Lúc này đang là cao điểm của thời tiết nắng nóng nên nguy cơ cháy xe rất cao nhất là đối với các xe di chuyển đường dài, liên tục phải vận hành.
Chỉ riêng trong ngày 20/6 đã xảy ra tới 2 vụ cháy xe khách trơ khung. Nhiều người thắc mắc, nguyên nhân vì đâu xe khách, đặc biệt là xe khách giường nằm dễ cháy đến vậy?
Lúc này đang là cao điểm của thời tiết nắng nóng nên nguy cơ cháy xe rất cao nhất là đối với các xe di chuyển đường dài, liên tục phải vận hành.
Còn theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), hiện nay, thời tiết cao điểm của nắng nóng nên nguy cơ cháy xe rất cao nhất là đối với các xe di chuyển đường dài, liên tục phải vận hành.
Một ngày 2 vụ cháy xe khách
Khoảng 19h30 ngày 20/6, trên đường Vành đai 3, đoạn gần Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), xảy ra vụ cháy ô tô khách loại 45 chỗ. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn trên xe không có hành khách. Tài xế sau khi phát hiện lửa bốc cháy đã nhanh chóng rời khỏi xe nên đảm bảo an toàn. Sự việc ngay lập tức được trình báo lên cơ quan chức năng.
Hiện trường vụ xe khách 45 chỗ bốc cháy trên đường Vành đai 3 tối 20/6.
Nhận tin báo, đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Hoàng Mai huy động 2 xe chữa cháy cùng cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.
Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ chiếc xe. Sự việc khiến nhiều người chứng kiến hoảng hốt, bên cạnh đó, giao thông cũng rơi vào tình trạng ách tắc, ùn ứ.
Trước đó, cùng ngày, vụ việc tương tự cũng xảy ra với chiếc xe khách giường nằm loại 45 chỗ mang BKS 37B - 023.40 của nhà xe Ngọc Dũng lưu thông hướng Bắc - Nam. Cụ thể, khi lưu thông trên quốc lộ 1A, tới giữa cầu Nguyệt Viên (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), tài xế phát hiện khói bốc lên từ khu vực đầu xe. Do trời nắng nóng, vật dụng trên xe dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát mạnh. Sau gần 20 phút, đám cháy đã được khống chế, song ôtô bị thiêu rụi trơ khung.
Nguyên nhân do đâu?
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe phổ biến hiện nay mà nhiều tài xế nên nắm rõ để phòng tránh. Lắp thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế cho xe là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy xe. Theo thiết kế, các thiết bị này nằm ngoài sự kiểm soát của xe, dẫn đến quá tải cho hệ thống điện khi sử dụng dễ gây cháy nổ. Còn có thể do sử dụng dây điện kém chất lượng hoặc các mối nối “bất cẩn” cũng dẫn đến nguy cơ chập cháy cao.
Một vụ cháy tương tự xảy ra với chiếc xe khách giường nằm trên quốc lộ 1A đoạn qua TP Thanh Hóa sáng 20/6.
Nguyên nhân gây cháy xe thứ 2 là do yếu tố con người. Nhiều người có thói quen “lười” bảo dưỡng xe hoặc không để ý đèn cảnh báo, “tiếc” một số tiền nhỏ để rồi lãnh hậu quả to lớn, khiến “xế cưng” tiềm tàng nguy cơ cháy nổ. Các chi tiết phụ tùng hư hại, gỉ sét,… không được khắc phục và bảo dưỡng kịp thời sẽ làm giảm khả năng vận hành của xe, thậm chí biến chiếc xe trở thành “miếng mồi béo bở” cho “bà hỏa”.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, nguyên nhân gây cháy nổ trên các dòng xe khách, đặc biệt xe giường nằm đó chính là sự có mặt của nhiều vật liệu dễ cháy trên xe như xốp cách nhiệt, đệm mút, chăn, gối. Khác với xe khách ghế ngồi thường có thiết kế thoáng rộng, xe khách giường nằm có hệ thống giường đệm san sát nên khả năng cháy lan rất cao. Do thiết kế đặc thù, hầu hết các xe giường nằm chỉ có 1 cửa lên xuống khiến cho việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn thêm khó khăn.
Cục đăng kiểm khuyến cáo gì?
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có những lý giải nguyên nhân và đưa ra các khuyến cáo đối với chủ xe và người lái ô tô, xe máy.
Nội thất 1 chiếc xe giường nằm với nhiều vật liệu dễ cháy và trên trần xe được "độ" thêm dàn đèn led.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới - VAQ (Cục đăng kiểm Việt Nam) cho biết, sau một thời gian dài tạm lắng, thời gian gần đây các vụ cháy xe ô tô, xe máy đã xuất hiện trở lại. Các vụ cháy đang được cơ quan chức năng tích cực xem xét, xác định nguyên nhân.
Hiện nay, thời tiết đang ở cao điểm của nắng nóng nên nguy cơ cháy rất cao, nhất là đối với các xe đường dài phải liên tục vận hành trong điều kiện nhiệt độ cao (xe khách giường nằm, xe khách chạy liên tỉnh…).
Để ngăn ngừa, hạn chế việc cháy xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện cần đặc biệt lưu ý 5 vấn đề sau:
1. Thận trọng, không chủ quan khi chở hàng hóa trong hầm hàng, khoang hành lý, đặc biệt khi chở xe máy phải đảm bảo không còn nhiên liệu rò rỉ có thể gây cháy.
2. Thận trọng khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ, rác nilon… Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp cháy xe do đi qua các khu vực phơi nhiều rơm rạ.
3. Chú ý bảo dưỡng xe định kỳ đảm bảo xe luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt, đặc biệt không nên độ chế, lắp thêm các thiết bị vào hệ thống điện của xe (đèn, loa, tủ lạnh…) không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất xe;
4. Kiểm tra tình trạng xe trước mỗi chuyến đi, không bơm lốp quá căng. Hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao (cần có thời gian nghỉ phù hợp).
5. Sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn tại các cây xăng, trạm nhiên liệu hợp pháp; không sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc./.
Tác giả: P. Long