Sau một năm triển khai, chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” từng bước tạo được dấu ấn đối với người dân địa phương và khách du lịch. Những hành vi ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện… đã trở thành thói quen của những người làm việc trong ngành du lịch và lan tỏa trong cộng đồng.
Sự niềm nở, thân thiện góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của thành phố. Trong ảnh: Nhân viên của Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng đang hỗ trợ thông tin cho khách du lịch quốc tế. Ảnh: THU HÀ
Đến Đà Nẵng bằng hình thức du lịch tự túc, chị Christine Morley, 20 tuổi, du khách đến từ Anh nhờ các chuyên viên của Trung tâm Hỗ trợ du khách (gọi tắt là trung tâm) tư vấn về thông tin một số điểm đến, giá của các khách sạn bình dân, các sự kiện nổi bật của thành phố, điểm thuê xe máy, phương thức di chuyển đến các khu thắng cảnh…
“Tôi cảm thấy rất hài lòng vì sự nhiệt tình, thân thiện của các bạn trẻ ở đây. Mọi thắc mắc của tôi đều được các bạn giải đáp một cách rất chi tiết, cụ thể”, chị Christine Morley vui vẻ nói. Cũng là lần đầu đến Đà Nẵng, suốt hành trình chinh phục Ngũ Hành Sơn, chị Nguyễn Thiên Lý (ở Quảng Bình) cảm thấy rất vui vì anh thuyết minh viên của khu danh thắng khá nhiệt tình và hài hước.
Dù leo mấy trăm bậc cầu thang nhưng anh vừa đi vừa kể chuyện nên mọi người trong đoàn như quên hết mệt mỏi. “Không riêng gì anh thuyết minh viên mà chúng tôi thấy tất cả mọi người từ người bảo vệ, bán hàng hay người dân đều nhiệt tình, niềm nở hướng dẫn cho chúng tôi”, chị Lý cho hay.
Là đơn vị trực tiếp phục vụ khách du lịch, ông Lê Ngọc Nhất, Phó ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết:
“Chúng tôi luôn xác định sự hài lòng của du khách chính là niềm vui của những người làm dịch vụ. Do đó, bên cạnh thái độ làm việc niềm nở, nhiệt tình, vui vẻ, chúng tôi còn thực hiện phong trào “4 xin” (xin chào, xin cảm ơn, xin phép, xin lỗi) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ) để mang lại sự hài lòng cho du khách khi đến với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn”.
Bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Sơn Trà cho biết, chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” đã được quận triển khai rộng rãi tới các cơ sở làm dịch vụ du lịch nhằm hình thành thói quen, hành vi, thái độ ứng xử văn minh lịch sự của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Quận cũng chủ động xây dựng đề án “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, trong đó chú trọng đến việc xây dựng nụ cười thân thiện, niềm nở, mến khách.
Để lan tỏa những hành động đẹp, quận cũng đã tổ chức 7 buổi tuyên truyền về chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” gắn với tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử, văn minh thương mại, nụ cười du lịch đến với các tầng lớp nhân dân tại các khu dân cư thuộc 7 phường, thu hút trên 1.500 lượt hộ tham gia.
Địa phương tăng cường tuyên truyền trên đài truyền thanh phường và quận, trang thông tin điện tử, cấp phát tờ rơi của bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch cho hơn 500 hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú trên địa bàn quận.
Theo bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” được phát động nhân sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về cách ứng xử, thái độ phục vụ du khách, đặc biệt các khách mời, đại biểu tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Ngay sau đó, ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” để sự thân thiện được lan tỏa không chỉ trong các cán bộ, công chức, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch mà đến cả những người dân địa phương.
Sự thân thiện, gần gũi của thuyết minh viên du lịch (trái) của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đã khiến du khách không cảm thấy có khoảng cách. Trong ảnh: Niềm vui của du khách sau khi chinh phục ngọn Thủy Sơn. (Ảnh nằm trong bộ ảnh tham dự cuộc thi ảnh Nụ cười Đà Nẵng của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn).
Nhờ đó, những hành động, việc làm đẹp như: hỗ trợ thông tin cần thiết cho du khách, cấp phát tờ rơi lưu ý khách tránh tình trạng bị đeo bám, chèo kéo và mua hàng lưu niệm với giá ảo; tích cực hỗ trợ, trả lại tài sản nhặt được... đã tạo được nhiều thiện cảm tốt đẹp trong lòng du khách, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Đà Nẵng với bạn bè gần, xa.
Chỉ trong thời gian ngắn đã có 1.190 tấm ảnh của các đơn vị kinh doanh dịch vụ, lưu trú, đơn vị liên quan đến phục vụ khách du lịch tham gia. Điều này góp phần giúp lan tỏa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý thức, thái độ của những người làm trong ngành du lịch.
“Trong thời gian đến, ngành du lịch sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chiến dịch nhằm tạo sự ảnh hưởng sâu rộng hơn đến cộng đồng; đồng thời tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nhằm học hỏi và cải thiện công tác chuyên môn cũng như công tác giao tiếp, ứng xử ngày một chuyên nghiệp hơn”, bà Lan nói.
Hiện đơn vị này đang thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của khách, trên cơ sở đó, có các hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức có thái độ văn minh mang lại sự hài lòng cho du khách; đồng thời xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhằm hướng đến một môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện và mến khách.
BVT (nguồn baodanang.vn)