NĂM VĂN HÓA VĂN MINH ĐÔ THỊ
Bàn thêm về mối quan hệ giữa Văn hóa và Văn minh
Sự phát triển của một quốc gia ở bất kỳ thời đại nào đều có dấu ấn khai sáng của văn hóa. Không phải văn minh, mà chính văn hóa mới thật sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh, nguồn lực xã hội to lớn. Văn hóa thấm sâu vào quá trình phát triển, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Ở phương Đông, từ “văn hóa” đã có trong đời sống ngôn ngữ khá sớm. Người sử dụng từ “văn hóa” sớm nhất có lẽ là Lưu Hướng (năm 776 tr. CN), thời Tây Hán với nghĩa như một phương thức giáo hóa con người, đối lập với vũ lực. Phương Đông bàn về văn hóa nghiêng về cái đẹp, cái giá trị (văn là vẻ đẹp, hóa là trở thành): những gì trở thành cái đẹp, cái giá trị, cái nhân bản là văn hóa. Còn từ “văn minh” được hiểu văn là cái đẹp, minh là sáng, chỉ tia sáng của đạo đức, biểu hiện ở chính trị, pháp luật, văn học, nghệ thuật.

Ở phương Tây, từ “văn hóa” xuất phát từ gốc latinh là chữ cultus animi là trồng trọt tinh thần (tiếng Anh, Pháp là culture). Theo đó, văn hóa được hiểu với hai khía cạnh: thích ứng, khai thác tự nhiên và giáo dục, đào tạo cá nhân hay cộng đồng để họ xa rời trạng thái nguyên sơ, không còn là con vật tự nhiên và có được những phẩm chất tốt đẹp. Còn từ “văn minh” có từ căn gốc la tinh là civitas  (tiếng Anh, Pháp là civilisation) với nghĩa gốc là đô thị, thành phố và các nghĩa phái sinh là thị dân, công dân. Nói chung khái niệm văn minh có nhiều cách hiểu, chẳng hạn để chỉ sự sáng tạo văn hóa hoặc theo nghĩa tổ chức xã  hội bởi các biện pháp kỹ thuật cải thiện, xếp đặt hợp lý tiện lợi cho cuộc sống của con người. Theo F.Ăngghen, văn minh là chính trị khoanh văn hóa lại và sợi dây liên kết văn minh là Nhà nước.

Tuy vậy, việc xác định và sử dụng các khái niệm văn hóa, văn minh không đơn giản. Vẫn còn sự lẫn lộn hoặc sử dụng đồng nghĩa hai thuật ngữ để chỉ toàn bộ sự sáng tạo và các tập quán tinh thần và vật chất riêng cho các tập đoàn người. Riêng thuật ngữ văn hóa, các nhà nhân loại học thế kỷ XIX sử dụng gần như khái niệm văn minh, theo đó văn hóa được hiểu theo tiêu chuẩn trí lực, có văn hóa từ trình độ thấp nhất đến cao nhất. ở thế kỷ XX, văn hóa không xét ở mức độ thấp cao mà ở góc độ khác biệt. Cũng có quan điểm cho rằng “văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, một cá nhân khác”.

Vì vậy, phân biệt văn minh với văn hóa chỉ là tương đối, vì đây là những khái niệm, tuy không đồng nhất, nhưng  gần gũi, có liên quan mật thiết với nhau. Ngày nay người ta còn nói tới văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Cách hiểu thông thường, theo như tác giả Trần Ngọc Thêm trong công trình Cơ sở văn hóa Việt Nam thì văn minh khác văn hóa ở ba điểm: Thứ nhất, trong khi văn hóa có bề dày của quá khứ thì văn minh chỉ là một lát cắt của đồng đại. Thứ hai, trong khi văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất lẫn tinh thần thì văn minh chỉ thiên về khía cạnh vật chất, kĩ thuật. Thứ ba, trong khi văn hóa mang tính dân tộc rõ rệt thì văn minh thường mang tính quốc tế.

