Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT được tích hợp sửa đổi trên cơ sở các Thông tư quy định về thủ tục quản lý và quy định về kỹ thuật kiểm tra trong công tác kiểm định trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, minh bạch trong thủ tục kiểm tra, tạo điều kiện, tránh phiền hà cho chủ xe, lái xe khi đi kiểm định; tạo điều kiện cho các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nhưng vẫn tăng cường được quản lý nghiệp vụ, trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và vẫn đảm bảo quản lý của hệ thống, cụ thể:
1. Tách bạch thủ tục lập Hồ sơ phương tiện và Kiểm định xe, tạo điều kiện cho chủ xe có quyền lựa chọn hoặc thực hiện cả hai việc hoặc từng việc đối với xe mới đưa vào hoạt động.
2. Về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hồ sơ khi đưa xe vào kiểm định:
- Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định kiểm định cả khi xe có biển số đăng ký nhưng mới chỉ có giấy hẹn đăng ký của cơ quan Cảnh sát Giao thông; Thông tư 56/2012/TT-BGTVT cũ quy định Giấy phải có dấu của cơ quan đăng ký, trên thực tế cơ quan đăng ký các địa phương hầu như không đóng dấu vào Giấy hẹn.
- Không yêu cầu chủ xe, lái xe xuất trình Giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu khi đưa xe đi lập Hồ sơ và kiểm định lần đầu. Các đơn vị căn cứ dữ liệu tra cứu trên mạng nhập khẩu tại cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT, của Chính phủ để kiểm tra. Việc này giảm giấy tờ đầu vào, chủ xe tránh được những trường hợp mất mát giấy tờ đồng thời cũng ngăn chặn được tình trạng một số đối tượng cố tình sửa chữa Giấy chứng nhận nhập khẩu nhằm lừa khách hàng để trục lợi.
- Không yêu cầu chủ xe xuất trình Giấy chứng nhận thiết bị chuyên dùng lắp trên xe cơ giới, để chủ xe tự lựa chọn, thuận lợi khi đi kiểm định xe.
Khi có thay đổi thông tin hành chính: Chủ xe chỉ phải mang các giấy tờ liên quan đến đơn vị đăng kiểm để ghi nhận thay đổi mà không phải kiểm định lại.
3. Thực hiện cải cách mạnh về nội dung kiểm tra xe cơ giới trong quá trình kiểm định theo hướng:
- Áp dụng nhiều hơn nữa các khuyến nghị của Tổ chức đăng kiểm ôtô quốc tế (CITA).
- Giúp tăng chất lượng kiểm định; đánh giá đúng thực tế và phù hợp với loại xe kiểm định; giảm thời gian chờ của khách hàng.
- Nâng cao trình độ, trách nhiệm và vai trò của đăng kiểm viên trong công tác kiểm định xe cơ giới.
4. Phục vụ kiểm soát tải trọng.
- Tiếp tục yêu cầu chụp ảnh in trên Giấy chứng nhận kiểm định để giúp cơ quan chức năng trong kiểm soát thùng xe.
- Bổ sung thông số đầy đủ hơn trong Giấy chứng nhận kiểm định: khối lượng toàn bộ thiết kế, khối lượng hàng chuyên chở thiết kế, tạo điều kiện cho cơ quan cấp phép lưu hành đặc biệt và chủ xe thuận lợi hơn khi xin Giấy phép lưu hành quá tải; thể hiện đầy đủ chiều dài cơ sở, công thưc bánh xe (số trục xe) tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xem xét, xử lý quá tải theo Quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT.
- Với đối tượng xe đương nhiên phải xin giấy phép quá tải, quá khổ khi tham gia giao thông, những xe này chỉ được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và trên Giấy có ghi chú dòng chữ “Khi tham gia giao thông phải xin phép cơ quan quản lý đường bộ” minh bạch rõ đối tượng cho chủ xe biết khi đưa vào hoạt động.
Để giảm thời gian và chi phí khi đi kiểm định, Chủ xe cần thực hiện bảo dưỡng phương tiện tại các cơ sở bảo dưỡng có uy tín, khi thay vật tư, phụ tùng cần thay phụ tùng chính hãng, không sử dụng vật tư, phụ tùng trôi nổi, kém chất lượng. (Theo VAR, VR).
Admin.