Để tiếp tục xây dựng đạo đức công vụ, phát huy tinh thần “5 xây, 3 chống” tăng cường hơn nữa trách nhiệm tham mưu, đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thì cần phải có công cụ kiểm soát công việc và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan tham mưu. Trong đó cơ chế nhận xét đánh giá phải được thực hiện thường xuyên, công khai.
|
Việc đánh giá hằng tháng, hằng quý sẽ góp phần hạn chế tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức làm việc cầu toàn, ngại tham mưu, đề xuất. Trong ảnh: UBND thành phố khen thưởng các cơ quan hành chính các khối được xếp hạng nhất, nhì, ba trong công tác cải cách hành chính năm 2018. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Kiểm soát tiến độ giải quyết thủ tục hành chính
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, trong lĩnh vực cải cách hành chính, từ năm 2018, Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố triển khai áp dụng Đề án Kiểm soát thủ tục hành chính ngoài thủ tục hành chính đã thực hiện theo mô hình một cửa và một cửa liên thông.
Đề án này kiểm soát số lượng hồ sơ hành chính, số lượng hồ sơ giải quyết sớm, đúng hẹn, trễ hẹn và xác định cơ quan chịu trách nhiệm về hồ sơ trễ hẹn và phải thực hiện quy định xin lỗi tổ chức, công dân. Bên cạnh đó, việc áp dụng đề án này đã khắc phục tình trạng có từ 2 cơ quan hành chính trở lên được giao xử lý, giải quyết một công việc nhưng không có sự phối hợp chặt chẽ; sở này gửi văn bản yêu cầu sở kia có ý kiến nhưng chậm trả lời hoặc không trả lời, gây đình trệ công việc.
Qua một năm áp dụng đề án, nhiều công việc nội bộ giữa các cơ quan hành chính đã có nhiều cải thiện trong hoạt động phối hợp cùng giải quyết và xử lý, giúp hiệu quả cải cách hành chính tăng lên.
Từ năm 2018, Văn phòng UBND thành phố (nay là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố, gọi tắt là Văn phòng) đã triển khai thí điểm phần mềm theo dõi, quản lý công việc do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao cho các sở, ngành, quận, huyện. Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Hà Nam cho biết, công việc phát sinh ngày càng nhiều và có tình trạng trước đây thấy việc nhưng không kiểm soát hết công việc.
Ông Nam cho biết, ban đầu Văn phòng tự xây dựng phần mềm để quản lý công việc của mình. Thấy việc quản lý có hiệu quả, Văn phòng đề xuất UBND thành phố cho thí điểm mở rộng theo dõi các nhiệm vụ mà Thành ủy, HĐND và UBND thành phố giao cho các sở, ban, ngành và quận, huyện thực hiện.
Sau khi UBND thành phố có văn bản giao các đầu công việc cho từng sở, ngành và quận, huyện, các chuyên viên của Phòng kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng nhập nội dung công việc giao cho từng đơn vị lên phần mềm quản lý theo dõi công việc, thời hạn hoàn thành. Kết quả công việc của các sở, ngành, địa phương đều được các phòng chuyên môn của Văn phòng theo dõi và xác minh tính chính xác của báo cáo tiến độ công việc.
Đến ngày 25-6-2019, thành phố hoàn thành 5.651/7.344 nhiệm vụ được UBND thành phố giao cả năm 2019, đạt 77% (đúng hạn 4.124 nhiệm vụ, quá hạn 926 nhiệm vụ). Nhờ phần mềm theo dõi, quản lý công việc, UBND thành phố đã đánh giá chính xác, khách quan kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các sở, ngành, quận, huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 4 sở gồm: Nội vụ, Giao thông vận tải, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính được đề nghị UBND thành phố khen thưởng vì đạt tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ được giao trên 90%.
Theo ông Nguyễn Hà Nam, sau khi Chủ tịch UBND thành phố có công văn yêu cầu, các đơn vị đã nghiêm túc cập nhật tình hình thực hiện nhiệm vụ dẫn đến kết quả triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 có sự thay đổi tích cực. Sở Xây dựng và UBND quận Hải Châu sau khi nhận phê bình nghiêm khắc của Chủ tịch UBND thành phố, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ đã tăng lên rõ rệt.