Điểm chung giữa văn hóa và văn minh là đều do con người sáng tạo ra, nhưng “phương thức sử dụng các công cụ sinh hoạt hằng ngày như mặc, ăn, ở, v.v.. thì lại là văn hóa”. Cách hiểu văn hóa là “phương thức sử dụng các công cụ sinh hoạt hằng ngày” là cách tiếp cận độc đáo của Hồ Chí Minh, mở ra cho ta một hướng nghiên cứu đầy triển vọng về mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh. Phải đặt văn hóa cạnh văn minh, trong văn minh để hiểu sự vận động của đời sống kinh tế – xã hội nước ta hôm nay. Phải khám phá cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần, đặc biệt là văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội, tức là những vấn đề thuộc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để thấy rằng – tiếp cận dưới góc độ giá trị – không phải lúc nào văn hóa và văn minh cũng song hành, càng không phải cứ có trình độ văn minh cao thì văn hóa tiên tiến và đậm đà, thậm chí ngược lại, văn minh cao nhưng văn hóa lùn, không có văn hóa.

Cái ăn, cái mặc là vật chất (được hiểu là văn minh), nhưng ăn như thế nào, mặc làm sao lại là văn hóa. Tiện nghi vật chất như  điện thoại, xe cộ, nhà ở, hạ tầng giao thông (được hiểu là vật chất) nhưng dùng điện thoại, đi lại như thế nào, ở ra làm sao lại là văn hóa. Quyền lực là một bước phát triển của văn minh chính trị, bởi vì đến một giai đoạn nhất định của lịch sử, đảng mới có quyền lực. Nhưng sử dụng quyền lực đó ra sao lại thuộc phạm trù văn hóa chính trị, mà biểu hiện cụ thể là văn hóa lãnh đạo – quản lý, văn hóa cầm quyền. V.v..

Phải chăng chúng ta đang chứng kiến một nghịch lý “thừa” văn minh, thiếu văn hóa trên đất nước ta? Thử xem xét mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh trên một vài lĩnh vực cụ thể để tìm câu trả lời cho câu hỏi đó.

1. Nhậu và văn hóa nhậu

Đại hội XI khẳng định tiềm lực kinh tế nước ta được nâng cao, đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển. Tuy mức độ tăng trưởng kinh tế các năm có khác nhau, nhưng bình quân 5 năm 2006 – 2010 đạt khoảng 7%/năm và 10 năm 2001 – 2010 tăng trưởng 7,26%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đã đề ra. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế đạt trên 101,6 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 1,168 USD. Như vậy, Việt Nam bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thu nhập thực tế của người dân năm 2008 so với năm 2000 tăng 2,3 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26% năm 2000 xuống còn khoảng 10% năm 2010.

Đó là tổng kết bằng con số. Thực tế, chúng ta cũng có thể thấy cái ăn, cái mặc của người dân, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức đã khá hơn nhiều so với trước đây. Các nhà hàng, khách sạn luôn luôn kín chỗ. Những cuộc liên hoan mừng lên chức, lên sao diễn ra đều đều.  Những người có mặt ở các nơi này chủ yếu là cán bộ công chức, người có chức quyền. Những cuộc ăn nhậu lãng phí vô cùng, có khi thừa một phần ba. Trong không khí “dô” đó, hầu như ít ai nghĩ đến những thân phận nghèo, cận nghèo. Nhiều khi sự thừa thãi của vài ba cuộc nhậu lên chức có thể nuôi sống nhiều gia đình nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhiều năm. Cái nhân bản của văn hóa đang thiếu vắng ở những nơi này.

2. Giao thông và văn hóa giao thông

Sau hơn 25 năm đổi mới, kết cấu hạ tầng có bước phát triển quan trọng, nhiều công trình mới mọc lên và đã phát huy tác dụng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 24,2% năm 2000 lên trên 30% năm 2010. Diện tích nhà ở tăng từ 8 mét vuông/người lên 12,5 mét vuông/người. Đại lộ, đường giao thông ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố, thị xã khác trên phạm vi cả nước mọc lên từng quý, từng năm. Nhiều đại lộ trước đây chỉ có thể thấy trong mơ như Đại lộ Thăng Long ở Hà Nội đẹp nhất nước, Đại lộ đông – tây ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì nay trở thành sự thật. Sự phát triển hệ thống giao thông là một kỳ tích trong đổi mới.

