Nhưng theo nhiều đăng kiểm viên, công việc của họ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không ít lần bị hiểu lầm và gán cho tiếng xấu là “làm khó” chủ tàu…
Giám sát và bị giám sát
Trong mớ âm thanh hỗn tạp của tiếng búa gõ, cắt mài và nồng nặc mùi hóa chất công nghiệp ở một góc Nhà máy Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) những ngày đầu tháng 8, hai đăng kiểm viên (ĐKV) của Chi cục Đăng kiểm số 15 cần mẫn lách qua các khung giàn giáo kê đỡ dưới đáy chiếc tàu du lịch. Đây là chiếc tàu du lịch ngủ đêm vịnh Hạ Long đang đóng mới, nên mọi chi tiết, từ vết hàn, chiếc bu lông bắt vào chân vịt, hệ thống bánh lái, hệ trục tàu... đều phải soi xét tỉ mỉ. Nhìn bên ngoài, ĐKV chẳng khác những công nhân, kỹ sư đang thi công, chỉ khác ở bộ trang phục bảo hộ lao động màu trắng và di chuyển khắp các vị trí của chiếc tàu.
Xong phần đáy tàu, họ lại leo theo giàn giáo cao chót vót bắc quanh chiếc tàu để kiểm tra các chi tiết đường hàn phần thân, hệ thống van thông. Mỗi chi tiết kiểm tra, ĐKV đều phải ghi chép lại để lập biên bản và chụp ảnh. “Vỏ tàu, các đường hàn đã được kiểm tra bằng máy siêu âm để phát hiện khuyết tật. Giờ tàu được kê kích lên để khớp nối các phần với nhau, nhưng vẫn phải kiểm tra lại để đánh giá quá trình kê kích có làm biến dạng chi tiết nào ảnh hưởng đến chất lượng thân vỏ tàu không”, ĐKV tên Hiếu chia sẻ.
"Đăng kiểm viên tàu biển, phương tiện phải đến tận nơi phương tiện neo đậu để thực hiện công việc theo thời gian, địa điểm chủ tàu bố trí. Hình thức hậu kiểm, kiểm tra đột xuất phương tiện, kiểm tra chéo phương tiện và phối hợp liên ngành kiểm tra đột xuất phương tiện giữa 2 kỳ đăng kiểm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của đăng kiểm viên hiện trường và ngăn ngừa vi phạm quy trình kiểm định, tiêu cực. Thời gian qua, một số đăng kiểm viên, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm đã bị xử lý kỷ luật do để xảy ra vi phạm”.
Ông Trần Kỳ Hình
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN
|
Cũng theo anh Hiếu, đây là giai đoạn kiểm tra phần chìm dưới nước trước khi tàu được hạ thủy. Nếu phát hiện biến dạng, ĐKV sẽ mời kỹ sư giám sát thi công của nhà máy đóng tàu để lập biên bản, thống nhất phương án khắc phục. Sau giai đoạn này, tàu được hạ thủy, rồi đến công đoạn thi công và giám sát thi công nội thất tàu. “Trong mỗi bức ảnh thể hiện ngày, giờ kiểm tra, giám sát quá trình đóng phương tiện. Ảnh còn được lưu vào hồ sơ để làm căn cứ đánh giá công việc, chất lượng kiểm định”, ĐKV tên Phát cho biết thêm.
Cũng tại công trường Nhà máy đóng tàu Hạ Long, ông Vũ Đắc Quyền, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 cho biết, ĐKV hiện trường không chỉ bị giám sát qua “hồ sơ ảnh” kiểm định mà còn chịu sự giám sát bởi kiểm tra chéo và “phong bì kín” từ chủ phương tiện, đơn vị thi công. “Mỗi phương tiện thường có một cặp ĐKV giám sát chất lượng. Theo yêu cầu của Cục Đăng kiểm VN, các ĐKV giám sát thi công tàu đóng mới, đăng kiểm định kỳ phương tiện chở khách, tàu dầu, hàng nguy hiểm còn chịu sự kiểm tra chéo, độc lập của ĐKV khác về kết quả kiểm định. Cùng đó, đơn vị định kỳ lấy ý kiến của khách hàng bằng phát phiếu kín, nội dung góp ý được dán tem và chuyển về bằng “phong bì kín” để ĐKV không biết nội dung”, ông Quyền cho biết.
