Năm 2017 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, thành phố và của quận, Quận ủy, UBND quận đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Từ năm 2017 đến tháng 6-2018, Công an quận đã điều tra, khám phá 115/139 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 83%), bắt xử lý 211 đối tượng; tỷ lệ khám phá trọng án đạt 100%. Đồng thời, điều tra, khám phá 56 vụ, bắt 77 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; kiểm tra, phát hiện xử lý 1.072 lượt đối tượng nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy; triệt xóa 5 điểm, bắt quả tang 144 vụ, 563 đối tượng hoạt động cờ bạc dưới các hình thức; xử phạt 454 trường hợp vi phạm về lưu trú, tạm trú, trên lĩnh vực thương mại, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tai nạn giao thông trên toàn quận Thanh Khê trong năm 2017 giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ, không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt; tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, tai nạn giao thông có chiều hướng tăng, xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông làm 6 người chết, 1 người bị thương, tăng 2 vụ, 2 người chết so với cùng kỳ. Quận đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp rà soát các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông, đề xuất, kiến nghị thành phố những biện pháp khắc phục tại các vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông; đề nghị lắp đặt biển báo, triển khai quy định cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ đến các hộ dân dọc tuyến đường liên quan; tổ chức tuyên truyền trực quan, điều chỉnh các panô tuyên truyền về an toàn giao thông; dự kiến trong năm 2018 sẽ đóng tất cả các đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt và áp dụng nhiều giải pháp khác nhằm phấn đấu kiềm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn quận.
Về công tác an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu chăm sóc người có công, Quận ủy, UBND quận tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể triển khai tốt các chính sách đối với gia đình và người có công cách mạng; đảm bảo việc chi trả đầy đủ, thường xuyên các chế độ đối với các đối tượng chính sách, người có công, nhất là trong các dịp lễ, tết. Công tác giảm nghèo cũng được chú trọng thực hiện bằng nhiều biện pháp phối hợp giúp đỡ thiết thực như cho vay vốn, hỗ trợ phương tiện sinh kế, cấp học bổng cho học sinh nghèo... Từ nguồn quỹ Vì người nghèo, ngân sách quận và hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị thành phố, năm 2017 đã xây mới 33/16 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 162/132 nhà cấp 4 xuống cấp cho hộ nghèo. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,6%, trong đó, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 29,9%, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 28,7%. Công tác kiểm tra, giám sát các dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết, dịch tay - chân - miệng, dịch thủy đậu, được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý và dập tắt các ổ dịch, không để xảy ra tử vong. Các chương trình y tế quốc gia thực hiện đầy đủ và có hiệu quả; 10/10 trạm y tế phường trên địa bàn quận đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, phường đến năm 2020.
Công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn quận thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, tổ chức các đoàn kiểm tra của quận, phường cũng như tích cực phối hợp tham gia cùng các đoàn kiểm tra của thành phố kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong các đợt cao điểm như Tháng hành động vì An toàn thực phẩm; kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, Lễ hội hoa xuân, Tết Trung thu . Năm 2017, các phòng Y tế, Kinh tế quận đã tiến hành kiểm tra 267/313 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do quận quản lý, qua đó tham mưu xử phạt hành chính 13 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, còn kiểm tra 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực Nông Lâm sản, thông báo yêu cầu các cơ sở không đạt khắc phục các lỗi sai. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn quận không xảy ra các vụ ngộ độc tập thể do thực phẩm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đánh giá cao những cố gắng cũng như những kết quả bước đầu quận Thanh Khê đạt được trong hơn 1 năm triển khai thực hiện chương trình “thành phố 4 an”. Theo Phó Bí thư, quận đã rất chủ động trong việc triển khai quán triệt đến cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân nắm bắt các yêu cầu, nội dung của việc thực hiện chương trình; do vậy những kết quả bước đầu quận đạt được là những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo nền tảng để tiếp tục thực hiện lâu dài, có hiệu quả chương trình “Thành phố 4 an”. Tuy nhiên, hơn 1 năm thực hiện chương trình cũng đã cho thấy những tồn tại, hạn chế như: tập quán buôn bán, ăn uống hàng rong của người dân gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, khu dân cư còn thấp, không hỗ trợ cho việc triển khai chương trình; nhiều vấn đề về quản lý nhà nước còn yếu, sự quan tâm chỉ đạo thực hiện không thường xuyên, liên tục, chưa tạo được ý thức thường trực trong cán bộ, Đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân.
Để chương trình tiếp tục được triển khai có hiệu quả trong thời gian đến, Phó Bí thư Thành ủy lưu ý, trong công tác tuyên truyền cần chọn phương pháp, cách thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, có tính chiều sâu hơn nhằm nâng cao sự thuyết phục, qua đó tạo ra ý thức thường trực trong mỗi người dân, tạo thành thói quen, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; đồng thời, cần phát huy vai trò của cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình 4 an.
Phó Bí thư Võ Công Trí đề nghị cán bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện chương trình cần phải nắm chắc tình hình ở cơ sở, nhất là những lĩnh vực, những địa bàn nhân dân có nhiều phản ảnh, kiến nghị về những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, nhằm kịp thời đối thoại, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu rõ vấn đề, có sự đồng thuận với chủ trương của thành phố; bên cạnh đó, tiếp tục huy động sự vào cuộc của mặt trận, đoàn thể, tăng cường có chiều sâu công tác giám sát, phản biện xã hội trên các nội dung của chương trình.
BVT (nguồn danang.gov.vn)