Nhưng thay vì sử dụng sóng âm, hệ thống radar của PCS sử dụng sóng vô tuyến (radio). Sóng vô tuyến vô hình và truyền được quãng đường xa hơn nhiều so với sóng âm.
Thành phần cấu tạo và quá trình hoạt động của hệ thống PCS
Hệ thống cảnh báo va chạm đặt những cảm biến radar ở phía trước của xe, thường được giấu bên trong lưới tản nhiệt. Từ đây, chúng sẽ liên tục phát đi những đợt sóng radar ở tần số cao. Khi gặp chướng ngại vật, chúng sẽ dội ngược lại cảm biến. Nhờ đó, bộ xử lý trung tâm ECU của xe sẽ tính toán được khoảng cách và thời gian từ xe đến vật thể dựa trên tốc độ hiện tại của xe và quá trình điều khiển của người lái.
Nói một cách đơn giản, nhờ những thông tin mà bộ cảm biến radar gửi về, hệ thống có thể nhận biết được vị trí của xe gần mình, khoảng cách và vận tốc tương đối giữa hai xe một cách liên tục. Và nếu có bất kỳ thay đổi nào trong những yếu tố trên có thể dẫn đến nguy cơ tai nạn, hệ thống sẽ phát cảnh báo hoặc hỗ trợ người lái tránh được va chạm.
Cụ thể hơn, một vài hệ thống chỉ dừng lại ở mức phát ra âm thanh cảnh báo người lái rằng va chạm sắp xảy ra để từ đó tự người lái có những biện pháp can thiệp như phanh và đánh lái để tránh tình huống nguy hiểm.
Cao cấp hơn, những hệ thống PCS đắt tiền thậm chí còn trực tiếp can thiệp và hỗ trợ người lái ở một vài cơ cấu điều khiển nhất định trên xe. Ngày nay, bên cạnh những hệ thống quen thuộc như chống bó cứng phanh ABS, cân bằng điện tử ESC,.. chúng ta còn có hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp EBA (Emergency Brake Assist), tự động tăng thêm áp lực phanh trong những tình huống khẩn cấp để hỗ trợ dừng xe nhanh hơn, hệ thống phanh tự động AEB (Automatic Emergency Brake) thậm chí có thể tự phanh xe khi phát hiện khoảng cách với xe trước giảm nhanh để tránh va chạm.
Bên cạnh đó, PCS còn có khả năng kết hợp với các hệ thống an toàn khác như cơ cấu căng đai tự động, giúp tự siết chặt dây an toàn trước va chạm. Ở những dòng xe sang đắt tiền, PCS còn kết hợp với hệ thống bảo vệ trước va chạm (Pre-Safe của Mercedes, Active Protection của BMW,...) để tự dựng thẳng tựa lưng, tựa đầu, căng đai an toàn tự động, đóng toàn bộ kính và cửa sổ trời, bung túi khí để đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách bên trong xe.
Ứng dụng thực tế của hệ thống PCS
Do tính chất phức tạp và ảnh hưởng nhiều đến độ an toàn và trải nghiệm của người dùng, việc phát triển và vận hành của PCS đòi hỏi phải sở hữu độ chính xác cực cao, bởi bất kỳ trục trặc hay sai sót nào cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và điều khiển của người lái, từ đó thật sự dẫn đến tai nạn. Bởi thế, các nhà phát triển và sản xuất đều đưa PCS qua nhiều bước kiểm tra khắt khe trước khi trang bị trên xe và đưa đến tay người dùng.
Một trong những hệ thống cảnh báo va chạm đầu tiên là Pre-Safe được Mercedes-Benz giới thiệu năm 2003 trên dòng sedan cao cấp S-class. Hệ thống này “chỉ” sử dụng các cảm biến để đo góc đánh lái, gia tốc trong quá trình vận hành của xe để dự đoán nguy cơ tai nạn, vẫn chưa có khả năng đo đạc và phân tích điều kiện giao thông xung quanh như những hệ thống PCS hiện đại ngày nay. Từ những tín hiệu thu thập được, hệ thống cũng tự động chuẩn bị các biện pháp bảo vệ như đã đề cập (đóng kính, nâng lưng ghế, căng đai an toàn).
Hiện nay, với sự phát triển và phổ biến của công nghệ, những dòng xe hạng trung với mức giá rẻ hơn cũng dần được các nhà sản xuất tích hợp hệ thống cảnh báo va chạm PCS. Tùy mỗi hãng xe mà PCS được giới thiệu dưới nhiều cái tên khác nhau như Honda Sensing, Toyota Safety Sense,… Tuy nhiên, khi về nước, nhiều hãng sản xuất đã cắt bỏ trang bị này để giảm giá thành sản phẩm nhằm dễ tiếp cận người dùng hơn.
BVT (nguồn danhgiaxe.com, auto.howstuffworks.com, mbusa.com, bmw.co.uk)