CHUYÊN MỤC TƯ VẤN
Động cơ tăng áp – Những nguyên tắc sử dụng cần lưu ý

Hiện nay, động cơ tăng áp được sử dụng ngày càng phổ biến trên ô tô vì những hiệu quả về công suất mà nó mang lại. Nhưng liệu bạn có đang sử dụng động cơ tăng áp đúng cách? Hãy cùng tìm hiểu 1 số lưu ý khi sử dụng động cơ tăng áp để bảo vệ phương tiện của bạn!

Động cơ tăng áp - Những nguyên tắc sử dụng cần lưu ý

Động cơ tăng áp – Những nguyên tắc sử dụng cần lưu ý

Để xe ô tô nổ máy một thời gian ngắn trước khi di chuyển

Nhiệt kế mà bạn nhìn thấy trên ô tô là đo độ nóng của nước làm mát động cơ, chứ không phải đo nhiệt độ của dầu động cơ. Khi bạn mới khởi động xe thì dầu động cơ còn nguội, đồng nghĩa với nó sẽ lưu thông chậm chạp và giảm khả năng bảo vệ động cơ, trong khi đó tốc độ quay của turbo lên tới vài chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn vòng/phút nên rất cần một sự bôi trơn hoàn hảo, turbo lại sử dụng dầu động cơ để bôi trơn, thế nên nó cần một nhiệt độ đủ ở dầu động cơ để tối ưu việc bảo vệ turbo trước khi xe lăn bánh và nó phải hoạt động trong một nhịp độ rất lớn.

Nhưng bao giờ thì nhiệt độ dầu động cơ đủ nóng để lăn bánh? Mỗi động cơ có cơ chế làm nóng khác nhau, và việc bạn sử dụng nhiều loại dầu động cơ có phụ gia đặc biệt giúp bôi trơn cũng khác nhau, nhưng có một nguyên tắc cơ bản là bạn nên cho xe nổ máy tại chỗ ít nhất 2 phút trước khi lăn bánh, như thế đảm bảo chắc chắn nhiệt độ dầu động cơ đã đủ nóng.

Không tắt động cơ tăng áp ngay lập tức

Nếu ở một chiếc xe sử dụng động cơ nạp tự nhiên thì điều này không thành vấn đề, nhưng với một chiếc xe sử dụng động cơ tăng áp thì lại là một việc cần lưu ý. Khi động cơ tăng áp hoạt động thì nhiệt độ sinh ra rất lớn, nhiệt độ này được hấp thụ nhiều vào dầu động cơ và dầu động cơ như là một chất làm mát lưu chuyển suốt trong quá trình xe hoạt động.

Khi tắt đột ngột động cơ, đồng nghĩa với dòng dầu động cơ không lưu chuyển nữa trong khoang động cơ, lúc này dầu chỉ tiếp xúc cục bộ tại chỗ với những phần động cơ đang rất nóng, tình trạng này khiến cho chất lượng và các phụ gia bôi trơn bị phân hủy nhanh hơn bình thường, dẫn tới chất lượng dầu động cơ giảm mà người sử dụng không hay biết và nó không còn đủ chất lượng để đảm đương công việc bôi trơn trong một môi trường khắc nghiệt như động cơ tăng áp, dẫn tới hư hỏng động cơ.

Giải pháp của vấn đề này là người sử dụng xe có động cơ tăng áp nên tạo thói quen giảm nhịp độ và tốc độ của xe vài cây số trước khi chạy về nhà hay đỗ nơi nào đó, kế đến là khi dừng xe phải để xe tiếp tục nổ máy ở chế độ ga nhỏ nhất để nhiệt độ động cơ và dầu giảm đều, thời gian từ 2-3 phút trước khi tắt máy.


Không chạy vòng tua quá thấp

Lái xe ở số cao với tốc độ chậm là một trong những nguyên nhân gây hại cho bộ tăng áp. Quá trình này đặt động cơ ở mức thấp, tạo nhầm lẫn về việc tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, đối với động cơ tăng áp, việc chạy xe ở tua máy thấp không tương đồng với tiết kiệm nhiên liệu.

