BẢNG TIN THÔNG BÁO
TRIỂN KHAI DÁN THẺ E-TAG CHO CÁC PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 11475/BGTVT-CQLXD ngày 28/8/2015, văn bản số 637/BGTVT-CQLXD ngày 18/01/2016 về việc triển khai dán thẻ E-Tag cho các phương tiện tham gia giao thông để thực hiện dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Trên cơ sở Quyết định số 4390/QĐ-BGTVT ngày 14/12/2015 của Bộ GTVT về việc phê duyệt Đề án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc- giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn số 2648/ĐKVN-TC ngày 14/6/2016 gởi các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới triển khai ký hợp đồng, thực hiện dán thẻ E-Tag và mở tài khoản thu phí giao thông với các Nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải là Công ty CP VETC (thuộc Liên danh Nhà đầu tư TASCO-VETC).

        Chi tiết cụ thể của Dịch vụ thu phí tự động đường bộ cùng các tính năng của hệ thống thu phí tự động đường bộ VETC được giới thiệu như sau:

PHẦN 1 – GIỚI THIỆU CHUNG

I.           Giới thiệu dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC:

-          Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới thông qua thẻ định danh E-tag dán trên phương tiện, giúp phương tiện dán E-Tag khi lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng chờ thanh toán, giữ được tốc độ lưu thông ổn định và tiết kiệm nhiên liệu.

-          Công nghệ RFID đã được chứng minh có độ chính xác cao, khá phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực nhận diện điện tử và được ứng dụng cho hệ thống thu phí tự động không dừng.

II.         Tổng quan về các tính năng của hệ thống thu phí tự động đường bộ VETC:

1.          Giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt:

Việc thu phí không sử dụng tiền mặt là điều kiện cần để đảm bảo không có tiêu cực phát sinh trong quá trình thu phí, đây cũng là ưu điểm của hệ thống thu phí tự động đường bộ VETC giúp minh bạch hóa quy trình này. Vì không có vé giấy, không có hóa đơn chứng từ giấy, nên hệ thống này được trang bị thêm tính năng tạo Hóa đơn điện tử, để cung cấp hóa đơn VAT cho các chủ phương tiện.

2.          Ghi nhận giao dịch theo thời gian thực:

Khi phương tiện giao thông vào trạm thu phí, toàn bộ thông tin về giao dịch này sẽ được hệ thống phần mềm tại trạm thu phí (Front-end) ghi nhận và gửi ngay về trung tâm dữ liệu tập trung (Data Center). Các thông tin về hình ảnh xe vào trạm cũng được gửi kèm với thông tin giao dịch.

3.          Tự động phát hiện sai sót, gian lận:

Thông tin về phương tiện giao thông, chủ sở hữu phương tiện khi đăng ký sử dụng dịch vụ sẽ được lưu trữ đầy đủ tại trung tâm dữ liệu. Hệ thống phần mềm sẽ sử dụng các dữ liệu này để tự động rà soát, đối chiếu tất cả thông tin được gửi lên từ trạm thu phí để đảm bảo các giao dịch là hợp lệ; đồng thời phát hiện các trường hợp gian lận mức phí do thay đổi biển số, loại xe…

4.          Hỗ trợ hậu kiểm, điều tra nhanh chóng:

-          Đối với mỗi giao dịch phát sinh, ngoài thông tin của chính giao dịch, hệ thống tại trạm thu phí còn lưu lại đầy đủ thông tin hình ảnh xe vào trạm, xe trong làn, video toàn cảnh...

-          Dữ liệu này được gắn với từng giao  dịch, hỗ trợ các đơn vị hậu kiểm dễ dàng, điều tra các giao dịch bất thường.

5.          Cung cấp các công cụ giám sát, báo cáo cho các chủ thể liên quan :

Ngoài các Hệ thống phần mềm tại trạm thu phí cũng như tại trung tâm dữ liệu, hệ thống thu phí tự động đường bộ VETC còn có các cổng thông tin (portal) phục vụ 3 chủ thể liên quan là Nhà đầu tư BOT, Chủ phương tiện và Cơ quan QLNN. Các cổng thông tin này đều hỗ trợ người dùng theo dõi trực tuyến các giao dịch phát sinh cung cấp nhiều báo cáo và các công cụ tra cứu, giám sát và nhiều tiện ích khác.

6.          Hoạt động của hệ thống xử lý giao dịch tại trạm thu phí

-          Mỗi phương tiện giao thông đăng ký dịch vụ thu phí tự động đường bộ sẽ được cấp phát 1 thẻ E-tag (thẻ được dán trên kính xe hoặc đèn trước xe) gắn với một tài khoản thu phí tự động đường bộ được cấp cho chủ phương tiện và có thể Topup (nạp tiền) vào tài khoản này rất dễ dàng thông qua nhiều kênh nạp tiền.

