Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mới đây chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN phối hợp với đơn vị chức năng gộp tem kiểm định ôtô và tem nộp phí sử dụng đường bộ thành một để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, trong tháng 10/2015 sẽ có phương án thực hiện cụ thể.
Chỉ còn 1 loại tem dán trên kính xe
Việc phát hành, quản lý Tem kiểm định phương tiện và Tem sử dụng đường bộ đang được thực hiện thế nào, thưa ông?
Những vấn đề liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hiện nay đang được thực hiện theo Thông tư số 133 năm 2014 của Bộ Tài chính. Việc nộp, thu phí sử dụng đường bộ (SDĐB) được thực hiện tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới trên toàn quốc. Theo quy định, sau khi chủ phương tiện nộp phí SDĐB sẽ được cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí SDĐB để dán trên kính trước của xe bên cạnh Tem kiểm định.
Cũng cần nói thêm là hai loại tem này chu kỳ hiệu lực có thể khác nhau. Do Tem SDĐB được phát hành, sử dụng độc lập nên tất nhiên sẽ phát sinh thêm các thủ tục liên quan, làm mất thêm thời gian chờ đợi của khách hàng.
Ông có thể nói rõ hơn về những lợi ích mang lại khi gộp hai loại tem làm một?
Bên cạnh vấn đề tem nộp phí SDĐB, quá trình triển khai thực hiện Thông tư 133 cũng phát sinh một số bất cập, vì vậy tháng 7/2015, Cục Đăng kiểm VN có một số kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung Thông tư này, trong đó đề xuất bỏ áp dụng Tem nộp phí SDĐB. Nếu bỏ Tem này sẽ giúp rút ngắn thời gian của khách hàng khi đi đăng kiểm, đồng thời cũng tiết kiệm được kinh phí in ấn, cấp phát, dán loại tem này. Trên kính xe cũng chỉ còn lại một chiếc tem. Điều này giúp chủ xe tiết kiệm thời gian làm thủ tục, giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, phát hiện vi phạm.
Vậy khi nào Cục Đăng kiểm VN sẽ có phương án cụ thể hợp nhất hai loại tem trên?
Như đã nói ở trên, Cục Đăng kiểm VN đã đề xuất bỏ Tem nộp phí SDĐB từ đầu tháng 7, song có nhiều ý kiến chưa đồng thuận vì cho rằng người dân khó có thể nhận biết được phương tiện này đã nộp phí SDĐB hay chưa, khi nào thì đến hạn nộp phí. Và gần đây, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng và ý kiến tham gia của Hội đồng Khoa học kỹ thuật Bộ GTVT, trong tháng 10 chúng tôi sẽ đề xuất cụ thể nội dung hợp nhất hai loại tem trên và đưa ra giải pháp để người dân có thể nhận biết được hạn nộp phí SDĐB của phương tiện.
Có cơ chế ngăn ngừa chậm nộp phí
Khi gộp hai loại tem làm một sẽ có các trường hợp như kỳ hạn nộp phí ngắn hơn kỳ hạn đăng kiểm, có thể dẫn đến trường hợp chủ phương tiện không tự giác nộp phí mà vẫn cho xe hoạt động. Làm thế nào để ngăn được các trường hợp cố tình chậm nộp phí, thưa ông?
Để khuyến khích chủ phương tiện sớm nộp phí sử dụng đường bộ, trong Thông tư 133 có cơ chế giảm trừ phí cho người nộp sớm (từ tháng thứ 13 trở đi được giảm trừ 8% và từ tháng thứ 25 trở đi được giảm trừ 15% trên số phí nộp sớm). Còn trường hợp chậm nộp phí sẽ bị truy thu. Tới đây, nếu bỏ Tem nộp phí SDĐB, để các chủ phương tiện tự giác đi nộp phí (trong trường hợp kỳ nộp phí ngắn hơn kỳ kiểm định), Cục Đăng kiểm VN đề xuất truy thu phí sử dụng đường bộ ở mức cao hơn đối với chủ phương tiện chậm nộp phí để đảm bảo công bằng đối với các chủ phương tiện tích cực, thực hiện nộp phí đúng quy định.
Tuy nhiên, những nội dung trên mới chỉ là đề xuất từ phía Cục Đăng kiểm VN và chỉ được áp dụng khi đã được các cấp thẩm quyền xem xét, quy định.Câu hỏi cuối, xin ông cho biết kết quả thu phí trong 9 tháng năm 2015 thế nào?Trong 9 tháng, tổng số thu phí SDĐB cả nước đối với xe ô tô (không kể xe thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng) là: 4.190 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch được Hội đồng Quỹ giao năm 2015.
Cảm ơn ông!
LVL(Theo Baogiaothong.vn)