Đề cập chuyện giám sát ĐKV, đơn vị trực tiếp kiểm định tàu biển, tàu sông, lãnh đạo Phòng Tàu biển và Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, vài năm gần đây còn áp dụng chế độ kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên với chất lượng kiểm định phương tiện của các đơn vị đăng kiểm. “Các phương tiện thủy đóng mới trước khi hạ thủy đều phải thông báo cho Cục Đăng kiểm. Tùy tính chất, mức độ phức tạp, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên, nhằm phúc tra chất lượng kiểm định của đơn vị, ĐKV. Tuy gây áp lực cho đơn vị, ĐKV nhưng giúp các đơn vị nâng ý thức kiểm soát chất lượng kiểm định”, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN chia sẻ.
Và áp lực từ dư luận
Ông Hứa Trung Sơn, đại diện Công ty Đại Dương Xanh - chủ của 3 tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long và đang đóng mới 5 tàu du lịch vỏ sắt cho biết, ĐKV cũng giống như người bạn đồng hành, giúp chủ phương tiện, doanh nghiệp yên tâm khi đưa tàu vào vận hành. “Tàu thuyền nhìn trên bờ thấy to nhưng chỉ như chiếc lá tre mỏng manh khi hoạt động trên biển, trên sông. Nhờ đăng kiểm mà chủ phương tiện thấy được khiếm khuyết, hạn chế kỹ thuật của phương tiện. Quy trình đăng kiểm tàu thuyền khá khắt khe, nhưng càng khắt khe càng tốt”, ông Sơn nói.
Nghề đăng kiểm là vậy, nhưng không ai phải cũng hiểu và chia sẻ. Theo lãnh đạo nhiều đơn vị đăng kiểm, không ít chủ tàu thuyền cho rằng bị đăng kiểm “làm khó” hoặc bị hiểu lầm.
Ông Nguyễn Hải Triều, Trưởng chi nhánh Đăng kiểm Hà Sơn Bình kể: Hồ thủy điện Hòa Bình từng là “điểm nóng” về phương tiện thủy chở khách du lịch không đăng ký, đăng kiểm. Một trong những nguyên nhân nhiều tàu được hoán cải từ tàu chở khách sang tàu du lịch nên khi áp theo tiêu chuẩn an toàn không đủ điều kiện để cấp chứng nhận kiểm định, song chủ phương tiện không muốn đầu tư nâng cấp phương tiện mà chỉ xin được cấp đăng kiểm vì đặc thù... vùng nước ít bão gió, kinh tế khó khăn.
“Nhiều cuộc họp để tuyên truyền, vận động người dân hiểu, thực hiện theo quy định về kiểm định chất lượng phương tiện thủy. Song có những ý kiến tại cuộc họp cho rằng, đăng kiểm gây khó dễ, phải mất mấy chục triệu đồng cho đăng kiểm mới xong… Nguyên nhân do có người hiểu nhầm, vì đó là chi phí được đơn vị tư vấn thiết kế, sửa chữa nâng cấp phương tiện. Còn chi phí đăng kiểm được tính theo giá Nhà nước quy định”, ông Triều kể.
Cùng đó, ĐKV tàu thủy cũng gặp không ít áp lực từ chính các chủ tàu. Ông Vũ Đắc Quyền, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 chia sẻ, nhiều chủ phương tiện khi được yêu cầu khắc phục, sửa chữa các chi tiết kỹ thuật để phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thường có tâm lý phản ứng, mong được bỏ qua để khỏi phải tốn chi phí, thời gian. “Nhưng đăng kiểm là nghề giữ cho phương tiện an toàn nên không thể vì áp lực từ khách hàng mà bỏ qua tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn được”, ông Quyền nói.
BVT (nguồn Báo giao thông)