-          Khi phương tiện di chuyển vào làn thu phí ETC, hệ thống ăng-ten sẽ gửi tín hiệu để đọc mã định danh trên thẻ E-tag của phương tiện, hệ thống sẽ xác định tình trạng hợp lệ của thẻ. Nếu thẻ không hợp lệ, sẽ không áp dụng thu phí tự động cho phương tiện này. Nếu thẻ hợp lệ, thông tin thẻ eTag và một số thông tin khác sẽ được gửi lên hệ thống Back-End đặt tại TTDL để kiểm tra số dư tài khoản của Khách hàng cũng như thông tin về phương tiện. Nếu số dư đủ để thanh toán phí giao dịch qua trạm, hệ thống barrier sẽ tự động mở để cho phép phương tiện đi qua. Tài khoản giao thông sẽ bị trừ tiền, hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông tin chi tiết về giao dịch cho số điện thoại của Khách hàng (nếu Khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn). Thông tin về giao dịch sẽ được ghi nhận tại cả hệ thống phần mềm tại TTP (Front-End) và cả hệ thống phần mềm tại TTDL (Back-End).

Hình ảnh minh họa hoạt động của hệ thống xử lý tại trạm thu phí

 

PHẦN 2 –TÀI KHOẢN THU PHÍ TỰ ĐỘNG ĐƯỜNG BỘ VÀ THẺ E-TAG

I.           Tài khoản thu phí tự động đường bộ:

1.          Giới thiệu tài khoản giao thông:

-          Tài khoản thu phí tự động đường bộ là tài khoản do khách hàng là chủ phương tiện xe cơ giới đăng ký mở để sử dụng dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC. TK này có tính bảo mật cao dùng để quản lý thông tin khách hàng và giúp khách hàng quản lý thông tin giao dịch của phương tiện khi đi qua trạm thu phí.

-          TK thu phí tự động đường bộ  được mở tại các Điểm dịch vụ VETC, là các Trung tâm đăng kiểm ký hợp tác với VETC, các Trạm thu phí kết nối với hệ thống thu phí tự động VETC và các Điểm dịch vụ cố định/lưu động do VETC triển khai. Mỗi TK được mở cho duy nhất một khách hàng đăng ký và được sử dụng để thanh toán cho một hoặc nhiều phương tiện xe cơ giới theo yêu cầu của chủ tài khoản.

2.          Các bước mở tài khoản thu phí tự động đường bộ:

-          Bước 1: Chủ phương tiện (khách hàng – KH) đến Điểm dịch vụ VETC đăng ký mở tài khoản thu phí tự động đường bộ  bằng cách điền vào mẫu phiếu thông tin (mẫu in sẵn) và chuyển cho Nhân viên nghiệp vụ (NVNV) làm căn cứ mở TK ETC;

-          Bước 2: NVNV tiến hành nhập thông tin KH và thông tin phương tiện của KH, sau đó in ra bản cứng Giấy đề nghị để dán mã vạch và kích hoạt mã thẻ. Hệ thống tin nhắn SMS sẽ tự động nhắn tin thông báo số tài khoản thu phí tự động đường bộ cho KH đã được mở thành công.

-          Bước 3: Dán phần mã thẻ E-tag lên Giấy đề nghị của KH (phần có mã vạch trên thẻ E-tag) và thực hiện kích hoạt mã thẻ vào TK thu phí tự động đường bộ.

II.         Thẻ định danh E-Tag:

1.          Giới thiệu thẻ E-tag:

-          Thẻ định danh E-tag là loại thẻ dán trên mỗi phương tiện cơ giới và được gắn với một mã (mã vạch) định danh cho phương tiện đó. Cấu trúc thẻ E-tag bao gồm chip nhớ để lưu mã định danh của phương tiện và mạch ăng-ten để nhận tín hiệu từ thiết bị đầu đọc đặt tại trạm thu phí.

-          Thẻ E-tag có kích thước nhỏ gọn, gồm 2 loại để sử dụng dán lên phương tiện xe cơ giới bao gồm thẻ dán lên kính và thẻ dán đèn. Mỗi thẻ E-tag được thiết kế có hai phần độc lập, một phần dán trên phương tiện và một phần được lưu lại để kích hoạt vào tài khoản giao thông để quản lý.

-          Thẻ E-tag sau khi dán lên phương tiện giao thông nếu cố tình hay vô ý bóc ra khỏi xe sẽ không thể sử dụng được hoặc không thể tái sử dụng.

2.          Các bước dán thẻ E-tag:

-          Bước 1: Nhân viên dán thẻ sử dụng thiết bị đọc thẻ để kiểm tra hoạt động của thẻ E-Tag (dán kính) trước khi dán;

-          Bước 2: Dùng thiết bị đọc thẻ kết hợp với thẻ E-tag (đã được kiểm tra) để xác định tính kim loại trên kính phương tiện;

-          Bước 3.1: Trường hợp kính xe không có tính kim loại thì tiến hành dán thẻ bằng cách vệ sinh vị trí dán thẻ, đặt tool định vị vị trí dán thẻ lên kính phía bên ghế phụ và dán phần thẻ có mạch ăngten vào mặt trong kính xe;

-          Bước 3.2: Trường hợp kính xe có tính kim loại thì chuyển sang dán thẻ E-tag  lên đèn trước xe phía bên ghế phụ, bằng cách vệ sinh bề mặt đèn xe, kiểm tra thẻ dán đèn trước khi dán, sau đó dán phần thẻ có mạch ăng-ten lên đèn xe;

-          Bước 4: Kiểm tra lại hoạt động của thẻ sau khi dán (trên kính hoặc trên đèn) lên phương tiện. (Phần còn lại có mã vạch của thẻ E-tag sẽ được dán lên Giấy đề nghị để kích hoạt).

BVT.

 

  • Anh6