Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020 do Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ Công an, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức ngày 18/12, tại TP Rạch Giá.
Giảm mạnh TNGT đường thuỷ
Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia, từ năm 2016 đến nay, các các địa phương đã tổ chức hơn 1,8 triệu đợt tuyên truyền cho ngư dân về Luật Thuỷ sản, Luật Giao thông ĐTNĐ, các quy định về đánh bắt thuỷ, hải sản và bảo vệ môi trường...; tổ chức hàng nghìn hội nghị, tọa đàm, in ấn và cấp phát hơn 1 triệu tờ rơi, băng rôn, cẩm nang, tài liệu.. ; cấp phát hơn 300.000 áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân... Phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng và phát sóng, đăng tải hơn 36.000 phóng sự, tin, bài tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ và về hoạt động phong trào “văn hoá giao thông với bình yên sông nước”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia đã phát động phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020. Dịp này, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã trao 75 giấy chứng nhận mô hình đạt chuẩn “Văn hóa giao thông đường thủy” giai đoạn 2016-2020.
|
Về công tác xây dựng mô hình “văn hoá giao thông đường thuỷ”, trong 3 năm thực hiện cuộc vận động giai đoạn hai, toàn quốc triển khai thêm được 262 mô hình tại 25 địa phương.
Kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2015, toàn quốc xảy ra 96 vụ TNGT ĐTNĐ, làm chết 74 người, bị thương 15 người. Năm 2017, số vụ TNGT đường thuỷ đã giảm xuống còn 99 vụ (giảm 15 vụ), làm chết 45 người (giảm 27 người), bị thương 16 người. Tính đến tháng 9/2018, toàn quốc xảy ra 58 vụ TNGT ĐTNĐ, làm chết 32 người và bị thương 5 người.
Tình hình vi phạm hành chính về TTATGT trên ĐTNĐ những năm gần đây có xu hướng giảm. Năm 2016 đã xử lý hơn 241.000 vụ vi phạm; năm 2017 số vụ bị xử lý giảm còn hơn 205.000 vụ và 9 tháng đầu năm 2018 đã lập biên bản xử lý hơn 121.000 vụ vi phạm...
Ông Đỗ Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, sau 3 năm thực hiện cuộc vận động, với sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời của Trung ương và địa phương. “Các mô hình sau khi đưa vào thực tiễn đã được quan tâm, chấn chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình thực tế và các tiêu chí của Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành. Theo đó, tình hình an ninh trật tự tại các khu vực có áp dụng mô hình theo cuộc vận động và các bến, cảng trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, góp phần giảm thiểu TNGT ĐTNĐ...”, ông Đỗ Thanh Bình chia sẻ.
Vẫn còn nhiều bất cập
Theo bà Trần Thị Xuân, Phó ban ATGT TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả đạt được, về công tác bảo đảm ATGT ĐTNĐ hiện còn nhiều bất cập và hạn chế như: Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông thủy của một bộ người dân khi tham gia giao thông chưa nghiêm; người lái phương tiện thủy không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn còn khá phổ biến. Mặt khác, phương tiện tham gia giao thông thủy, không đăng ký, đăng kiểm; phương tiện chở quá tải, quá số người quy định còn thường xuyên xảy ra. Các bến, bãi để tập kết hàng hóa; tạm giữ phương tiện vi phạm xử lý vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm đầu tư, xây dựng...
Công tác xử lý các hành vi vi phạm về ATGT ĐTNĐ cũng còn hạn chế. Việc chấp hành xử phạt của người vi phạm chưa cao. Đặc biệt, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” chưa đồng bộ, chưa huy động được nguồn lực, nên từng lúc hiệu quả chưa cao. Các địa phương quận, huyện do hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên sự phối hợp giữa các ngành có liên quan còn hạn chế...
Ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT An Giang cho rằng, cuộc vận động chủ yếu là nhằm xây dựng các mô hình. Tuy nhiên, xây dựng được mô hình đã khó, duy trì mô hình còn khó hơn nhiều vì nó liên quan đến con người, kinh phí...
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020 cho rằng, “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” không chỉ dừng lại ở việc xây dựng và duy trì các mô hình mà cần thiết phải có văn hoá trong xây dựng văn bản pháp luật; văn hoá trong thực thi pháp luật... trên cơ sở phục vụ tối đa yêu cầu người dân.
“Để thực hiện tốt cuộc vận động dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, 3 Cục (Cục CSGT, Tổng cục Đường bộ VN và Cục Đăng kiểm VN- PV) cần phải chủ động đăng ký với Uỷ ban ATGT Quốc gia để phục vụ người dân tốt nhất. Cần tạo điều kiện tối đa để người dân có chứng chỉ chuyên môn một cách hợp pháp; đăng ký, đăng kiểm phải tạo điều kiện và đến với người dân và đặc biệt lực lượng thực thi pháp luật phải làm mạnh mẽ, làm đúng pháp luật trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định, tiêu chí liên quan đến các cơ quan công quyền”, Đại tá Bình nhấn mạnh.
Tác giả: H.Thuý