Nói như vậy cũng có nghĩa là văn minh đô thị không thể tách rời văn hóa. Văn minh đô thị luôn được định hình và chịu sự ảnh hưởng từ nền tảng văn hóa dân tộc. Sự tương tác ấy đòi hỏi văn minh đô thị phải dựa trên nền tảng văn hóa, lấy văn hóa làm bệ đỡ, làm định hướng nếu không sẽ biến đời sống đô thị thành cỗ máy khổng lồ, vô cảm. Nếu bảo tồn văn hóa mà không chú ý đến văn minh hiện đại thì rất dễ rơi vào tình trạng bảo thủ, trì trệ và lạc hậu. Văn hóa và văn minh đô thị phải được coi là hai người bạn đồng hành hỗ trợ cho nhau. Văn hóa giúp cho văn minh đô thị có tính định hướng; văn minh đô thị bổ sung cho văn hóa dân tộc tính hiện đại, hội nhập và phát triển.
Ở nước ta, theo thống kê của Bộ Nội vụ, những năm qua, mạng lưới đô thị phát triển cả về số lượng, quy mô dân số, diện tích đất đai và đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Năm 1999 cả nước có 629 đô thị thì năm 2012 đã lên tới 758 đô thị. Trong đó có 2 TP loại đặc biệt (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), 12 đô thị loại I, 10 đô thị loại II, 51 đô thị loại III, 55 đô thị loại IV, 630 đô thị loại V. Tổng dân số đô thị khoảng 27.200.000 người, chiếm 31,01% dân số cả nước. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, mức tăng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước.
Văn minh đô thị đã có những chuyển biến tích cực, nhanh chóng trong những năm gần đây nhưng nhìn chung các đô thị ở nước ta vẫn còn yếu kém về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhất là cơ sở hạ tầng lẫn lối sống, nếp sống của con người đô thị. Cụ thể như tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị chỉ đạt khoảng 13% đất xây dựng đô thị (trong khi yêu cầu là 20-25%), hay tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt dưới 1% đất xây dựng đô thị (yêu cầu từ 3 đến 3,5%). Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chưa cân đối với sự phát triển đô thị và tăng trưởng dân số; công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn, bền vững còn nhiều hạn chế; phát triển đô thị chưa phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa, đặc trưng của từng vùng, miền, các đặc thù sinh thái nhân văn trong quy hoạch và kiến trúc đô thị. Đời sống đô thị vẫn tồn tại các vấn đề bức xúc kéo dài mà không giải quyết được như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội…
Tại sao tình trạng này vẫn diễn biến triển miên, mặc dù đã trải qua mấy năm liền xây dựng văn minh đô thị? Ta có thể tìm được câu trả lời trong văn hóa.Văn hóa mang đặc tính tĩnh, thường ổn định, có sức mạnh di truyền như một bộ gien xã hội, vì thế khó thay đổi. Trên thực tế đối với đô thị mới thành lập, hình thành một NẾP SỐNG VĂN MINH thường mất khoảng 10-20 năm, thì một chuẩn mực văn hóa mới có thể được định hình rõ nét, thậm chí còn lâu hơn.
Tốc độ đô thị hóa của đất nước ta quá nhanh, trong khi cách cảm, cách nghĩ, cách làm của con người với tư cách là những chủ thể đô thị thì đòi hỏi phải có thời gian “nhập thân văn hóa” với những thành tựu văn minh đô thị của thế giới hiện đại trong cả hai lĩnh vực như phần trên đã nêu là quy hoạch, kiến trúc đô thị và tổ chức lối sống đô thị.
Văn minh đô thị không phải là việc làm của một hay hai năm, không phải việc có thể làm theo phong trào, mà là cả một quá trình tích lũy, hình thành giá trị xã hội đô thị của quốc gia dân tộc với những chuẩn mực đạo đức chung, những quy tắc sinh hoạt xã hội, trật tự công cộng và chuẩn tắc giao thông đô thị. Để có được văn minh đô thị chúng ta cần phải có giải pháp văn hóa, tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, giáo dục ý thức văn minh đô thị. Trong giáo dục ý thức văn minh đô thị cho mọi cư dân, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Có thể lồng ghép chương trình giáo dục “Tác phong văn minh đô thị Việt Nam” vào chương trình giáo dục công dân các cấp trường học, vào các hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành, ngay từ tiểu học. Đây là tiền đề có ý nghĩa phương pháp luận và chúng ta cũng đã đề cập tới nhiều lần, song giáo dục như thế nào để đạt được hiệu quả như mong muốn, cần tham khảo cách làm của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực.
Thứ hai, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Hiện tại chúng ta đã có nhiều những quy định, luật lệ về nếp sống văn minh đô thị với nội dung phong phú, kế thừa được kinh nghiệm của các nước phát triển đã đô thị hóa nhiều thế kỷ. Năm 2013 chúng ta đã thử nghiệm việc xây dựng chính quyền đô thị ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh… Bài học về văn minh đô thị của những quốc gia Đông - Tây trên thế giới đã chỉ ra rằng, việc cấp bách hiện nay là cần điều chỉnh hình thức xử phạt hành chính đối với những hành vi xấu trong thói quen hàng ngày, không phải là hiện tưởng đơn lẻ mà đã từ lâu mang tính chất phổ biến như hiện tượng giao thông không theo một luật lệ nào, tùy tiện xả rác trên đường phố, học hành, hội họp theo kiểu “giờ cao su” bất chấp nội qui, qui chế… để đủ sức răn đe, khắc phục kiên quyết bệnh cả nể, du di, thiếu tôn trọng pháp luật.
Thứ ba, cán bộ làm tấm gương văn minh đô thị. Muốn dân tôn trọng pháp luật thì trước hết cán bộ phải hành xử theo hiến pháp và pháp luật, phải tạo điều kiện cho người dân chấp hành pháp luật và chính mình phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Năm 2010, Luật Quy hoạch đô thị đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thi hành. Đây chính là cơ sở để văn minh đô thị hình thành và phát triển. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, người cán bộ, nhất là cán bộ quản lý đô thị càng cần phải là một tấm gương “tinh thần luật pháp”, đề cao dân chủ, kiên quyết không để lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm có hành vi lách luật xâm hại đến văn minh đô thị.
Văn minh đô thị, thực chất nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thiết lập các mối quan hệ ứng xử hài hòa, bền vững giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong quá trình đô thị hóa. Văn minh đô thị hoàn thiện các chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam, tạo điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước.