Bộ GTVT vừa có văn bản đề xuất cho phép loại hình vận tải khách bằng xe điện 4 bánh chính thức hoạt động...
Ảnh: Xe điện cho khách du lịch ngày càng phổ biến nên cần cơ chế quản lý thống nhất
Bộ GTVT vừa có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép loại hình vận tải khách bằngxe điện 4 bánh chính thức hoạt động phục vụ du lịch, kết nối với phương tiện vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Phục vụ du lịch, kết nối vận tải đô thị
Loại hình vận tải khách du lịch bằng xe điện 4 bánh (thuật ngữ chuyên ngành là phương tiện 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện, mỗi xe chở được khoảng 10 người) xuất hiện đầu tiên vào năm 2010 tại Hà Nội. Các xe này hoạt động trên một số tuyến đường tại quận Hoàn Kiếm, sau đó được mở rộng thêm sang quận Tây Hồ, CHK quốc tế Nội Bài.
Sau đó, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có 13 tỉnh, thành trên cả nước cho phép thí điểm loại xe này hoạt động tại các khu du lịch, với tổng số hơn 1.400 xe. Theo Bộ GTVT, sau 6 năm thí điểm, loại hình vận tải này được du khách đón nhận và có nhiều ưu điểm như: Đảm bảo an toàn (chưa xảy ra vụ tai nạn nào gây thương tích), tạo sự văn minh (thay thế xích lô, xe ôm) và thân thiện với môi trường (ít gây ô nhiễm, tiềng ồn nhỏ)...
Vì thế, mới đây Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép loại hình xe điện 4 bánh (hoặc động cơ xăng đối với vùng đảo, hải đảo) được hoạt động chính thức trong khu vực hạn chế tại các tỉnh, thành phố: Khu phố cổ, khu du lịch, di tích lịch sử theo tuyến đường và phạm vi cố định để chở khách du lịch; Khu vực cảng hàng không; hoạt động kết nối phương tiện vận tải hành khách đô thị khối lượng lớn.
Trong đó, UBND cấp tỉnh thực hiện việc quy định phạm vi khu vực hạn chế, tuyến đường, số lượng xe được phép đầu tư, hoạt động tại địa phương nhằm đảm bảo phù hợp nhu cầu, cũng như không ảnh hưởng đến TTATGT đô thị. Bộ Tài chính bổ sung danh mục và mức tính các loại thuế (thấp hơn mức so với ô tô), phí liên quan đến xe điện 4 bánh.
Điểm đáng chú ý, trong đề xuất mới đây của Bộ GTVT, bên cạnh chính thức cho phép xe điện 4 bánh hoạt động du lịch, còn dùng trong kết nối các phương tiện vận tải hành khách đô thị khối lượng lớn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đề xuất trên nhằm tạo thêm phương thức kết nối vận tải hành khách trong đô thị. Nếu được chấp thuận, Bộ GTVT sẽ xây dựng đề án chi tiết về hoạt động của phương thức vận tải này.
Được biết, các bộ, ngành và nhiều địa phương trước đó đều thống nhất đề nghị đưa xe điện 4 bánh (hoặc chạy bằng xăng sinh học) vào chính thức hoạt động trong phạm vi hạn chế để vận chuyển khách du lịch.
Để tháo gỡ vướng mắc trong quản lý xe điện 4 bánh, Bộ GTVT đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính bổ sung danh mục và mức tính các loại thuế đối với xe điện 4 bánh (không áp bằng mức với ô tô); Mức thu phí, lệ phí kiểm định, phí bảo trì đường bộ; Xây dựng và kê khai giá đối với các loại phương tiện này.
Đề nghị cơ chế tháo gỡ vướng mắc:
Dù xe điện 4 bánh đã được người dân đón nhận nhiệt thành, tuy nhiên cả cơ quan quản lý Nhà nước và DN, chủ phương tiện hiện vẫn gặp khó trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, áp các loại thuế, phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, giá cước vận tải…
Một trong những nguyên nhân là do trong Luật GTĐB chưa đề cập đến phương tiện này. Cùng đó, tại nhiều địa phương dù không trong diện thí điểm nhưng vẫn để xe điện hoạt động tự phát, trong đó có nhiều xe không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện chỉ gần 300 xe có chứng nhận đăng kiểm, trong khi đại diện một số DN cho biết, do mua xe trước khi có quy định về kiểm định nên không hoàn thành được thủ tục.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, Bộ GTVT đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các phương tiện hiện đang hoạt động nhưng thiếu hồ sơ, giấy tờ được đăng kiểm, đăng ký để quản lý. Trong cuộc họp về vấn đề này do Bộ GTVT tổ chức, đại diện nhiều địa phương cũng mong Chính phủ có cơ chế tháo gỡ các tồn tại trên.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho rằng, để quản lý chặt loại xe này, cần đề nghị Chính phủ tháo gỡ cơ chế. Trong đó, có thể đề nghị giao Sở GTVT thành lập hội đồng đăng kiểm để kiểm tra chất lượng xe.
Phó cục trưởng Cục CSGT, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, số lượng xe không có đăng ký, đăng kiểm đang hoạt động lớn gấp 3-5 lần so với số được phép hoạt động thí điểm. Việc giải quyết đăng ký, đăng kiểm cho các xe này đang gặp nhiều vướng mắc do thiếu giấy tờ, nguồn gốc xe. “Để đăng ký, đăng kiểm được các xe này, cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính và đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục hiện hành”, Thiếu tướng Tuấn nói.
BVT (Nguồn: baogiaothong.vn)