Xuất phát từ đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện, ngày 25/4/1964, Bộ trưởng Bộ GTVT ký Quyết định số 345-TL thành lập Ty Đăng kiểm trực thuộc Bộ GTVT.
Theo quyết định, từ 1/7/1964, Ty Đăng kiểm chính thức đi vào hoạt động, trụ sở đóng tại số nhà 12 Điện Biên Phủ, TP Hải Phòng, với một tập thể gồm 23 người, trong đó 17 người là cán bộ kỹ thuật, chia thành bốn phòng chức năng: Phòng Tiêu chuẩn, Kiểm nghiệm, Nồi hơi, Nhân chính. Ra đời trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, với nguồn nhân lực rất mỏng, nhưng nhiệm vụ quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện vận tải đường thủy được Ty Đăng kiểm triển khai trên hầu khắp các địa bàn của miền Bắc. Từ năm 1964 - 1975, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ác liệt và đất nước được giải phóng, Ty Đăng kiểm đã biên soạn, đưa vào áp dụng một số tiêu chuẩn quan trọng và quy trình kiểm tra kỹ thuật tàu thủy và đã kiểm tra được gần 12 nghìn phương tiện vận tải thủy.
Giai đoạn 1975 - 1979, Ty Đăng kiểm tiếp quản công tác Đăng kiểm của chính quyền cũ và thành lập Ty Đăng kiểm miền Nam Việt Nam. Thời kỳ này, Ty Đăng kiểm có 5 phòng chuyên môn kỹ thuật và 8 chi nhánh. Ngày 19/7/1979, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 267/CP chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục Đăng kiểm VN.
Thời kỳ 1980-1989 là giai đoạn Đăng kiểm VN tiếp cận, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cục Đăng kiểm VN trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đăng kiểm các nước XHCN (OTHK), hiệp hội này qua bao thăng trầm vẫn tồn tại cho đến ngày nay và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Giai đoạn 1990 -2015 là sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Cục Đăng kiểm VN. Năm 1990, Bộ luật Hàng hải Việt Nam đầu tiên ra đời đã quy định Cục Đăng kiểm VN chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm đối với đội tàu biển VN. Năm 1992, Cục được giao nhiệm vụ kiểm tra và chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các công trình thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí biển.
Năm 1995, Cục được giao nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Từ tháng 6 - 8/1995, 75 trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên cả nước đã đi vào hoạt động. Đến nay, mạng lưới kiểm định xe cơ giới đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố.
Năm 1998, Cục Đăng kiểm VN bắt đầu triển khai công tác đăng kiểm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp mới xe cơ giới đường bộ và nhập khẩu. Tháng 7/2003, Bộ GTVT tiếp tục giao Cục Đăng kiểm VN tổ chức công tác đăng kiểm phương tiện, thiết bị GTVT đường sắt.
Như vậy, từ khi thành lập năm 1964 đến năm 2003, Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Cục Đăng kiểm VN nhiệm vụ đăng kiểm, quản lý kỹ thuật toàn bộ các phương tiện, thiết bị GTVT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và các công trình dầu khí biển trên cả nước. Từ chỗ chỉ có bốn phòng chuyên môn, nghiệp vụ, giờ đây hệ thống tổ chức Cục Đăng kiểm VN bao gồm 21 phòng, trung tâm có chức năng tham mưu giúp việc Cục trưởng và 42 chi cục, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trực thuộc phân bố trên cả nước, từ địa đầu Móng Cái đến đất Mũi Cà Mau.
LVL(Theo baogiaothong.vn)