Số lượng xe đạp điện ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Kéo theo đó là hàng loạt những hiện tượng vi phạm ATGT và có thể gây ra hiểm họa về môi trường (xem loạt bài trên Báo Giao thông từ số 146, 147, số 19 cuối tuần). Các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nói gì về loại phương tiện đang được ưa chuộng này?
Xe lậu nhiều, khó kiểm soát tốc độ
Các ông có thể cho biết, đến nay ở Việt Nam có bao nhiêu xe đạp điện?
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT:
Bộ GD&ĐT chưa thống kê số lượng học sinh, sinh viên đến trường bằng xe đạp điện, do đó chưa có số liệu này. Tuy nhiên, theo báo cáo từ các địa phương, số lượng học sinh, sinh viên đến trường bằng xe đạp điện khá đông và ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các thành phố, thị xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam:
Toàn quốc hiện có hơn 50 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2015, Cục đã cấp chứng nhận chất lượng cho hơn 60 kiểu loại xe máy điện, xe đạp điện; Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật cho hơn 54.800 xe đạp điện và hơn 37 nghìn xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu.
Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng số lượng xe máy điện, xe đạp điện đã được đưa ra thị trường và đang tham gia giao thông. Số lượng xe không đăng ký với Cục để kiểm tra chất lượng lớn hơn rất nhiều. Số lượng xe “ngoài luồng” này thuộc các dạng như: Nhập lậu, sản xuất, lắp ráp chui chưa được Cục cấp giấy chứng nhận chất lượng...
Trung tá Trần Xuân Sinh, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh: Khó có thống kê chính xác về số lượng xe đạp điện đã đưa vào sử dụng, bởi loại phương tiện này không đăng ký. Nhưng số liệu từ một số trường học cho thấy, xe đạp điện hiện là phương tiện phổ biến của học sinh, sinh viên, chiếm 40-60% tổng số phương tiện của đối tượng này. Chưa kể, xe đạp điện còn là phương tiện được nhiều người nghỉ hưu, nội trợ, văn phòng... lựa chọn.
Dù chưa có một số liệu thống kê chính xác, nhưng thực tế cho thấy, số lượng xe đạp điện ở nước ta đang tăng mạnh. Phải chăng, xe đạp điện được ưa chuộng vì có quá nhiều ưu điểm: Chạy nhanh như xe máy nhưng không cần đăng ký, đăng kiểm, không cần GPLX, MBH, lại gọn nhẹ, tiết kiệm, sạch?
Ông Nguyễn Tô An: Nói xe đạp điện “toàn không” như trên là không đúng. Theo quy định, xe đạp điện, xe máy điện phải được kiểm tra an toàn kỹ thuật mới được tham gia giao thông. Quá trình lưu thông, người điều khiển và ngồi trên phương tiện phải chấp hành nghiêm pháp luật trật tự ATGT.
Về tốc độ, xe đạp điện, xe máy điện cũng không thể như xe máy. Bởi, Bộ GTVT đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, xe máy điện. Trong đó, vận tốc thiết kế lớn nhất cho phép đối với xe đạp điện là không quá 25 km/h, xe máy điện không quá 50 km/h, mô tô điện trên 50 km/h. Các kiểu loại xe phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có tiêu chí về tốc độ mới được cấp chứng nhận đăng kiểm.
Đối với các xe đạp điện, xe máy điện chạy tới 40-50 km/h là xe trôi nổi trên thị trường không qua đăng kiểm. Khi chạy xe với tốc độ gấp đôi tốc độ tối đa cho phép, cực kỳ nguy hiểm, nhất là khi xảy ra va chạm, TNGT.
PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Nói xe đạp điện sạch là không chính xác, không tác động đến môi trường, tiết kiệm nhiên liệu là chưa chính xác.
Sạch chỗ này, bẩn chỗ khác
Thưa PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe, vì sao ông nói xe đạp điện không sạch trong khi loại phương tiện này chỉ sử dụng điện, không phát thải khí?
Đúng là xe đạp điện không xả khí, không dùng nhiên liệu, không xả các khí độc hại khác nhưng lại chạy ắc-quy. Ắc-quy thì nạp điện, mà đã nạp điện thì không thủy điện cũng nhiệt điện. Mà nhu cầu đi lại của cả triệu chiếc xe đạp điện, xe máy điện, để cho “anh điện” gánh thì công suất phát điện phải cao lên. Như vậy, sẽ kéo theo những hệ lụy về môi trường, như phá rừng đốt than, khai thác mỏ...
Thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện và chấn chỉnh gần 20 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện để xảy ra vi phạm, trong đó có việc sản xuất, lắp ráp loại xe chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng hoặc không đúng với kiểu loại xe đã được chứng nhận chất lượng.