Nhưng, càng tự hào với nhiều đường giao thông bao nhiêu thì càng đau lòng với văn hóa giao thông bấy nhiêu. Trước hết phải nói đến văn hóa quản lý giao thông mà cốt tủy là thái độ tinh thần trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, chủ đầu tư, giám sát công trình rất thấp. Họ chạy theo thành tích, làm đường cho xong, kịp ngày kỷ niệm, báo cáo thành tích, giải ngân để rồi sau đó đường thành ao, thành sông và rồi tai nạn giao thông liên tục xảy ra. Không thể chấp nhận một kiểu làm giao thông đào hè lên, lấp xuống, lại đào lên, lấp xuống. Vì sao con đường gốm sứ Hà Nội đẹp nhất nước lại có hiện tượng phóng uế bừa bãi? Một trong những nguyên nhân vì thiếu công trình vệ sinh (vì vậy có ý kiến cho rằng kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, bên cạnh những công trình lớn, nên làm một nghìn công trình vệ sinh để bảo đảm môi trường, một trong những yếu tố của phát triển bền vững).

Tiếp đến là văn hóa của những người tham gia giao thông. Theo thông tin của báo chí, mỗi ngày bình quân có từ 30 đến 40 vụ tai nạn giao thông, làm chết 30 đến 40 người. Mỗi năm trung bình có khoảng 11000 người chết do tại nạn giao thông. Nếu tính từ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc đến nay và gần hơn là sau hơn 25 năm đổi mới thì số người chết do tai nạn giao thông không thua kém số người hy sinh  trong chiến tranh giữ nước. Chiến tranh đã chấm dứt, còn sự nghiệp đổi mới đang lâu dài. Số người chết do tai nạn giao thông  cứ  đều đều theo thời gian, cùng sự đi lên của công cuộc đổi mới, của phát triển đường giao thông. Văn hóa giao thông đang ở tình trạng báo động đỏ.

3. Doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta có nhiều doanh nghiệp, lực lượng doanh nhân dồi dào. Chỉ trong đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta mới khôi  phục được hình ảnh và danh tiếng cho doanh nghiệp và doanh nhân. Và rõ ràng, sự trưởng thành, lớn mạnh của doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần quan trọng, to lớn cho sự phát triển của đất nước. Ba mươi doanh nhân trong Quốc hội là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân đang có vấn đề. Điều này không phổ biến nhưng tính chất nghiêm trọng trong văn hóa quản lý kiểu Vinasin, Vinaline, nợ xấu của ngân hàng khiến người dân thiếu niềm tin vào kinh tế nhà nước. Xu hướng lợi ích nhóm đang hình thành, từng bước vững chắc, làm xói mòn, giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và ảnh hưởng đến  sự phát triển bền vững của đất nước mà doanh nghiệp, doanh nhân không thể không có trách nhiệm. Những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, bất chấp nhân phẩm, vẫn còn tồn tại ở những độ đậm nhạt khác nhau. Tập đoàn kinh tế không phát huy cú đấm thép của mình mà lại san sẻ sức mạnh đó vào các lĩnh vực khác vì lợi ích cá nhân. Sự lừa đảo, giả dối, buôn gian, bán lậu, bất chấp tính mạng con người và sự trường tồn của nòi giống dân tộc chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Không ít những người quản lý thiếu văn hóa, thiếu tinh thần trách nhiệm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, không dám công khai, vạch mặt chỉ tên những doanh nghiệp làm ăn gian dối, lừa đảo. Chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng điều quan trọng hơn là nhiều nhưng phải liền với tốt. Phải sàng lọc để có văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp theo tinh thần “thà ít mà tốt”.

