Thực chất nội dung "5 xây", "3 chống" không phải là nội dung mới, nó được trao đổi, thảo luận nhiều ở nhiều diễn đàn và cũng đã có nhiều đề xuất giải pháp khác nhau; song để tập trung, tìm giải pháp cụ thể, hiệu quả, tác động trực tiếp đến hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là việc làm khó và càng trở nên khó khăn hơn trong việc nhận diện, đánh giá kết quả thực hiện nội dung về "5 xây", "3 chống".
Sơ kết qua một năm thực hiện, kết quả được ghi nhận đầu tiên là đã thống nhất tạo ra quan điểm, nhận thức chung về những việc cần xây và những việc cần tập trung chống gắn kết với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014; đã huy động được lực lượng đông đủ, hầu như tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị của thành phố và một bộ phận nhân dân tham gia vào cuộc vận động; mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của thành phố đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao; mỗi người dân cũng có thể theo dõi, giám sát hành vi, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện "5 xây", "3 chống". Đó là môi trường nhằm có thể cải thiện mối quan hệ phục vụ nhân dân của hệ thống hành chính địa phương ngày càng tốt hơn.
Kỳ vọng lớn nhất của việc thực hiện "5 xây", "3 chống" đó là từ sự thay đổi của mỗi cá nhân, con người– cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến sự thay đổi của tập thể - mỗi cơ quan, đơn vị để tạo nên sự chuyển mình thay đổi chung, mạnh mẽ hơn nữa của cả thành phố; để làm được điều đó không chỉ có chủ trương đúng đắn, quyết tâm cao của lãnh đạo, người quản lý các cấp mà đòi hỏi phải từ hành động cụ thể của con người cụ thể, đặc biệt nhất là đối với cá nhân từng cán bộ, công chức, viên chức ở từng vị trí việc làm, trách nhiệm được giao, nhiệm vụ, công việc được phân công, phụ trách.
Trong thời gian quan có thể còn nhiều cơ quan, đơn vị còn lúng túng, không chỉ trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện mà còn lúng túng trong nội dung đăng ký của cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, thực tế cũng đã có những cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đăng ký nội dung nhiệm vụ rất sát thực, cụ thể với nhiệm vụ, công việc của mình nhằm tạo sự chuyển biến chính từ bản thân mình và cũng đã có những tập thể các cơ quan, đơn vị xác định đúng đắn được lĩnh vực, công việc nhạy bén, có tính phức tạp, nổi cộm, thường xuyên tiếp xúc với tổ chức, công dân của ngành, lĩnh vực mình phụ trách và có giải pháp tập trung tháo gỡ, giải quyết mang lại lợi ích thiết thực và sự thuận lợi nhất định cho người dân; song những cá nhân, tập thể như trên chưa nhiều, có chăng thì việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá thiếu chuẩn xác và đây cũng có thể nói là khâu yếu nhất trong thực hiện về "5 xây", "3 chống" hiện nay.
Để khắc phục tình trạng trên, không gì khác hơn là phải từ hành động cụ thể của những người cụ thể; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải soi xét bản thân mình, đăng ký làm một việc trong những việc đang làm, có thể là việc khó nhất, hạn chế, nhiều sai sót nhất để thực hiện các nội dung của "5 xây", "3 chống"; bản thân không xác định được hoặc đăng ký chưa phù hợp thì tập thể lãnh đạo, cấp ủy nơi đó phải gợi ý, tham gia để cá nhân đăng ký nội dung thực hiện. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý ở mỗi cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao cần thể hiện trách nhiệm nêu gương; rà soát nhiệm vụ, nội dung đăng ký của cá nhân do mình phụ trách; xác định đúng, có giải pháp cụ thể đối với công việc, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, còn có bức xúc, nổi cộm, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân của cơ quan, đơn vị mình để tập trung giải quyết. Bên cạnh đó, nếu không xây dựng, xác định được tiêu chí đánh giá thì cũng phải chỉ ra cho được sản phẩm kết quả đầu ra của việc nội dung đăng ký thực hiện "5 xây", "3 chống" tại cơ quan, đơn vị mình đồng thời phân công bộ phận, người phụ trách việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện. Ngoài sự nổ lực của chính bản thân của cả hệ thống chính trị (trong đó phát huy tốt vai trò phản biện, góp ý xây dựng chuyên đề về "5 xây", "3 chống" của mặt trận, đoàn thể đối với đảng, chính quyền) nhất thiết cũng cần huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, sự đóng góp ý kiến xây dựng của người dân, nhất là đối với những người trực tiếp giao dịch, quan hệ giải quyết công việc hành chính với cơ quan nhà nước. Có được như vậy, sẽ góp phần quan trọng, thiết thực vào hiệu quả thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng./.