Thứ hai, mỗi xe đạp điện thường gắn 3-4 bình ắc quy, mỗi bình ắc quy có tuổi thọ hai năm. Đó là tuổi thọ nhà sản xuất đưa ra, còn với những loại xe trôi nổi, ngoài luồng, thì có thể tuổi thọ ắc quy còn ngắn hơn. Thử tưởng tượng, Việt Nam có 1 triệu xe đạp điện thì trong hai năm, sẽ có 3-4 triệu bình ắc-quy chì phế liệu thải ra môi trường.
Ắc-quy chì thuộc vào nhóm chất thải nguy hại. Nhưng ở Việt Nam, bình ắc quy thải loại vứt tràn lan và mấy làng nghề thủ công sẽ thu gom, tái chế, ô nhiễm chì sẽ lan tỏa ra môi trường cực lớn.
Xe đạp điện nhìn qua tưởng không tác động gì, nhưng lại có tác động rất lớn. Nó giữ sạch cái này, thì bẩn cái kia.
Tức là với góc độ của một chuyên gia môi trường, ông không ủng hộ việc sử dụng xe đạp điện?
Bất cứ cái gì cũng có mặt trái, xe đạp điện hay bất cứ cái gì cũng vậy. Nếu mình có cơ chế rõ ràng, quy định rõ ràng, thì mình dùng được thôi, chứ cũng không nên từ chối cái gì cả.
Quản lý phù hợp
Vậy theo các ông, cần làm gì với xe đạp điện để vừa đảm bảo ATGT, vừa bảo vệ môi trường?
Ông Ngũ Duy Anh: Hiện tượng học sinh, sinh viên đi xe đạp điện vi phạm Luật GTĐB vẫn diễn ra, điều này xuất phát từ nhiều lý do như: Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh, sinh viên chưa nghiêm túc; Nhiều phụ huynh chưa thật sự nghiêm khắc trong việc giáo dục con em chấp hành pháp luật về giao thông; Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT chưa cao; việc xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng chưa triệt để, chưa kịp thời để răn đe...
Muốn học sinh đi xe đạp điện đảm bảo an toàn, cha, mẹ học sinh, sinh viên phải nghiêm túc thực hiện Luật GTĐB để làm gương cho con và phải thật sự nghiêm khắc trong việc giáo dục, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật về giao thông; Nhà trường cần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho học sinh, sinh viên, có chế tài xử lý cụ thể, nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm; Việc xử lý của các lực lượng chức năng phải quyết liệt, triệt để, kịp thời, thường xuyên...
PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe: Đối với những nơi cần tiếng ồn, không phát xả, như bệnh viện, công viên, phục vụ du lịch... nên dùng các loại xe điện. Nhưng kể cả trong trường hợp này, tôi ủng hộ ô tô điện vì chở được nhiều người, thay vì nhiều chiếc xe đạp điện.
Ở tầm vĩ mô, cơ quan chức năng cần lưu ý đến nhu cầu sử dụng điện. Cả nước có hàng triệu xe đạp điện, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khá lớn. Dù điện dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, nhưng hiện chúng ta vẫn đang kêu gọi tiết kiệm điện và tác động môi trường liên quan đến lượng điện cung cấp cho các xe đạp điện. Đặc biệt, cần quản chặt số lượng bình ắc-quy thải ra bao nhiêu, đã có quy định về thu gom, tái chế chưa.
Ông Nguyễn Tô An: Nguyên nhân khiến xe đạp điện “ngoài luồng” nhiều như vậy là do đầu ra bị thả lỏng, xe máy điện không đăng ký biển số, xe đạp điện không dán tem hợp quy chuẩn vẫn được bày bán và lưu thông bình thường. Để giải quyết được vấn đề trên, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Đăng kiểm Việt Nam mong muốn có sự hỗ trợ, vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, lực lượng liên ngành về chống buôn lậu, quản lý thị trường, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông.
Trung tá Trần Xuân Sinh: Thực ra xe đạp điện là phương tiện đi lại hàng ngày, luật không cấm. Xe đạp điện lại không cần đăng ký, đăng kiểm, không cần bằng lái... Vì vậy, để đảm bảo cho việc xử phạt thì không có phương án gì khác ngoài việc giữ xe. Nhưng nếu giữ xe thì người điều khiển phương tiện lại không có phương tiện đi tiếp. Do đó, để quản lý xe đạp điện, đảm bảo ATGT, cần tăng cường tuyên truyền nhiều hơn để mọi người cùng nhìn nhận đúng mặt tiện, mặt có hại của xe đạp điện, đồng thời các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm, đồng bộ, tạo tính răn đe.
Cảm ơn các ông!
LVL(theo Baogiaothong.vn)