Trong quá trình ôtô vận hành, nước trong két có thể vượt quá 100 độ C. Nếu cứ tiếp tục chạy, động cơ có thể bị vỡ hoặc giảm đáng kể tuổi thọ. Song nếu xử lý không đúng cách sẽ để lại những tổn thương vĩnh viễn cho máy hoặc két nước.
Nước trong két bị sôi là do động cơ quá nóng. Khi đó, phải dừng xe, đưa về số không, cho máy chạy chậm ở chế độ không tải, lập tức mở hoàn toàn cửa lá sách phía trước két nước. Đồng thời mở nắp máy cho gió lùa vào. Khi thấy nước không còn sôi nữa (tức đồng hồ đã chỉ dưới 90 độ C), có thể tắt máy và đổ thêm nước một cách từ từ (chú ý đổ nước sạch).
Nếu nước đang sôi mà bạn đổ nước lạnh vào ngay có thể làm nứt xilanh, pít-tông hoặc làm xịt gioăng quy-lát, những pan rất khó khắc phục trên đường. Khi mở nắp két nước để rót nước vào cũng phải cẩn thận đề phòng nước và hơi nước nóng phụt ra làm bỏng, nhất là vào mắt và mặt.
Rót nước vào két nước đang rất nóng cũng phải cẩn thận. Lúc đầu phải rót thật chậm, nếu rót ào ào vào sẽ làm cho nước sôi trong két phụt ra tung tóe gây bỏng cho người xung quanh và làm bẩn máy.
Khi muốn thay nước trong két, trước hết đổ đầy nước vào két, sau đó mở van xả phía dưới két cho nước chảy ra, đồng thời rót tiếp nước lạnh vào. Không được xả hết nước nóng trong máy rồi lại liền sau đó trút ngay nước lạnh vào. Làm như vậy có thể làm nứt máy hoặc làm nổ két nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng máy bị “sôi nước”. Trong khi vận hành, nhất là vào mùa hè, nếu nhiệt độ làm việc của động cơ quá cao (đồng hồ chỉ nhiệt độ từ 100 độ C trở lên và phát hiện có hiện tượng hơi bốc nghi ngút ở két nước). Nguyên nhân của sôi nước gồm:
– Nhiệt độ ngoài trời quá cao, không có gió thổi hoặc xe chạy theo chiều gió.
– Ôtô vận hành liên tục trong thời gian dài ở số thấp mà phụ tải đòi hỏi cao hoặc xe phải leo dốc dài, liên tục.
– Két nước bị rò chảy nên thiếu hụt nước làm mát theo yêu cầu cần có.
– Dây cu-roa kéo cánh quạt gió và két nước bị quá chùng.
– Máy bơm nước bị chảy nước hoặc không hoạt động bình thường.
– Dầu bôi trơn động cơ bị thiếu hụt hoặc ngược lại nhiều quá mức cần thiết, hoặc độ nhớt không còn đạt yêu cầu.
– Bộ chế hòa khí điều chỉnh sai, nhất là mức xăng trong bình xăng con, khiến cho hỗn hợp cháy nhạt hoặc quá hồng.
– Thời điểm đánh lửa ở bugi được điều chỉnh quá chậm.
– Trên bề mặt buồng đốt bị tích quá nhiều muội than, gây cản trở cho quá trình tản nhiệt.
– Thời điểm chuyển mùa, vào khoảng tháng 4-5, ôtô không được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo dưỡng theo mùa đúng như quy định.
BVT (nguồn Otohui.com)