Hành vi đi ngược chiều, lấn làn... của người tham gia giao thông là hình ảnh quen thuộc ở các tuyến phố Hà Nội
Hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất
Văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh, trong đó văn hóa giao thông đóng vai trò quan trọng, không thể tách rời ra khỏi văn hóa nói chung vì đó là nền tảng để tạo ra môi trường xã hội phát triển. Môi trường đó có an toàn, văn minh, nhân ái hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa. Của cải vật chất có nhiều đến mức nào đi chăng nữa nhưng xã hội, con người ứng xử với nhau không có văn hóa thì cũng không thể xây dựng một xã hội văn minh được. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta đã trở thành định hướng và mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như một giải pháp quan trọng để hạn chế thực trạng TNGT hiện nay.
Xây dựng văn hóa giao thông không có gì lớn lao mà chúng ta hãy bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhất, có thể là dừng lại khi gặp đèn đỏ, chậm lại một chút để nhường đường cho người khác, nói với nhau những lời dễ nghe khi lỡ va chạm… Xây dựng văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là tham gia hoạt động giao thông có văn hóa cả trong hành vi cũng như ứng xử, có ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi, tuân thủ sự điều hành của CSGT, trong khi một bộ phận khác lại tìm mọi cách phải vượt qua bằng được điểm ùn tắc, bất chấp luật lệ, thậm chí coi thường cả tính mạng của mình và người khác. Điều đáng buồn hiện nay, tỷ lệ người thuộc nhóm thứ hai đang ngày càng gia tăng, chứng tỏ thực trạng coi thường luật pháp, thói quen đi lại không phù hợp với nếp sống văn hóa đã đi vào tiềm thức của nhiều người tham gia giao thông hiện nay.
Tham gia giao thông có văn hóa chính là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với luật giao thông. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành vi như vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng quy định, lái xe khi đã sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật đèn pha trong phố, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông.
Thực tế đang diễn ra phổ biến hiện tượng tiêu cực là khi bị bắt lỗi do vi phạm, nhiều người đã nài nỉ, thậm chí nhờ người can thiệp, sẵn sàng đưa tiền mặc cả theo kiểu “cưa đôi”, nhờ cầm để nộp phạt hộ… Cần phải thấy rằng, chính hành vi tuân thủ các quy định pháp luật và sự nghiêm túc khi thi hành công vụ của các lực lượng công vụ là nhân tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy, góp phần hình thành, hoàn thiện văn hóa giao thông ở nước ta. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng là cần duy trì sự nghiêm minh, liêm chính ngay trong lực lượng chấp pháp.
Chung tay xây dựng văn hóa giao thông
Bên cạnh những hành vi thiếu ý thức khi tham gia giao thông thì không ít những hành động đẹp, có văn hóa cần được nêu gương như tinh thần dũng cảm của người lái tàu hỏa đã ghì phanh cho đến phút chót và bị thương nặng để cứu hàng trăm hành khách trên tàu. Hay như hành động của anh Phan Văn Bắc, tài xế xe tải dũng cảm cứu xe khách có dấu hiệu mất phanh đang đổ đèo Bảo Lộc, QL20 (đoạn qua huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng)… Trong khi đó, có những người chở đò ngang hám lợi, coi thường sinh mạng của con người, chất hành khách quá tải mặc dù biết là nguy hiểm đã gây chìm thuyền, dẫn tới bao cái chết thương tâm. Cũng vì hám lợi, nhiều xe khách nêm chặt người rồi phóng bạt mạng, tranh cướp khách, bắt khách phải ăn “cơm tù”. Ngoài ra, những người tham gia công tác xây dựng công trình giao thông nếu không có ý thức nghề nghiệp sẽ gieo tai họa trên những con đường làm dối, làm ẩu, dẫn đến sạt lở, nhiều hố ga không đậy nắp, không có cảnh báo, vật liệu để bừa bãi đã gây tai nạn cho người tham gia giao thông… Các chủ phương tiện không chịu sửa chữa, kiểm tra thường xuyên để cho phương tiện hư hỏng, không bảo đảm an toàn dễ gây tai nạn cho hành khách... Tất cả những hành vi đó là phi văn hóa, không có đạo đức nghề nghiệp.
Môi trường xã hội có vai trò đặc biệt đến việc hình thành, nâng cao ý thức văn hóa giao thông của người dân, nhưng hiện nay đang xuất hiện nhiều tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng chưa làm tốt trách nhiệm của mình như hiện tượng mãi lộ của cảnh sát, TTGT trên các tuyến đường diễn ra rất công khai, dẫn tới việc lái xe “nhờn”, coi thường luật pháp. Chế tài xử lý vi phạm các quy định về TTATGT chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe. Nhiều xe công “cậy” biển xanh, CSGT thường “nương tay” nên coi thường luật lệ; lãnh đạo không nhắc nhở, phê bình lái xe khi vi phạm, lâu trở thành chuyện… bình thường.
Để giải quyết những bất cập trong văn hóa giao thông cần sự chung tay của toàn xã hội như hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, cấu trúc và cơ cấu phương tiện giao thông, năng lực quản lý, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, giáo dục văn hóa giao thông trong trường học... để tạo nên ý thức, văn hóa người tham gia giao thông.
Thực hiện thành công nâng cao ý thức văn hóa giao thông không những góp phần làm giảm TNGT mà còn tôn thêm vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Người ta thường nói, giao thông là bộ mặt văn hóa của một đất nước, đô thị là nơi biểu hiện rõ nhất trình độ văn hóa của nhân dân, trình độ của các nhà quản lý. Tham gia giao thông chính là sinh hoạt cộng đồng thường xuyên hằng ngày với quy mô rộng lớn. Chính ở môi trường ấy, mỗi cá thể sẽ bộc lộ phẩm chất văn hóa, ý thức cộng đồng của mình. Một đô thị văn minh không thể không có văn hóa giao thông, là hình ảnh có tác động mạnh mẽ đến bạn bè thế giới. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông là một việc làm mang tính cấp bách trong điều kiện đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Vì vậy, muốn có văn hóa giao thông thì phải có con người văn hóa.
BVT (nguồn baomoi.com)