4. Giáo dục và văn hóa giáo dục

Chúng ta có nhiều trường đại học, nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo, nhưng thiếu văn hóa giáo dục. Giáo dục là văn hóa nhưng lại thiếu văn hóa giáo dục thì không thể chấp nhận được. Tư duy và quản lý giáo dục có vấn đề. Có những điều Bác Hồ dạy từ lâu nhưng những người quản lý giáo dục không học và làm theo Bác, lại làm ngược. Ví dụ: Bác dạy thi đua “Hai tốt” tức là thi đua “dạy tốt và học tốt”. Bác dạy như vậy là đúng quy luật, phản ánh một khía cạnh của triết lý giáo dục, bao giờ cũng hướng tới xây. Xây là nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài. Bây giờ ta lại dạy “chống”. Chống mà không xây thì vô nghĩa. Một hội chứng nói “không”, trong khi đó đáng lý phải nói “có”  mới khoa học, đúng quy luật. Nguy hiểm hơn là trong tư duy của văn hóa quản lý giáo dục vẫn còn nặng về thi cử và thành tích, cho nên mới có chuyện “chống tiêu cực trong thi cử và chống bệnh thành tích”. Một nền giáo dục mà vẫn làm cho người học “trăn trở” với hai chữ thi cử thì đó là một nền giáo bằng không và số phận đã an bài. Học thì phải thi, nhưng nếu người dạy và người học quan niệm dạy và học chỉ để thi, xong thi là hết, không còn đau đáu với số phận đất nước, sự trường tồn của dân tộc, thì lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ đất nước. Thiếu văn hóa trong quản lý giáo dục thì không thể có văn hóa giáo dục được, càng không thể đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Một biểu hiện khác trong thiếu văn hóa giáo dục là thiếu tư duy khoa học về giáo dục. Chúng ta xây dựng một  nền giáo dục, đào tạo những người đi giáo dục chứ không phải tạo ra những người đi dạy học. Giáo dục rộng hơn dạy học. Trong giáo dục phải cho người học hiểu, bên cạnh những mặt tốt, còn phải chỉ ra những mặt xấu, hạn chế. Nếu chúng ta chỉ tuyên truyền cái tốt (theo kiểu tư duy đánh giặc chỉ có thắng, không bao giờ thua) thì phản giáo dục, lợi bất cập hại. Giáo dục truyền thống dân tộc mà chỉ nói tới cái tốt, không chỉ ra, phân tích những hạn chế của truyền thống (Bác Hồ gọi những thói quen, truyền thống lạc hậu là một loại giặc) thì rất nguy hiểm. Người Việt, bên cạnh nhiều ưu điểm cũng không thiếu những thói hư, tật xấu. Xưa nay, với kiểu tư duy giáo dục một chiều, nên người học có khi chỉ biết “ta thắng địch thua”; người Việt chỉ có tốt không có gì xấu; Đảng ta chỉ có mặt mạnh, không có mặt yếu; đảng viên tốt hơn người ngoài Đảng… Những kiểu tư duy thiếu văn hóa đó là những trở lực trên con đường phát triển bền vững mà ta không lường hết được.

5. Văn minh chính trị và văn hóa chính trị

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Từ đó đến nay, Đảng ta và cán bộ, đảng viên có quyền lực chính trị, tức là quyền lãnh đạo đất nước, xã hội. Có được thành quả đó là nhờ sự hy sinh xương máu của bao chiến sĩ yêu nước, cách mạng và đồng bào, đồng chí. Chúng ta cần trân trọng và tự hào với sự cầm quyền của Đảng, vì đó là một bước phát triển của văn minh chính trị, tạo ra sức mạnh quản lý đất nước.

Nhưng thật đáng buồn, đáng lên án là văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền, văn hóa lãnh đạo – quản lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp quá thấp kém. Đại hội XI của Đảng  nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”1. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Những biểu hiện đó thực chất là sự suy thoái, tha hóa về văn hóa.

Chúng ta có đầy đủ và thừa các chức vụ và những người làm công tác quản lý nhưng lại thiếu văn hóa quản lý. Tham nhũng là gì? Là nhũng lạm (cách gọi chính danh tham nhũng của Bác Hồ). Nhũng lạm là lợi dụng quyền lực để tham ô và nhũng nhiễu dân. Những người như vậy là thừa quyền lực nhưng thiếu văn hóa cầm quyền. Sự đổ vỡ của Vinasin và nhiều hạn chế, yếu kém trong các trường hợp tương tự là gì? Là thiếu văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo- quản lý. Những người có trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp ở đó thiếu, yếu kém cả đạo đức và trình độ quản lý. Có khuyết điểm trong quản lý ngành mình, bộ mình, địa phương mình  mà không dám nhận lỗi là thiếu văn hóa phê và tự phê. Có những lầm lỗi nặng nề mà không dám xin lỗi, từ chức là thiếu văn hóa từ chức. Đảng viên, cán bộ của một Đảng chân chính, cách mạng, đạo đức, văn minh theo tấm gương Hồ Chí Minh là phải có văn hóa xin lỗi, văn hóa phê bình, tự phê bình và văn hóa từ chức khi có khuyết điểm, làm mất lòng tin của nhân dân. Tại sao một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên khi có chút quyền hành trong tay lại lạm quyền, thích dùng mệnh lệnh, vô cảm trước đời sống của nhân dân, thiếu trách nhiệm với dân? Là do thiếu văn hóa chính trị. Tại sao một bộ phận không nhỏ cán bộ có khuynh hướng sai lệch về quyền lực như quan liêu, cậy thế cậy quyền, lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, say mê quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền cố vị…, những tệ nạn có nguy cơ làm sụp đổ chế độ, liên quan đến sự tồn vong của đất nước của Đảng? Vì thiếu văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền, văn hóa quản lý. Thói thường những người dốt nát lại thích, say mê quyền lực và lạm quyền. Họ không rèn đức, luyện tài mà rèn công nghệ tìm kiếm, săn, mua quyền lực. Có quyền rồi thì đục khoét dân, ăn của đút. Đối với anh em, đồng chí thì dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình (Bác Hồ gọi là “đạo vị”). Đó là sự tha hóa về nhân cách cần được dư luận lên án và loại bỏ khỏi đời sống xã hội.

