TIN TỨC TRONG NGÀNH
Xử lý mạnh tay trường hợp “ỉm” thông tin xe lỗi
lap rap o to
Dây chuyền lắp ráp ô tô.

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông về những nghi ngại quanh việc một số doanh nghiệp đã và có thể sẽ “lờ” đi việc triệu hồi xe lỗi kỹ thuật hoặc tiến hành triệu hồi kiểu cho có và kém hiệu quả.

Thưa ông, khi có thông tin xe lỗi ở nước ngoài trùng thương hiệu và dòng sản phẩm với Việt Nam, Cục ĐKVN vào cuộc như thế nào?


Ngay khi nhận được thông tin triệu hồi sản phẩm tương tự, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ gửi thông tin đến các cơ sở sản xuất (CSSX) bằng văn bản và yêu cầu trả lời cụ thể các vấn đề liên quan đến chương trình triệu hồi đã công bố đối với các dòng xe tương tự đang sản xuất hoặc phân phối tại Việt Nam.

Một số chiến dịch triệu hồi tại Việt Nam đã được triển khai từ thông tin liên quan đến xe ở thị trường nước ngoài. Chẳng hạn, qua thông tin phản ánh, Cục ĐKVN đã yêu cầu Công ty GM xem xét vấn đề liên quan đến loại xe đang sản xuất, lắp ráp trong nước về lỗi “Kiểm tra, thay thế cụm van điều khiển phanh ABS”. Sau đó công ty này đã nhận được chỉ thị từ công ty mẹ về triệu hồi liên quan đến sản phẩm sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Có hay không chuyện doanh nghiệp tìm cách ỉm các thông tin xe lỗi và Cục ĐKVN sẽ xử lý thế nào khi doanh nghiệp cố tình giấu thông tin triệu hồi hoặc thực hiện triệu hồi kém hiệu quả?


Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp đã có ý thức hơn trước trong việc triệu hồi các sản phẩm bị lỗi kỹ thuật.

Nếu phát hiện các CSSX cố tình ỉm thông tin xe lỗi hoặc tìm cách không thực hiện triệu hồi sản phẩm thì tùy theo mức độ vi phạm, Cục ĐKVN sẽ thực hiện đình chỉ hiệu lực giấy chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xử phạt các CSSX cố tình che giấu thông tin về lỗi kỹ thuật hoặc không thực hiện triệu hồi sản phẩm theo đúng các quy định.

Thông thường một chiến dịch triệu hồi được thực hiện như thế nào, thưa ông?


Kể từ khi nhận được kế hoạch triệu hồi của CSSX, Cục ĐKVN tiến hành xem xét đánh giá và phê duyệt chương trình triệu hồi trong vòng không quá 5 ngày.

Trường hợp sau khi xem xét, nếu thấy một số thông tin cần phải yêu cầu bổ sung, sửa đổi hoặc làm rõ các vấn đề liên quan đến kỹ thuật thì sẽ yêu cầu CSSX hoặc thương nhân nhập khẩu bổ sung, làm rõ các thông tin liên quan đến chương trình triệu hồi để phê duyệt. Đối với các trường hợp này thì thời gian phê duyệt có thể kéo dài hơn tính từ thời điểm nộp thông báo lần đầu tiên.

Sau khi chương trình được phê duyệt, CSSX sẽ tiến hành thực hiện sửa chữa, khắc phục các xe bị lỗi kỹ thuật. Sau 30 ngày kể từ khi hoàn tất việc triệu hồi, CSSX phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc triệu hồi tới cơ quan quản lý.

Cục ĐKVN theo dõi, đánh giá hiệu quả một chiến dịch triệu hồi thế nào?


Theo quy định, sau khi chương trình triệu hồi được phê duyệt, CSSX hoặc thương nhân nhập khẩu sẽ phải báo cáo định kỳ ít nhất ba tháng một lần việc thực hiện triệu hồi sản phẩm theo kế hoạch.

Hiện nay, Cục ĐKVN thường xuyên trao đổi, nhắc nhở các CSSX báo cáo kết quả thực hiện chương trình triệu hồi theo đúng quy định. Những chiến dịch triệu hồi đạt hiệu quả là những chiến dịch có báo cáo xin kết thúc chương trình triệu hồi theo quy định.

Hiệu quả của các chiến dịch triệu hồi ở Việt Nam từ trước tới nay ra sao?


Tổng số chương trình đã được phê duyệt tính từ năm 2011 là 28. Sau thời gian thực hiện, tới nay mới có 8 chương trình đã báo cáo xin kết thúc. Có 10 chương trình đạt kết quả từ 50 - 80%. Còn một số chương trình triệu hồi mới phê duyệt trong năm 2015 nên chưa có kết quả báo cáo từ CSSX và một số chương trình đạt kết quả dưới 50%.

Đối với chương trình chưa đạt kết quả như mong muốn, Cục ĐKVN cũng đã đề nghị CSSX tìm cách liên hệ với chủ xe để đưa xe đến thực hiện chương trình triệu hồi nhằm tăng cường kết quả thực hiện.

Cục Đăng kiểm có khuyến cáo gì để nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong vấn đề triệu hồi?


Hiện nay, dù người tiêu dùng đã có ý thức hơn trong việc đưa xe đến sửa chữa khắc phục nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong việc thông tin tới chủ xe hoặc đề nghị chủ xe đưa xe đến khắc phục do thay đổi thông tin liên quan đến chủ xe chưa được quản lý tốt hoặc xe thay đổi qua nhiều chủ sở hữu.

Liên quan đến vấn đề của TMV do kỹ sư Lê Văn Tạch phản ánh từ thời điểm 18/4/2011, theo ông Nguyễn Tô An, Cục ĐKVN đã có nhiều buổi làm việc với TMV và riêng kỹ sư Lê Văn Tạch để đánh giá thông tin theo các vấn đề trong thư phản ánh.

Sau khi làm việc với các bên, Cục ĐKVN đã yêu cầu TMV tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, kiểm tra và thiết bị phục vụ sản xuất của nhà máy. Đồng thời, yêu cầu TMV tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản phẩm và phòng ngừa các lỗi chưa phù hợp.

Một số chủ xe vì lý do kinh tế (ảnh hưởng đến công việc khai thác) hoặc không quan tâm đến an toàn nên không đưa xe đến khắc phục, sửa chữa theo các chương trình triệu hồi... Ngoài ra, còn có trường hợp do lỗi đơn giản hoặc chủ xe tự khắc phục sau khi phát hiện ra trong quá trình sử dụng.

Qua đây, Cục ĐKVN cũng đề nghị các xe thuộc chương trình triệu hồi (CSSX đã công bố và được phê duyệt) cần mang xe đến các đại lý ủy quyền của nhà SXLR để được kiểm tra, khắc phục theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng xe. Đối với các CSSX, thương nhân nhập khẩu xe, cần đưa thông tin về chương trình triệu hồi đến với người sử dụng xe theo nhiều phương thức khác nhau như qua báo chí, truyền hình,...

Về phía Cục ĐKVN, đối với các chương trình triệu hồi của các xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đã được phê duyệt, khách hàng có tham khảo thông tin trên trang thông tin điện tử của Cục ĐKVN (www.vr.org.vn) tại mục “Thông tin triệu hồi XCG” và đối với các chương trình triệu hồi được phê duyệt, Cục ĐKVN cũng sẽ truyền tải thông qua Báo Giao thông.

Cảm ơn ông!

LVL(Theo baogiaothong.vn)

  • Anh6