Bộ tăng áp sử dụng khí thải để đạt tốc độ cao, giúp tăng lượng khí nạp vào động cơ. Nếu bộ tăng áp không đạt ngưỡng vòng quay nhất định, dẫn đến việc động cơ sẽ đạt công suất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc xe không đạt ngưỡng công suất tối ưu mà động cơ có thể sinh ra.

Đối với động cơ diesel, nhiên liệu được cung cấp thông theo cách đạp chân ga, khi lái xe ở số cao tại vận tốc thấp, người dùng cần đạp ga nhiều hơn để giữ động cơ hoạt động. Điều này khiến động cơ vận hành với lượng nhiên liệu thừa, thiếu không khí trong khoang đốt và khiến nhiên liệu không cháy hết. Tài xế nên sử dụng số hợp lý với tốc độ chạy xe.

Cẩn thận lái xe ở các góc cua

Cảm giác tăng ga ngay khi ra khỏi đường cua mang lại cảm xúc lớn cho người lái. Tuy nhiên, tài xế nên hiểu về độ trễ của bộ tăng áp và biết chính xác khi nào động cơ sẽ kích hoạt. Những xe dùng động cơ tăng áp thường có độ trễ bởi công suất tăng lên ngay khi bộ tăng áp làm việc. Điều này khiến xe bị thiếu lái hoặc quá lái và gây ra hiện tượng trượt, mất kiểm soát. Đối với xe dùng tăng áp, tài xế không nên đạp ga sát ván khi thoát khỏi khúc cua.

Khi động cơ không sử dụng trong thời gian dài, cần quay trục khuỷu động cơ nhằm tạo áp suất nhớt bôi trơn đều khắp các chi tiết động cơ.

Trong suốt quá trình động cơ không hoạt động, nhớt bôi trơn sẽ bị đặc lại không đủ điều kiện bôi trơn điều này sẽ làm hỏng ổ đỡ và các chi tiết khác, nhất là ở tốc độ cao. Sau khi thay nhớt động cơ, nên quay trục khuỷu động cơ bằng tay quay một vài lần sau đó để chạy ở tốc độ cầm chừng trong vài phút.

Nhiên liệu kém

Động cơ nạp khí tự nhiên không yêu cầu thông số khắt khe đối với nhiên liệu. Tuy nhiên, các loại nhiên liệu kém chất lượng, lẫn tạp chất có thể làm hư hỏng động cơ dùng tăng áp. Nhiên liệu nhiễm tạp chất làm động cơ không vận hành ổn định và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và tuổi thọ của bộ tăng áp. Khi chạy xe dùng tăng áp, tài xế nên chắc chắn tìm được những trạm xăng uy tín để nạp nhiên liệu hoặc sử dụng nhiên liệu theo khuyên dùng của hãng xe.

Kiểm tra định kì hệ thống đường dẫn khí cao áp

Đây là bộ phận thường bị bỏ quên khi bảo dưỡng động cơ tăng áp. Tuy nhiên, chỉ cần một lỗi nhỏ trên hệ thống này là đã dẫn đến suy giảm áp suất tăng áp. Lúc này, tua bin tăng áp cần vận hành tốc độ cao hơn để bù áp suất đã mất làm cho tuổi thọ của hệ thống bị giảm đi nghiêm trọng.

Bởi vậy, hãy thường xuyên kiểm tra định kỳ hệ thống đường dẫn khí cao áp, tránh hỏng hóc đáng tiếc có thể xảy ra.

Những điều trên tuy có vẻ đơn giản nhưng rất nhiều người lại quên hoặc chủ quan, không chú trọng đến và hậu quả là những hỏng hóc không đáng có. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích về việc sử dụng động cơ tăng áp để đảm bảo “sức khỏe” cho chiếc xe của bạn.

  • Anh6