Minh bạch trong hoạt động công vụ
PGS.TS Hồ Tấn Sáng (Học viện Chính trị khu vực 3) cho rằng, trong tình hình mới, CBCCVC cần được đào tạo, rèn luyện, tu dưỡng và xây dựng tinh thần, thái độ phụng sự và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hơn hoạt động công vụ.
Theo PGS.TS Hồ Tấn Sáng, với 8 tiêu chí cụ thể về “5 xây, 3 chống”, Chỉ thị số 29-CT/TU vẫn còn giá trị và tính thời sự đối với hoạt động công vụ của đội ngũ CBCCVC thành phố trong thời gian đến. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để tiếp tục nâng cao được hiệu lực, hiệu quả, trở thành một nét văn hóa công vụ của đội ngũ CBCCVC.
“Cần tăng cường tính minh bạch trong hoạt động công vụ. Càng minh bạch thì hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU càng được nâng cao hơn. Làm sao để đạo đức công vụ như một cái “van” điều tiết CBCCVC, còn cơ chế, thể chế để kiểm soát, ngăn chặn vi phạm khuyết điểm trong hoạt động công vụ”, PGS.TS Hồ Tấn Sáng nhấn mạnh.
Là người từng tham mưu xây dựng nội dung Chỉ thị số 29-CT/TU của Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ cho rằng cần thường xuyên làm mới các tiêu chí “5 xây, 3 chống”. Theo ông Ngữ, qua 5 năm triển khai chỉ thị cho thấy việc ban hành chỉ thị đáp ứng được sự mong đợi của Đảng bộ, chính quyền thành phố và nhân dân lúc đó về nâng cao đạo đức công vụ.
Chỉ thị số 29-CT/TU có sức sống lâu dài bởi sau khi được ban hành và thực hiện tại thành phố thì Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ với yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải “4 xin, 4 luôn” rất phù hợp với các tiêu chí “5 xây, 3 chống” của Chỉ thị số 29-CT/TU của Thành ủy.
Ông Đặng Công Ngữ cho rằng, sau quá trình thực hiện, kết quả nhận xét, đánh giá hằng năm đối với từng tiêu chí “5 xây, 3 chống” cho thấy có những tiêu chí được phần lớn CBCCVC thực hiện đạt mức “tốt” và “khá”; có những tiêu chí đạt mức “trung bình” và “yếu” cao.
Vì vậy, cần thay đổi hệ số chấm điểm để đánh giá theo hướng tiêu chí nào đã được đa số CBCCVC thực hiện tốt thì có hệ số chấm điểm thấp, tiêu chí nào thực hiện chưa tốt (hay còn gọi là tiêu chí khó) cần tính hệ số chấm điểm cao. Như vậy mới khuyến khích được mức đánh giá “tốt” và “khá” ở các tiêu chí khó thực hiện. Đây cũng là cách làm mới các tiêu chí “5 xây, 3 chống” phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của thành phố.
Năm 2020, đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, hiện nay, Sở Nội vụ đã hoàn thành đề án và phần mềm đánh giá CBCCVC hằng tháng theo theo các tiêu chí quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.
Theo ông Đồng, quy định của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức được thực hiện 1 lần cho cả năm (trong tháng 12 hằng năm) có mặt hạn chế là chưa đánh giá đầy đủ.
“Đề án đánh giá công chức hằng tháng, hằng quý sẽ được UBND thành phố ban hành và áp dụng từ đầu năm 2020. Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không tổ chức đánh giá CBCCVC thuộc quyền theo quy định tại đề án, Chủ tịch UBND thành phố sẽ đưa vào diện không xếp loại đánh giá hằng năm.
Do vậy, đề án này hứa hẹn góp phần thay đổi tính cầu toàn, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận CBCCVC mà lãnh đạo thành phố đã từng đề cập gần đây”, ông Đồng nói.
|
LVL theoĐOÀN SƠN