủy ban ATGT Quốc gia chọn lọc, sử dụng trong quá trình xây dựng các kế hoạch, chiến lược bảo đảm ATGT trong năm 2015 và các năm tiếp theo. vTại Hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan trao đổi, thảo luận tập trung vào 5 chủ đề chính: Quản lý An toàn giao thông; Hạ tầng và tổ chức giao thông; Phương tiện giao thông; Người tham gia giao thông; Ứng phó sau tai nạn giao thông. Đặc biệt, trong Hội thảo có hai bài trình bày quan trọng liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ và thông tin trong bảo đảm ATGT. Cụ thể, Định hướng về nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT tại Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2020; Định hướng ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo trật tự ATGT giai đoạn 2015 - 2020.
Theo MT.gov.vn