Nhiều ô tô phải có phương án bảo dưỡng, sửa chữa để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới khi quyết định được ban hành.
Theo các báo cáo đánh giá chất lượng không khí, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các chỉ số NOx, CO - là các hợp chất có trong khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã vượt mức cho phép từ 1,2 - 1,5 lần, điều này đang gây tác động rất xấu đến sức khỏe người dân. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng TCKT đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Triển khai Quyết định 249, việc kiểm soát chất lượng khí thải xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu (SXLR&NK) mới đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, nồng độ CO và nồng độ HC trung bình của xe ô tô lắp động cơ xăng giảm tương ứng 63% và 45,63%; độ khói trung bình của xe ô tô lắp động cơ diesel giảm 15,1%. Phát thải chất gây ô nhiễm được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, tính đến tháng 5-2018, số lượng xe ô tô tham gia giao thông đã tăng 3,22 lần so với năm 2008 (3.050.794 xe so với 946.601 xe) và tiếp tục gia tăng với tốc độ khoảng 15%/năm, cho nên nếu xét tổng lượng phát thải từ ô tô thì mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí đô thị đã gia tăng đáng kể.
Việc ban hành quyết định mới cũng nhằm đồng bộ với lộ trình kiểm soát khí thải xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định số 49, ô tô SXLR&NK mới áp dụng TCKT mức Euro 4 từ ngày 1-1-2017 và mức Euro 5 từ 1-1-2022. Tuy nhiên, ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu vẫn áp dụng các mức TCKT cũ quy định cách đây 12 năm, đến nay đã lạc hậu. Do vậy, cần thiết xây dựng lộ trình nâng cao mức TCKT nhằm đồng bộ với việc kiểm soát khí thải đối với xe ô tô SXLR&NK mới.
Trên bình diện chung, mức TCKT hiện tại áp dụng tại nước ta là thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới và cần thiết phải nâng cao để giảm phát thải gây ô nhiễm, đảm bảo đáp ứng công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Tiêu chí ngày càng chặt chẽ
Quá trình xây dựng dự thảo quyết định này, Bộ GTVT thống nhất quan điểm: Việc kiểm soát khí thải cần thực hiện từng bước, có sự phân biệt giữa các thành phố lớn, nơi có mật độ giao thông cao với các khu vực khác. Mức TCKT mới có tính đến các yếu tố như tuổi đời, công nghệ xử lý khí thải của phương tiện và việc thực hiện kiểm soát khí thải trước đó nhằm tạo điều kiện để người sử dụng phương tiện tuân thủ. Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng, quản lý, kiểm tra, kiểm định xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; không áp dụng đối với các loại xe ô tô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng theo dự thảo quyết định như sau: Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ sử dụng nhiên liệu xăng, khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG, khí tự nhiên nén - CNG và các loại tương tự) áp dụng Mức 4 kể từ ngày 1-1-2020. Ô tô lắp động cơ cháy do nén (động cơ sử dụng nhiên liệu điêzen và các loại tương tự) áp dụng Mức 3 kể từ ngày 1-1-2020. (Mức 1, Mức 2, Mức 3, Mức 4 là các mức tiêu chuẩn khí thải quy định giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của xe ô tô quy định tại TCVN 6438 “Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải”).
Đối với xe ô tô tham gia giao thông, lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải như sau: Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén (sau đây gọi chung là ô tô) tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1. Ô tô tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1-1-2021. Ô tô tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1-1-2020.
Sở dĩ dự thảo quyết định chọn mốc năm sản xuất 1999 và mốc 2009 là vì, mốc năm 1999 là thời điểm Quyết định 1397/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ có hiệu lực, xe ô tô tham gia giao thông bắt đầu được kiểm tra khí thải. Ô tô trước và sau thời điểm này có sự thay đổi về chất lượng bảo dưỡng cũng như chất lượng phương tiện. Việc cho phép những xe sản xuất trước năm 1999 vẫn được áp dụng tiêu chuẩn hiện tại (mức 1) là cần thiết vì công nghệ ô tô tại thời điểm đó có thể không cho phép cải thiện chất lượng khí thải hơn nữa bằng các biện pháp sửa chữa, bảo dưỡng hay thay thế phụ tùng. Như vậy người dân vẫn có lựa chọn tiếp tục sử dụng phương tiện có chất lượng khí thải thấp hoặc có kế hoạch thay thế sử dụng các loại phương tiện mới hơn, chất lượng khí thải tốt hơn. Đối với mốc năm 2009 là vì theo Quyết định 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 1-7-2008 toàn bộ ô tô sản xuất, lắp ráp nhập khẩu mới tại Việt Nam đều phải đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 2. Như vậy các xe ô tô sản xuất sau năm 2009 được trang bị công nghệ động cơ tiên tiến hơn để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải EURO 2 và các xe ô tô này sẽ dễ dàng đạt được mức tiêu chuẩn 2 thông qua bảo dưỡng, vệ sinh hệ thống xả. Các nhóm xe ô tô còn lại sẽ có thời hạn áp dụng tiêu chuẩn mới lùi lại một năm để được tuyên truyền, được hướng dẫn và chuẩn bị các phương án bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.
Đến hết năm 2019, những xe ô tô chở người trên 9 chỗ sản xuất trước 1999 sẽ hết niên hạn sử dụng, không còn được hoạt động. Như vậy tất cả các loại ô tô chở người trên 9 chỗ đều là loại phương tiện hiện đại, có đủ công nghệ kỹ thuật để đáp ứng được mức tiêu chuẩn 2.
Bộ GTVT cũng đề xuất, các thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ tình hình kinh tế, xã hội và yêu cầu về quản lý chất lượng không khí tại địa phương nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép khoanh vùng áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các quy định của quyết định này.
BVT (nguồn qdnd.vn)