Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại Hội nghị triển khai kiểm soát tải trọng xe, chiều 19/9 tại Hà Nội. Dự Hội nghị có đông đảo lãnh đạo các Sở GTVT; các Cục quản lý chuyên ngành, các cơ quan tham mưu của Bộ và đặc biệt là lực lượng Thanh tra giao thông Bộ và các địa phương.
Ảnh: Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định việc kiểm soát tải trọng xe trong thời gian qua đã có tác dụng rất lớn, lượng xe quá tải trọng giảm mạnh. “Tuy nhiên, nếu lơ là, hiện tượng này sẽ quay trở lại, bùng phát hơn trước, phá nát hạ tầng đường bộ, mất ATGT đồng thời không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Để giải quyết được điều này là rất khó nhưng 1 năm không làm được thì làm liên tục 2 năm, 5 năm hay 10 năm thì cũng phải làm cho kỳ được”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cương quyết.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho biết, mục tiêu đến năm 2016 phải cơ bản giải quyết xong xe quá tải trọng là một nhiệm vụ bắt buộc. Muốn vậy, các cơ quan của ngành GTVT phải nâng cao vai trò của từng ngành chức năng để thực hiện cho tốt nhiệm vụ.
“Ngoài lực lượng của Bộ thì nòng cốt từ địa phương là rất quan trọng, từ Tỉnh đén huyện, xã, nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương thì không thể hoàn thành nhiệm vụ này. Cũng rất may, trong thời gian qua, nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch các địa phương cũng trực tiếp quan tâm, có chỉ đạo kịp thời nên tình hình tương đối được cải thiện”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Qua Hội nghị này, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đồng chí trong lực lượng Thanh tra giao thông; Sở GTVT các địa phương xốc lại, rà soát lại công tác kiểm tra tải trọng xe một cách cụ thể, khoa học, có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phù hợp với địa phương mình, xem việc nào cần sự hỗ trợ của Bộ, của các đơn vị liên quan để từ đó đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo có chỉ đạo kịp thời và triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng xe, trong đó tập trung vào trách nhiệm của từng cấp, ngành một cách cụ thể, trả lời được rõ ràng ai, bộ phận nào làm việc gì? Vai trò địa phương ở đâu? Vai trò của các ban ngành ở đâu.
“Dự thảo này phải trình trong tháng 9 để tháng 10/2016 triển khai tới tất cả các địa phương, tập trung cho 3 tháng cuối năm, là thời gian cao điểm mà đối tượng xe quá tải hoành hành”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông nâng cao nghiệp vụ, nâng cao đạo đức người thi hành công vụ khi thực hiện nhiệm vụ bằng cách ban hành Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thanh tra có điều kiện trau dồi nghiệp vụ, trao đổi chuyên môn để tìm được phương án tối ưu nhất cho khu vực, địa phương mình.
Ảnh: Đông đảo đại biểu dự Hội nghị
“Trong thời gian qua có những cá nhân, tổ chức đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, vi phạm nội quy, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Ngành GTVT nói chung, lực lượng Thanh tra giao thông nói riêng trước nhân dân, việc này cần chấm dứt”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.
Cũng tại Hội nghị bàn giải pháp, kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trong thời gian tới do Bộ GTVT tổ chức chiều 19/9, đã có gần 10 ý kiến của lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT; đại diện các Sở GTVT, các cơ quan tham mưu của Bộ đưa ra những hiện trạng công tác này cũng như các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực thi công vụ.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 2 năm phối hợp công tác kiểm soát tải trọng xe giữa Bộ GTVT và Bộ Công an vừa được tổ chức trung tuần tháng 8/2016, các báo cáo cho thấy qua hơn 2 năm thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về kiểm soát tải trọng phương tiện, đến nay, tình trạng phương tiện chở quá tải trọng đã giảm cơ bản (giảm trên 90% so với thời điểm trước ngày 01/4/2014), góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, cơ cấu lại thị phần vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đặc biệt là bảo vệ được kết cấu hạ tầng giao thông.
Tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện tuy đã được kiểm soát, tuy nhiên, trong 2 năm qua, tỷ lệ giữa số phương tiện vi phạm chở quá tải trọng được phát hiện trên tổng số phương tiện đưa vào kiểm tra là rất thấp, riêng trong năm 2015 nhiều nơi có tỷ lệ dưới 10%, thậm chí có nơi chỉ đạt dưới 6%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn một số tồn tại hạn chế, trong thời gian tới công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vẫn tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục và cần được cả Hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân vào cuộc.
Do đó, việc tổ chức Hội nghị triển khai kiểm soát tải trọng xe trong thời gian tới nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới công tác KSTTX cần được tiếp tục duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn một cách bền vững, phấn đấu đến hết năm 2016 cơ bản chấm dứt tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KSTTX, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của lái xe, chủ xe, chủ hàng và doanh nghiệp; coi nhiệm vụ KSTTX nhằm góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan nhà nước có chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp; Việc kiểm soát tải trọng xe phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng, bảo đảm nghiêm minh, chính xác, hiệu quả và không gây cản trở, ùn tắc giao thông. Nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải…
BVT (nguồn: mt.gov.vn)