6. Kết và mở

Thế giới trong vài năm trở lại đây có mấy sự kiện liên quan đến chủ đề bài viết. Một là, trận động đất hiếm có trong lịch sử đã làm cho nhân dân Nhật Bản chịu nhiều tổn thất quá nặng nề về người và tài sản. Nhưng nước Nhật nhanh chóng phục hội và đứng dậy. Một sức mạnh phi thường nhờ nội sinh văn hóa đã thấm sâu vào từng tế bào của xã hội, thấm vào máu thịt của từng con người Nhật Bản khi còn trong trứng nước. Vì vậy, dù sóng to, gió lớn, trở lực khó khăn, người Nhật Bản vẫn ngẩng cao đầu, xứng đáng để cả thế giới ngưỡng mộ và khâm phục. Hai là, nước Anh có cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Ngày 15-8-2011 Thủ tướng Anh Davit Cameron nói rằng, “nước Anh đang phải đối mặt một nền văn hóa lười biếng, vô trách nhiệm và ích kỷ – nguyên nhân chính làm bùng lên cuộc bạo loạn kéo dài 4 ngày qua khiến 5 người chết, hàng ngàn người bị truy tố tội hình sự, thiệt hại hàng trăm triệu USD”. Ông cho rằng “vụ bạo loạn vừa qua làm thức tỉnh cả nước, các vấn đề xã hội vốn âm ỷ hình thành nhiều thập kỷ qua đã bùng nổ ngay trước mắt mọi người. Chứng kiến cảnh bạo loạn trên đường phố, ai cũng muốn những vấn đề xã hội này được giải quyết và sự xuống cấp đạo đức bị đẩy lùi”. Thủ tướng Cameron hứa sẽ chấm dứt một nền văn hóa e dè, sợ hãi trong việc thảo luận trường hợp gia đình tan vỡ, cha mẹ nghèo đói, hoặc trong việc chỉ trích những phụ huynh không nêu gương tốt cho con em họ cũng như cộng đồng”.

Sự kiện nước Nhật khẳng định sức mạnh trường tồn của văn hóa và sự nuôi dưỡng văn hóa. Sự kiện nước Anh cho thấy sự phát triển của văn minh không đi cùng sự phát triển của văn hóa thì sự đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Vấn đề đặt ra hiện nay là trong khi chú trọng sáng tạo, phát minh những giá trị vật chất (văn minh) thì phải đặc biệt chú ý nuôi dưỡng, đắp bồi những giá trị tinh thần (văn hóa). Say sưa về vật chất, quyền lực mà xem nhẹ giá trị nhân bản, nhân cách làm người là đổ vỡ tất cả. Thiếu “vốn kinh tế”, chưa có kỹ thuật, khoa học  công nghệ, vật chất thì 30 năm, 50 năm, sẽ có. Nhưng suy giảm “vốn xã hội”, thiếu, xuống cấp, suy đồi về văn hóa, tha hóa về văn hóa thì một thế kỷ rất khó phục hồi, thậm chí mất cả thiên niên kỷ. Nhưng điều nguy hiểm hơn là trong hàng trăm năm đó chúng ta mất nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, mất sức mạnh nội sinh, nguồn lực xã hội to lớn, không có động lực của phát triển và phát triển không có mục tiêu.
——————————–
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.
SOURCE: VĂN NGHỆ SỐ 35-36/2013
Trích dẫn từ: http://vanvn.net/news/16/3936-ban-them-ve-moi-quan-he-van-hoa-va-van-minh.html
  • Anh6